GS Võ Văn Tới trao đổi với sinh viên khoa kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Văn Tới nói: "Việc bổ nhiệm chức danh PGS, GS ở giáo dục ĐH là rất cần thiết. Ở Mỹ, chức danh PGS, GS đều do các trường ĐH tự bổ nhiệm. Hiện nay Việt Nam đã hội nhập quốc tế, việc gì quốc tế làm được thì ta cũng có thể làm được".
* Hiện nay ở Việt Nam, PGS, GS do Nhà nước phong là học hàm tồn tại suốt đời, ngay cả khi không còn làm nghiên cứu, giảng dạy ĐH. Thực tế này có cần phải chấm dứt không, thưa ông?
- PGS, GS là chức danh dành cho những người trực tiếp tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu tại trường ĐH. Đây không phải là chức vụ quản lý. Ở các nước, những người được bổ nhiệm PGS, GS cũng được công nhận suốt đời nhưng với điều kiện người đó phải giảng dạy, nghiên cứu tại trường. Một giảng viên mới về trường sẽ được xem xét bổ nhiệm GS dự bị, sau 6 năm có thể được xem xét trở thành PGS và sau đó là GS thực thụ.
Khi một GS đến tuổi về hưu, nhà trường sẽ công nhận người đó là GS hồi hưu (GS danh dự - emeritus professor). Tuy nhiên, nếu một GS chưa đến tuổi hưu mà bỏ trường đi chỗ khác làm việc thì không còn là GS nữa.
* Có ý kiến cho rằng người được Nhà nước phong PGS, GS ở Việt Nam được hưởng các quyền lợi, hệ số lương do Nhà nước quy định nên nhiều người cố được cái danh ấy... Theo ông, có cần thay đổi quy định này?
- Theo tôi, không cần phải có một hội đồng chức danh GS cấp nhà nước thực hiện việc bổ nhiệm học hàm. Có người lo ngại nếu không có hội đồng chức danh GS cấp quốc gia thì ai cũng có thể trở thành GS được hết.
Tuy nhiên khi cho phép các trường tự bổ nhiệm PGS, GS như cách làm của các nước, không còn học hàm do Nhà nước bổ nhiệm nữa, khi đó GS sẽ gắn với một trường cụ thể, ví như GS của Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), GS của các trường ĐH tư thục...
Ở Việt Nam hiện nay Chính phủ quy định hệ số lương cho viên chức, giảng viên các trường ĐH, trong đó PGS, GS có hệ số lương cao hơn nhiều so với giảng viên chưa có học hàm có cùng thâm niên.
Trong khi ở Mỹ, các trường toàn quyền quyết định mức lương giảng viên, nên có trường hợp GS của một trường có lương cao nhưng khi qua trường khác có thể thấp hơn. Các trường trả lương theo năng lực làm việc, nghiên cứu khoa học và những đóng góp trực tiếp cho trường.
* Ở các nước, việc bổ nhiệm GS thực hiện ra sao? Ông nhận định thế nào về quy trình bổ nhiệm học hàm hiện nay ở Việt Nam?
- Các trường ĐH ở Mỹ được toàn quyền tự phong PGS, GS nhưng phải thông qua một hội đồng GS với luật định rất chặt chẽ. Những quy định này được nhà trường đặt ra nhưng phải được hội đồng GS chấp nhận.
Ngoài ra, khi nhà trường muốn xét bổ nhiệm PGS, GS cho người nào đó, không phải chỉ nội bộ nhà trường xem xét quyết định mà họ còn lấy ý kiến của người bên ngoài. Sau đó hội đồng trường sẽ mời một trong số những GS đã tham gia đánh giá hồ sơ của ứng viên đến trao đổi với hội đồng để đưa ra quyết định cuối cùng.
Một giảng viên ĐH muốn được công nhận PGS, GS cần phải đáp ứng được một số điều kiện cứng, thông thường là phải có kinh nghiệm làm việc tại trường 6 năm mới được xem xét hồ sơ bổ nhiệm.
Ứng viên phải làm hồ sơ nêu những thành tích trong quá trình làm việc tại trường của mình, công bố bài báo khoa học, mời gọi tài trợ nghiên cứu và những đánh giá ứng viên của các chuyên gia trong lĩnh vực... nộp cho hội đồng bộ môn (khoa) xem xét. Sau đó, hội đồng bộ môn tiến cử người đó lên hội đồng trường xem xét quyết định bổ nhiệm.
Trong khi ở Việt Nam, chức danh PGS, GS do Nhà nước bổ nhiệm được thực hiện với quy định tiêu chuẩn, thủ tục bài bản nhưng thực tế tôi thấy có những người xứng đáng lại chưa được bổ nhiệm. Theo tôi, Nhà nước nên giao quyền cho các trường ĐH tự làm việc này vì cách làm này phù hợp xu hướng quốc tế.
GS.TSKH ĐẶNG ỨNG VẬN (từng có 2 nhiệm kỳ ở Hội đồng GS nhà nước):
Chưa thể yên tâm
Năm nay xét duyệt GS, PGS vẫn có những ứng viên chưa đủ tiêu chuẩn lọt tới Hội đồng GS ngành, liên ngành, cho thấy việc xét duyệt GS, PGS của Việt Nam vẫn chưa đủ độ tin cậy. Điều này còn cho thấy nếu chuyển việc xét duyệt GS, PGS về hội đồng GS cơ sở tại các cơ sở giáo dục ĐH thì chưa yên tâm được.
Ở nước ngoài họ vẫn để các trường xét GS và họ có sự phân biệt chất lượng GS ở trường lớn với GS ở các trường nhỏ hơn. Tuy nhiên ở ta chưa có "văn hóa" đó, chưa chấp nhận sự chênh lệch, mọi người muốn GS ở trường ĐH cấp quốc gia hay GS ở trường tư cũng phải có trình độ ngang nhau. Do vậy vẫn cần Hội đồng GS nhà nước làm "trọng tài". Còn tương lai khi các trường nâng cao chất lượng, mức độ tự chủ cao hơn thì lúc đó mới có thể đưa việc xét GS, PGS về các trường ĐH. Để làm được như vậy cần có một quá trình.
NGỌC DIỆP ghi
Trường đầu tiên tự bổ nhiệm giáo sư
Tháng 1-2016, Trường ĐH Tôn Đức Thắng thông báo nhận hồ sơ tuyển dụng và bổ nhiệm các chức vụ chuyên môn (GS thực thụ, GS dự bị, GS trợ lý) thuộc các ngành, chuyên ngành đào tạo của trường. Đây là trường ĐH đầu tiên ở VN tự bổ nhiệm GS.
Ứng viên phải chọn một trong hai ngạch khi đệ đơn. Ở mỗi ngạch, nhà trường bổ nhiệm hay đề bạt ba chức vụ: GS trợ lý (assistant professor), GS dự bị (associate professor), GS thực thụ (full professor). Ngoài ra, trường còn có một chức vụ GS xuất sắc (distinguished professor) dành cho các nhà khoa học có những đóng góp quan trọng cho chuyên ngành tầm quốc tế và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của trường...
Một cán bộ quản lý Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết việc nhà trường tự bổ nhiệm GS được thực hiện từ năm 2016 đến khi hiệu trưởng Lê Vinh Danh bị cách chức. Hiện nay, do nhà trường chưa có bộ máy lãnh đạo mới (hội đồng trường, ban giám hiệu) nên việc này chưa biết tiếp tục triển khai hay dừng lại.
Đại diện Hội đồng chức danh GS nhà nước cho rằng Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự ý phong chức danh GS, PGS là vi phạm pháp luật và không có giá trị pháp lý.
TTO - Theo quy định hiện nay, ứng viên giáo sư, phó giáo sư sẽ nộp hồ sơ lên hội đồng giáo sư cơ sở (trường). Các chuyên gia đánh giá hội đồng cơ sở có vai trò quan trọng khi là khâu đầu tiên sàng lọc hồ sơ của ứng viên.