Fancy Bear là một trong những nhóm tin tặc khét tiếng nhất của Nga - Ảnh: GETTY IMAGES
Các mục tiêu của nhóm tin tặc, biệt danh "Fancy Bear", mà Reuters đã xác định được là Trung tâm vì sự tiến bộ của người Mỹ, Hội đồng Quan hệ đối ngoại và Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế có trụ sở tại Washington.
Cả ba cơ quan và tổ chức này cho biết họ không thấy bằng chứng cho thấy nỗ lực tấn công của nhóm tin tặc đã thành công.
Cơ quan tình báo quân sự Nga đứng sau Fancy Bear và chịu trách nhiệm cho việc tấn công các tài khoản email nhân viên của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton trước thềm cuộc bầu cử năm 2016, theo cáo trạng của Bộ Tư pháp năm 2018.
Tháng 9-2020, Microsoft cũng từng thông báo về hoạt động tấn công của Fancy Bear, nói rằng nhóm tin tặc này đã cố gắng tấn công mạng hơn 200 tổ chức, nhiều trong số này có liên quan đến cuộc bầu cử năm nay.
Sở dĩ Microsoft có thể liên kết chiến dịch tấn công mạng trên với nhóm tin tặc Nga nhờ vào một lỗi lập trình, cho phép công ty xác định hình thức tấn công duy nhất do nhóm Fancy Bear dùng.
Trong khi đó, công ty an ninh mạng Secureworks cho biết 4 nguồn thạo tin đã xác nhận việc nhóm tin tặc này nhắm mục tiêu vào Đảng Dân chủ ở bang Indiana và California, cho thấy rằng người Nga đang "mở rộng mạng lưới của họ".
Microsoft đã từ chối bình luận về những thông tin của Reuters với lý do về quyền riêng tư của khách hàng. Tuy nhiên, ông Tom Burt, phó chủ tịch Microsoft, trong một thông báo đã nói công ty và chính phủ Mỹ "đang làm việc chăm chỉ để giữ cho cuộc bầu cử được an ninh và an toàn".
Đảng Dân chủ tại bang Indiana thông báo "không có bất kỳ cuộc tấn công mạng thành công nào". Đứng đầu Đảng Dân chủ bang California Rusty Hicks thừa nhận bị tấn công nhưng nói rằng "nỗ lực của tổ chức nước ngoài đã không thành công".
Đại sứ quán Nga tại Washington khẳng định họ không can thiệp vào công việc nội bộ của nước Mỹ và bác bỏ mọi liên hệ với "Fancy Bear", gọi cáo buộc trên là "tin giả".
Cùng ngày 30-10, như Reuters đưa tin, các quan chức Mỹ cho biết tin tặc Iran, đứng sau làn sóng email đe dọa gửi cho hàng ngàn người Mỹ hồi đầu tháng, đã truy cập thành công dữ liệu cử tri.
Tuyên bố chung của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ An ninh Nội địa (DHS) phần nào xác thực thông tin về một video, được phát tán như một phần của chiến dịch thông tin sai lệch, đã thu hút sự chú ý của mọi người hồi tuần trước.
Chiến dịch này, bao gồm hàng ngàn email đe dọa được gửi ngẫu nhiên cho các cử tri Mỹ dưới danh nghĩa một nhóm cực hữu ủng hộ Tổng thống Donald Trump, bao gồm một video tiết lộ một tin tặc nói họ có thể chứng minh việc phá hoại của mình bằng cách xâm nhập vào hồ sơ đăng ký cử tri.
DHS và FBI cuối ngày 30-10 xác nhận "tin tặc đã lấy thành công dữ liệu đăng ký cử tri ở ít nhất là một tiểu bang" nhưng không cho biết là tiểu bang nào.
Các quan chức Mỹ hiện đang phải cảnh giác cao độ trước mối đe dọa can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong tuần tới.
TTO - Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi thiết lập lại quan hệ với Mỹ về vấn đề mạng, lập thỏa thuận không can thiệp mạng vào bầu cử của nhau.