Tờ South China Morning Post đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31-10 đã chỉ trích sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn (G20) tại Rome, Ý.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói điều này là “đáng thất vọng” trong bối cảnh lãnh đạo các nước G20 đã có mặt và đồng thuận với cam kết "theo đuổi nỗ lực" hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: SCMP
"Có một lý do tại sao mọi người nên thất vọng, vì ông Tập và ông Putin không trực tiếp xuất hiện. Bản thân tôi thấy điều đó thật đáng thất vọng” – ông Biden nói.
“Bạn sẽ thấy chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể và còn nhiều việc phải làm, nhưng điều đó đòi hỏi chúng tôi phải tiếp tục tập trung vào những gì Trung Quốc không làm, những gì Nga không làm và Saudi Arabia không làm" – ông Biden nói thêm.
Theo South China Morning Post, hội nghị G20 đã đạt được một bước đột phá về các vấn đề khí hậu. Các nhà lãnh đạo G20 hôm 31-10 đã nhất trí khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C và lý tưởng là 1,5 độ C.
“Việc duy trì mức tăng ở ngưỡng 1,5 độ C sẽ đòi hỏi tất cả các quốc gia phải có những hành động và cam kết hiệu quả, có tính đến các cách tiếp cận khác nhau" - thông cáo chung nêu.
Theo thông cáo, các quốc gia cần "phát triển các lộ trình rõ ràng, gắn tham vọng dài hạn với các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn, đồng thời với sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế, bao gồm tài chính và công nghệ, tiêu dùng và sản xuất bền vững và có trách nhiệm với tư cách là những yếu tố thúc đẩy quan trọng, trong bối cảnh phát triển bền vững”.
Tuyên bố cuối cùng của G20 bao gồm cam kết ngừng tài trợ cho việc sản xuất nhiệt điện than ở nước ngoài vào cuối năm nay, nhưng không ấn định ngày loại bỏ dần điện than, chỉ hứa sẽ làm như vậy "càng sớm càng tốt".
Trả lời phỏng vấn của đài CBS, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết "bão, hạn hán, tất cả hiện tượng tự nhiên đã trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu" đang đặt sức ép lên tất cả chính phủ về việc thực hiện các cam kết tự nguyện nhằm giảm lượng khí thải một cách nghiêm túc hơn.
“Chúng tôi đang thúc đẩy nhằm đạt được một thỏa thuận để đảm bảo rằng các quốc gia không tài trợ cho các dự án than trên phạm vi quốc tế" - ông Blinken nói.
"Chúng tôi phải thực sự làm những gì chúng tôi nói và đảm bảo rằng những bên khác chưa thực hiện các cam kết cần thiết - gồm cả Trung Quốc, hiện là nước phát thải lớn nhất thế giới - làm điều đúng đắn” – ông Blinken cho hay.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc là quốc gia phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới, thải ra 28% tổng lượng khí thải của thế giới vào năm 2019, theo sau là Mỹ với mức 14,5% và Ấn Độ ở mức 7%.
Trong đoạn băng ghi hình bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tập đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang nỗ lực nhằm giảm lượng khí thải toàn cầu.
“Các nước phát triển nên làm gương về vấn đề giảm phát thải, đáp ứng đầy đủ những khó khăn và mối quan tâm đặc biệt của các nước đang phát triển” – nhà lãnh đạo Trung Quốc cho hay.
Ông Tập đã không đích thân tham dự hội nghị G20, thay vào đó là sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.
Ông Vương đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào sáng 31-10.