vĐồng tin tức tài chính 365

Năm 2022, tuyển sinh đại học thay đổi như thế nào?

2021-11-01 09:50

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021, các trường đại học (ĐH) cũng bắt tay xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho năm tới. Nhìn chung, các trường chưa có kế hoạch điều chỉnh nhiều trong phương thức xét tuyển. Dự kiến chiếm chỉ tiêu lớn vẫn là xét theo điểm thi THPT, điểm học bạ.

Vẫn ưu tiên xét điểm tốt nghiệp THPT

ThS Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) cho rằng năm 2022, hầu hết các trường ĐH vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển như năm 2021. Tuy nhiên, có thể có một số điều chỉnh về tỉ lệ chỉ tiêu của các phương thức, hình thức nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển... để phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

Riêng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dự kiến tiếp tục sử dụng các phương thức gồm xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét học bạ THPT theo tổ hợp môn và theo điểm trung bình học kỳ.

Năm 2022, tuyển sinh đại học thay đổi như thế nào? - ảnh 1
Phụ huynh, thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2021 tại Trường ĐH Kinh tế -
Tài chính TP.HCM. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, ThS Nguyên cũng cho biết trong năm tới, để hạn chế những khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trường sẽ sớm có những chính sách và giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh chủ động trong việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và xác nhận nhập học ngay từ đầu.

Với Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, cũng cho biết trường dự kiến giữ nguyên bốn phương án tuyển sinh như cũ. Gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển từ điểm kiểm tra ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Đặc biệt, để chủ động hơn, trường sẽ tăng cường tư vấn online và đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh từ tháng 11-2021 đến tháng 2-2022.

Tương tự, tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, TS Nguyễn Trung Nhân (Trưởng Phòng đào tạo) cho biết dự kiến kế hoạch tuyển sinh của trường vẫn giữ ổn định như năm 2021. Trong đó, phương thức chiếm tỉ trọng chính vẫn là dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, trường vẫn duy trì một số phương thức bổ sung khác như xét học bạ, xét điểm thi ĐGNL, tuyển thẳng…

Còn với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ông Nguyễn Trường Thịnh, phụ trách trường, cho hay hiện trường đang xây dựng đề án tuyển sinh năm 2022. Qua đánh giá chất lượng đầu vào những năm vừa qua, trường dự kiến vẫn chủ yếu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, kế đến là xét học bạ để thuận lợi cho tất cả thí sinh. Tuy nhiên, có thể trường sẽ điều chỉnh một số điều kiện, tiêu chí đi kèm để đảm bảo tuyển sinh hiệu quả hơn.

Tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực

Năm 2022, một trong các phương thức tuyển sinh tiếp tục được các trường ĐH sử dụng làm phương thức chính hoặc bổ sung nhiều là xét kết quả thi ĐGNL.

Trong đó, hai đơn vị tiếp tục duy trì tổ chức kỳ thi này ở quy mô lớn nhất vẫn là ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo chia sẻ của TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi ĐGNL năm 2022 cơ bản không có nhiều thay đổi so với năm 2021 về công tác tổ chức, hình thức thi, quy chế thi, cấu trúc đề thi…

Ông Chính cho biết ĐH này dự kiến sẽ vẫn tổ chức hai đợt thi ĐGNL trong năm 2022: Đợt 1 vào cuối tháng 3, khi học sinh cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 và một đợt vào tháng 7, tức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.  

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục cho các em thực hiện các thao tác đăng ký thi, đóng lệ phí, in giấy báo dự thi, đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng… trực tuyến.

ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong và ngoài hệ thống để tổ chức thi sao cho thuận lợi nhất cho thí sinh. Việc mở rộng quy mô hoặc tăng đợt thi sẽ được cân nhắc cẩn trọng, tùy theo tình hình và điều kiện thực tế.

Tại khu vực phía Bắc, năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến tổ chức kỳ thi ĐGNL khoảng 7-8 đợt, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8-2022, đáp ứng cho khoảng 30.000 thí sinh dự thi. Kết quả kỳ thi sẽ được dùng xét tuyển vào các trường trong và ngoài hệ thống, tùy nhu cầu của các trường.

Một số trường khác cũng dự kiến sẽ duy trì trở lại kỳ thi tuyển sinh riêng như Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM…

Tiếp tục tự chủ tuyển sinh, mở rộng xét tuyển chung

Theo văn bản mới nhất của Bộ GD&ĐT, năm 2022, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021.

Các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ tiếp tục thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Bộ cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải tổ chức tuyển sinh đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng; đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh cần phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính công khai, minh bạch theo quy định. Chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tổ chức tuyển sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp.

Bộ GD&ĐT khuyến cáo những trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. 

 

Xem thêm: lmth.4215201-oan-eht-uhn-iod-yaht-coh-iad-hnis-neyut-2202-man/cud-oaig/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Năm 2022, tuyển sinh đại học thay đổi như thế nào?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools