Theo phân tích của Kinh tế Sài Gòn online, một số người vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với bảo hiểm, chủ yếu là do khi có vấn đề phát sinh liên quan đến hợp đồng, quyền lợi bảo hiểm lại không được như kỳ vọng.
Do sức ép chỉ tiêu doanh số, đại lý bảo hiểm muốn có hợp đồng nhanh nhất có thể thường tránh đề cập những ràng buộc hay trách nhiệm của bên tham gia, thậm chí còn phóng đại quyền lợi nhằm thuyết phục dễ dàng hơn.
Vậy tại sao lại tồn tại những đại lý bảo hiểm bán hàng "không có tâm" như vậy? Nghề đại lý bảo hiểm cần có chứng chỉ đào tạo, nhưng thực tế cho thấy có nhiều công ty rút ngắn số ngày và nội dung đào tạo, chủ yếu làm sao giúp ứng viên có được chứng chỉ nhanh.
Đôi khi nội dung lại chỉ tập trung vào kỹ năng bán hàng chứ không giúp người hành nghề có được sự hiểu biết sâu về sản phẩm để tư vấn đúng cho người tiêu dùng. Chưa kể có những đại lý trình độ chuyên môn hạn chế, vì quy định hiện nay có kẽ hở là chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Sự "dễ dãi" trong khâu quản lý chất lượng của đại lý bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng đến khách hàng, mà còn gây phương hại cho cả công ty bảo hiểm.
Gần đây, câu chuyện một người tham gia 19 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe bị tố giác và cơ quan công an khởi tố vụ án là một minh chứng cụ thể.
Đào tạo nhân lực kỹ năng số: Có chiến lược nhưng cần cơ chế và cách làm
Việt Nam có nhiều tiềm năng để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế số với 70% người dân sử dụng điện thoại thông minh, tốc độ tăng trưởng kinh tế Internet cao thứ 2 Đông Nam Á chỉ sau Indonesia. Theo báo cáo của AlphaBeta, nếu tận dụng thành công, kinh tế số sẽ đem về cho Việt Nam 74 tỷ USD tương đương 1,7 triệu tỷ đồng vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn phân tích trên tờ Đầu tư Tài chính - Sài Gòn Giải phóng, cần chú ý vào chữ "nếu" trong câu kết luận trên vì còn rất nhiều rào cản đang khiến Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng. Một trong số đó là nhân lực.
Theo chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu 2020, Việt Nam hiện xếp hạng cuối trong khu vực Đông Nam Á về kỹ năng số hiện có của lực lượng lao động.
Bài viết phân tích: "Đừng nhầm lẫn giữa mức độ tiếp cận nhanh với công nghệ tiêu dùng mới (như việc nhiều người dùng các mạng xã hội) và kỹ năng số cơ bản là làm việc nhóm trên số, lập trình, tạo ứng dụng…, như vậy có thể rơi vào cái bẫy là có hàng chục ngàn người giỏi bán hàng qua mạng, có số ảnh hưởng trên mạng xã hội cao (KOLs). Có nghĩa là chúng ta trở thành một thị trường tiêu thụ số, bị biến thành thị trường tiêu thụ 100 triệu dân trên không gian số, không phải trung tâm sản xuất hay dẫn đầu công nghệ. Như vậy, dù dẫn đầu về mảng tiêu thụ số, ta có thể tụt hậu ở mảng sản xuất và sáng tạo".
Các công ty tài chính cần chính sách đặc thù
Các công ty tài chính bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Báo Đầu tư dẫn thống kê, tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ của khối này bị ảnh hưởng bởi dịch lên tới 63.000 tỷ đồng (chiếm gần 40% tổng dư nợ).
Điều này khiến nợ xấu của nhóm công ty tài chính vọt lên 9%, trong khi cuối năm 2020, tỷ lệ này chỉ 6% (tức mức nợ xấu tăng 33%). Nợ xấu tăng nhanh, nhưng tín dụng của nhiều công ty tài chính không tăng, thậm chí suy giảm. Tuy nhiên với nguồn vốn "ế", các công ty này không thể đầu tư giấy tờ có giá để tận dụng vốn nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả hoạt động.
Nhiều công ty tài chính đều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới rộng phạm vi hoạt động để đa dạng hóa dịch vụ, tối ưu hóa các nguồn lực, tăng doanh thu để từ đó kéo chi phí vốn, chi phí hoạt động xuống, làm tiền đề để giảm lãi suất cho vay…
Ngoài ra, dù quy mô lớn hay nhỏ, điểm chung mà các công ty tài chính gặp vướng mắc hiện nay là room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho khối công ty tài chính còn thấp.
VTV.vn - Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn được quy định rõ trong Hiến pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.30891100110111202-meih-oab-yl-iad-gnoux-coh/et-hnik/nv.vtv