Trong bối cảnh thế giới vẫn đang tiếp tục đối phó với những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam không là ngoại lệ, việc Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định ưu tiên đối với ngoại giao vắc-xin là hết sức chính xác và kịp thời. Việc đảm bảo nguồn vắc-xin cung cấp cho người dân là hướng đi duy nhất để Việt Nam thoát khỏi đại dịch và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, ĐSQ đã thành lập nhóm adhoc hỗ trợ vắc-xin COVID-19 bao gồm các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ĐSQ, đại diện từ các phòng Chính trị, Kinh tế, Thương vụ, Khoa học công nghệ mục đích thực hiện nhanh và hiệu quả chính sách ngoại giao vắc-xin. Để thực hiện mục đích trên, nhóm adhoc đã làm việc theo 3 mũi tiến công chính:
Thứ nhất, thực hiện công tác nghiên cứu, bám sát tình hình thực tế tại địa bàn, đặc biệt chú trọng đến: (i) kinh nghiệm phòng, chống COVID-19; (ii) chính sách phục hồi kinh tế sau COVID-19; (iii) tính hiệu quả của vắc-xin Sputnik V và thuốc đặc trị COVID-19. ĐSQ đã làm việc với Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Nga, GS, TSKH A.G. Chuchalin về kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19, thăm cơ sở sản xuất thuốc và vắc-xin tại Công ty Polisan và Viện nghiên cứu vắc-xin và huyết thanh Saint-Petersburg. Dựa trên các thông tin thu thập được, ĐSQ luôn chủ động gửi kiến nghị về các cơ quan có thẩm quyền về kinh nghiệm chống dịch của Nga, cũng như về các biện pháp thúc đẩy hợp tác Việt-Nga trong lĩnh vực phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ hai, ĐSQ đã thiết lập được kênh hợp tác trực tiếp với Quỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài Nga (RDIF) – đơn vị bảo trợ nghiên cứu sản xuất, và độc quyền phân phối vắc-xin Sputnik V do Chính phủ Nga chỉ định, qua đó hỗ trợ hiệu quả tiến trình đàm phán mua vắc-xin của Việt Nam.
Thứ ba, thúc đẩy khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc đặc trị chống COVID-19 của Nga. Hiện tại, ĐSQ đang làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất có giấy phép sản xuất vắc-xin và thuốc đặc trị lớn nhất Nga, qua đó, kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành đàm phán chuyển giao công nghệ.
Ngày 27/9, lô vắc-xin Sputnik V đầu tiên 1,480 triệu liều đã sẵn sàng với số lượng 740 nghìn mũi 1 đã được công ty VABIOTECH tiếp nhận tại Hà Nội. Số vắc xin này cùng với số vắc xin mà VABIOTECH đang sản xuất sẽ được sử dụng cho Chương trình tiêm chủng quốc gia, với mục tiêu nhanh chóng hoàn thành tiêm chủng vắc xin cho người dân.
Tới thời điểm này, vắc-xin Sputnik V là vắc-xin chống COVID-19 nước ngoài đầu tiên được sản xuất thành công tại Việt Nam. Công ty VABIOTECH gia công, đóng gói thành công vắc-xin Sputnik V và đã nhận được giấy chứng nhận đạt yêu cầu từ Viện Gamaleya – nơi sáng chế ra vắc-xin Sputnik V.
Tới thời điểm này, vắc-xin Sputnik V là vắc-xin chống COVID-19 nước ngoài đầu tiên được sản xuất thành công tại Việt Nam. Ảnh: Vabiotech
Tuy nhiên, khó khăn và thách thức luôn hiện hữu. Khó khăn và thách thức lớn nhất đó là thế giới hiện đang đối mặt với khan hiếm nguồn vắc-xin. Đối với đất nước sáng chế và sở hữu công nghệ sản xuất vắc-xin như Nga, điều đó không phải ngoại lệ. Việc nhu cầu tiêm vắc-xin tăng quá nhanh, khiến cho các nhà máy không kịp gia tăng công suất sản xuất trong thời gian ngắn, gây ra sự thiếu hụt nguồn vắc-xin trầm trọng. Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng xuất khẩu vắc-xin của Nga. ĐSQ hết sức nỗ lực với vai trò cầu nối trong đàm phán, kiên trì đề nghị phía Nga cung cấp vắc-xin Sputnik V cho Việt Nam với số lượng nhiều nhất có thể trong năm nay.
ĐSQ luôn sẵn sàng, tập trung nguồn lực tối đa để triển khai ngoại giao vắc-xin nhanh, hiệu quả, thực chất, qua đó đóng góp vào quá trình thực hiện "mục tiêu kép" mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Trong thời gian tới, ĐSQ tiếp tục đẩy mạnh các hướng công tác đã được đề ra.
Đại sứ quán sẽ tiếp tục là cầu nối giữa Bộ Y tế và các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Nga, để có thể nhập được vắc-xin, thuốc đặc trị và các thiết bị y tế cần thiết trong công tác chống dịch với số lượng nhiều nhất và trong thời gian nhanh nhất có thể.
Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko bàn giao lô vắc-xin Sputnik V cho Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Trong thời gian qua, Việt Nam và Nga đã hợp tác hết sức hiệu quả trong lĩnh vực phòng, chống đại dịch COVID-19. Hai bên đã có những cử chỉ hỗ trợ lẫn nhau hết sức kịp thời, trao đổi thực chất, qua đó đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Một trong những kết quả đó là việc công ty VABIOTECH gia công đóng gói đóng ống thành công vắc-xin Sputnik V và đã nhận được giấy chứng nhận đạt yêu cầu từ Viện Gamaleya – nơi sáng chế ra vắc-xin Sputnik V.
Việc VABIOTECH thực hiện gia công đóng ống vắc-xin Sputnik V có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tại Việt Nam, Sputnik V là vắc-xin duy nhất đã có thành công bước đầu trong việc chuyển giao công nghệ. Qua đó, tạo tiền đề cho việc không những đảm bảo nhu cầu vắc-xin trong nước trong bối cảnh trên thế giới vẫn còn khan hiếm nguồn cung vắc-xin chống COVID-19, mà còn từng bước biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin Sputnik V trong khu vực Đông Nam Á.
Cận cảnh quy trình sản xuất vắc-xin Sputnik V tại Việt Nam. Ảnh: Vabiotech/Long Phạm
Riêng đối với Nga, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta hết sức sát sao, thúc đẩy ngoại giao vắc-xin.
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã gây hạn chế khá nhiều cho việc giao lưu giữa hai nước, đặc biệt ở cấp cao. Tuy nhiên, đại dịch cũng không thể cản trở được mối quan hệ khăng khít được dày công vun đắp qua nhiều thế hệ. Lãnh đạo cấp cao hai nước vẫn tiếp tục trao đổi qua các hình thức như điện đàm hoặc trao đổi điện thư.
Trong tất cả trao đổi cấp cao, như điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin, thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin, thư của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, điện đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko, đều đề cập đến việc Nga hỗ trợ Việt Nam vắc-xin và thiết bị y tế trong cuộc chiến phòng chống COVID-19.
Ngày 16/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó trọng tâm là Việt Nam mong muốn Nga tiếp tục hỗ trợ vắc-xin, thuốc đặc trị và thiết bị y tế chống dịch, cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam. Nhiều bộ, ngành liên quan cũng rất tích cực trong việc thúc đẩy tìm kiếm nguồn vắc-xin cho Việt Nam.
Gần đây nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Quỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài Nga. Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị Nga tiếp tục ưu tiên cung cấp vắc-xin cho Việt Nam sớm nhất có thể theo tiến độ đã được thống nhất.
Có thể thấy, chính nhờ tích cực của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước vẫn tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển. Đặc biệt, trong gian đoạn đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, điều này đã giúp Việt Nam có thể nhận chuyển giao công nghệ sản xuất từ rất sớm, qua đó dần tự chủ về nguồn cung vắc-xin trong nước, sớm ổn định tình hình kinh tế-xã hội.
Giữa Việt Nam và Nga có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực. Đại dịch COVID-19 đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, và Việt Nam và Nga cũng không nằm ngoài vòng xoáy đấy. Nhưng như người Nga đã có câu "mọi đồng xu đều có hai mặt", đại dịch COVID-19 đã mở ra cho quan hệ Việt Nam và Nga những lĩnh vực hợp tác mới, trong đó nổi bật và cấp thiết nhất chính lúc hợp tác sản xuất vắc xin chống COVID-19.
Lợi thế lớn nhất chính là năng lực nội tại của Việt Nam. Đã từ lâu, tại Việt Nam đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đã được thực hiện nhằm nghiên cứu hoặc tiếp thu chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vắc xin thiết yếu và các loại sinh phẩm quan trọng phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã rất thành công trong việc tiếp thu chuyển giao công nghệ, triển khai từ các đề tài nghiên cứu và phát triển (R&D) đến các Dự án sản xuất thử nghiệm và triển khai sản xuất ở quy mô công nghiệp, phục vụ thiết thực cuộc sống. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong 39 quốc gia trên thế giới đạt tiêu chuẩn khắt khe này của WHO và được thế giới công nhận về chất lượng vắc xin.
Trên cơ sở này, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi Nga chọn Việt Nam là một trong những đối tác chuyển giao công nghệ sản xuất Sputnik V. Phía Nga đã thẩm định và đánh giá rằng vắc xin của nhà sản xuất tại Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu. Với việc hợp tác sản xuất vắc xin của Nga, Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành trung tâm vắc xin của khu vực, giúp vắc xin được xuất khẩu tới các quốc gia khác một cách thuận lợi và nhanh chóng.
Việc Việt Nam sản xuất thành công Sputnik V là tiền đề hết sức quan trọng để nước ta có thể tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng vắc-xin toàn cầu, tiến tới trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin chống COVID-19 trong khu vực. Điều này rất có triển vọng, khi Việt Nam sở hữu những yếu tố sau đây:
Thứ nhất, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế hạ tầng chất lượng cao ở các khu công nghiệp cũng như đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm ở nhiều công ty công nghệ cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất vắc-xin.
Thứ hai, việc có thể làm chủ phương thức sản xuất vắc-xin phức tạp và năng lực sản xuất vắc-xin với số lượng lớn có thể giúp Việt Nam đảm bảo đạt chỉ tiêu đủ vắc-xin COVID-19 cho ít nhất 70% dân số đến quý 2.2022.
Thứ ba, điều này có thể đóng góp vào việc giảm thiếu hụt toàn cầu và giúp vắc-xin dễ tiếp cận hơn với các quốc gia kém phát triển.
Trong giai đoạn đầu, khi Việt Nam đang từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng vắc-xin, bắt đầu từ công đoạn đóng gói và hoàn tất sản xuất vắc-xin, thì việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến, vốn và đào tạo con người là những điều hết sức quan trọng trong kế hoạch sản xuất vắc-xin của quốc gia.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa biết bao giờ sẽ kết thúc, việc trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin COVID-19 là thành tố quan trọng trong việc hình thành sức mạnh mềm của Việt Nam, tiếp tục khẳng định nội lực và vị thế của ta trên trường quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn!
Lan Hương
Trí Thức Trẻ