Cụ thể, tuần qua giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.600 đồng/kg, giá bình quân là 5.380 đồng/kg, tăng 38 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.350 đồng/kg, trung bình là 6.500 đồng/kg, tăng 63 đồng/kg. Tuy nhiên, giá các loại gạo lại giảm nhẹ.
Gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.800 đồng/kg, giá bình quân 9.529 đồng/kg, giảm 43 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.550 đồng/kg, giá bình quân 9.317 đồng/kg, giảm 25 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.350 đồng/kg, giá bình quân 9.067 đồng/kg, giảm 25 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, giá các loại lúa khô vẫn ổn định như: OM4900 là 7.500 đồng/kg, OM6976 là 6.500 đồng/kg, ST24 là 8.050 đồng/kg, Đài thơm 8 là 7.300 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, giá một số loại lúa vẫn giữ ổn định so với tuần trước, như OM5451 đạt 6.500 đồng/kg, IR50404 5.800 đồng/kg, Đài thơm 8 là 7.000 đồng/kg.
Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa không có biến động. Cụ thể, Jasmine là 6.700 đồng/kg, IR50404 thì ổn định ở mức 5.700 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá lúa tươi không đổi so với tuần trước như: IR50404 5.850 đồng/kg, OM 5451 ổn định ở mức 5.900 đồng/kg.
Về mặt hàng gạo, giá gạo tại An Giang vẫn giữ vững giá như: Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài từ 17.000 - 18.000 đồng/kg; Hương Lài 19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; Nàng hoa 16.500 đồng/kg; gạo Nhật 20.000 đồng/kg; gạo thường từ 11.000-11.500 đồng/kg; riêng gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.
Hiện các địa phương đang chăm sóc lúa Thu Đông và một số nơi gieo sạ lúa Đông Xuân 2021-2022 sớm. Vụ Thu Đông 2021, nông dân Tiền Giang xuống giống trên 6.800 ha lúa; trong đó, trà lúa chủ yếu đang ở giai đoạn làm đòng với diện tích gần 4.500 ha, còn lại đang ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Nông dân địa phương đang phấn đấu vượt qua khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tập trung chăm sóc để giành thêm vụ lúa Thu Đông thắng lợi, giúp bà con có thêm nguồn thu, ổn định sản xuất và đời sống.
Cục Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo nông dân chú ý các loại dịch hại như: rầy nâu trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh – đòng trỗ; bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá và lem lép hạt tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại mạnh trong thời gian tới do ảnh hưởng thời tiết có mưa nhiều, giông lớn và ẩm độ không khí cao, nhất là trên những ruộng gieo sạ dày, bón thừa phân đạm,... Các tỉnh khuyến cáo bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng điều tra phát hiện sớm để quản lý và phòng trừ kịp thời.
Ngoài ra, ốc bươu vàng có khả năng gia tăng diện tích nhiễm trên trà lúa Thu Đông và Đông Xuân 2021 – 2022 mới gieo trồng, nhất là trên những ruộng trũng khó tiêu thoát nước.
Con số và dự báo
Trong khi thị trường lúa gạo trong nước không có nhiều biến động thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã chạm mức cao nhất của ba tháng rưỡi trong tuần này do nguồn cung thấp và đồng rupee mạnh lên.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 363-367 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức từ 362-365 USD/tấn trong tuần trước đó. Giá mặt hàng này đã tăng trong tuần thứ ba liên tiếp.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết nguồn cung từ vụ mùa mới vẫn còn hạn chế. Nguồn cung có thể tăng trong tháng tới và giúp “hạ nhiệt” giá trong nước.
Ngoài ra, đồng nội tệ rupee đang giao dịch ở mức cao của một tuần khiến lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu lương thực thiết yếu này ở thị trường nước ngoài sụt giảm.
Một thương nhân tại Dhaka cho hay phần lớn gạo được nhập khẩu từ Ấn Độ thông qua cửa khẩu đường bộ, tuy nhiên giá gạo vẫn cao.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống từ 425-430 USD/tấn trong phiên 28/10 so với mức 430-435 USD/tấn trong tuần trước đó.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá giảm do giá gạo cạnh tranh từ các nhà sản xuất khác, trong đó có Thái Lan và Ấn Độ. Số liệu xuất khẩu sơ bộ cho thấy 321.555 tấn gạo đã rời cảng Tp.Hồ Chí Minh trong tháng 10.
Một thương nhân khác tại Tp.Chí Minh dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trong thời gian còn lại của năm do nhu cầu tăng, đặc biệt là từ các nhà nhập khẩu châu Á.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm được giao dịch ở mức từ 385-406 USD/tấn trong ngày 28/10, so với mức từ 385-390 USD/tấn vào tuần trước.
Một thương nhân tại Bangkok cho biết đã có nhiều đơn hàng đặt mua hơn nhưng giá chỉ thay đổi do tỉ giá hối đoái, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà xuất khẩu gạo vẫn lo ngại về chi phí vận chuyển cao.
Trên thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch cuối tuần 29/10, giá các mặt hàng nông sản đều tăng trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ), dẫn đầu là ngô.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 tăng 5,5 xu Mỹ (0,98%) lên 5,6825 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng tăng 0,25 xu Mỹ (0,03%) lên 7,7275 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 1/2022 lại tăng 3,5 xu Mỹ (0,28%) lên 12,495 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá ngô tiếp tục tăng trong bối cảnh sản xuất ethanol vẫn có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý bắt đầu từ tuần tới, các hàng hóa trên sàn giao dịch Chicago sẽ có một điều chỉnh khi sự chú ý của thị trường hướng trở lại về vấn đề nguồn cung của Mỹ và hoạt động giao dịch sẽ được dùng để đánh giá sản lượng cây trồng Mỹ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo nước này đã bán 279.415 tấn ngô Mỹ cho Mexico và 132.000 tấn đậu tương Mỹ cho một điểm đến chưa xác định.
Ngoài ra, số liệu về vụ thu hoạch lúa mì của Australia dự kiến nước này có thể chứng kiến một vụ mùa bội thu với mức sản lượng cao kỷ lục. Lúa mì Australia và lúa mì Argentina có thể sẽ cạnh tranh với nhau trên thị trường hàng hóa thế giới khi tốc độ thu hoạch được đẩy nhanh.
Bên cạnh đó, dự báo thời tiết cho thấy khu vực miền Trung Mỹ sẽ lạnh và khô hơn trong vài tuần tới. Nhiệt độ lạnh sẽ làm chậm tốc độ sấy khô, nhưng ít nhất sẽ khó có khả năng có mưa ở Vùng đồng bằng phía Nam và các quốc gia vùng Vịnh. Tiến độ thu hoạch sẽ chậm khởi động trở lại, nhưng tình hình có thể được cải thiện vào giữa tuần tới.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần cũng là cuối tháng 10/2021, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều hồi phục. Giá cà phê Robusta giao tháng 1/2022 tăng 37 USD, lên 2.214 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng tăng, với hợp đồng kỳ hạn giao tháng 12/2021 tăng 4 xu Mỹ lên 203,95 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch tăng trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 600 – 700 đồng, lên dao động trong khung 41.300 – 41.800 đồng/kg.
Thời tiết thuận lợi ở vùng cà phê Tây nguyên đã hỗ trợ nhà nông đẩy mạnh thu hoạch và do đó, nhu cầu nhân công thời vụ cũng bắt đầu tăng lên ngay đầu tháng 11/2021.
Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt 2,74%
Dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành nông nghiệp đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức (nguồn nhân lực, thị trường, cước phí vận tải... tăng mạnh), nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt 2,74% (nông nghiệp 3,32%, lâm nghiệp 3,30%, thủy sản 0,66%), đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) chia sẻ: Trong tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 3,5 tỷ USD, giảm 7,6% so với tháng 9/2020 nhưng tăng 4,8% so với tháng 8/2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2021 đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%, lâm sản và đồ gỗ đạt 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%, thủy sản đạt 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%, xuất siêu của ngành nông nghiệp đạt 3,3 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, đạt hơn 10,2 tỷ USD (chiếm 28,6% thị phần); thị trường Trung Quốc đứng thứ 2, đạt gần 6,8 tỷ USD (chiếm 19,1% thị phần); thị trường Nhật Bản đứng thứ 3, đạt hơn 2,4 tỷ USD (chiếm 6,8% thị phần); thị trường Hàn Quốc đứng thứ 4, đạt khoảng 1,6 tỷ USD (chiếm 4,3% thị phần).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Con số xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD đã chứng tỏ sự nỗ lực của toàn ngành trong thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ NN&PTNT đã “nhập cuộc”, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông, chế biến, tiêu thụ nông sản (cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) ngay khi các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch đã được minh chứng.
Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970), Tổ công tác phía Bắc (Tổ công tác 3430) để chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền các địa phương; các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản. Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website: http://htx.cooplink.com.vn; kết nối, tiêu thụ sản lượng bình quân khoảng 300-400 tấn nông sản/ngày, có ngày cao điểm đạt hơn 1.000 tấn nông sản. Xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong điều kiện giãn cách xã hội. Bộ NN&PTNT cũng đã đẩy mạnh việc tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường nông sản với các nước: Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Séc…
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu những tháng cuối năm
Mục tiêu của ngành là tập trung khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản.
Ngành phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của ngành như: tốc độ tăng trưởng của ngành năm 2021 đạt từ 2,5-2,8%; sản lượng lúa đạt trên 43,5 triệu tấn; sản lượng thịt hơi các loại trên 6,2-6,5 triệu tấn; tổng sản lượng thủy sản trên 8,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu nông sản trên 44 tỷ USD…; đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai, giám sát, đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP), đảm bảo tiến độ và hiệu quả, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc bộ và Bộ Tài chính xây dựng, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho nông dân để khôi phục sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Các đơn vị chức năng sẽ hướng dẫn địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản, mùa vụ phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch bệnh COVID-19, nhằm bảo đảm vừa phòng chống dịch, thiên tai hiệu quả, vừa cung ứng đủ lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.
Đồng thời tiếp tục đề xuất giải pháp tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc quy định trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, như hình thức đánh giá trực tuyến thay đánh giá trực tiếp hoặc gia hạn tối đa 6 tháng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, quyết định chỉ định đã hết hạn...
Hương Anh (tổng hợp)