Tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM Nguyễn Văn Nam trao bằng khen cho các lực lượng vũ trang có thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch - Ảnh: THẢO LÊ
Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, quân đội là một trong những lực lượng có vai trò nòng cốt cùng ngành y tế TP.HCM triển khai các "mũi giáp công" ngăn chặn dịch. Đã có 36.200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, điểm phong tỏa và chốt kiểm soát dịch.
Không chỉ thế, lực lượng này thiết lập, phục vụ tại hàng trăm bệnh viện điều trị COVID-19, các khu vực tiếp nhận thi hài nạn nhân tử vong; tổ chức đưa hàng ngàn công dân hoàn thành cách ly về địa phương và cấp phát hàng ngàn túi thuốc và túi an sinh…
Ngành y tế và lực lượng vũ trang phối hợp chống dịch
Nói về vai trò của lực lượng vũ trang tại hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch của Bộ tư lệnh TP chiều 1-11, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết bài học kinh nghiệm cho thấy khi dịch bùng phát, ngành y tế phải phối hợp hiệu quả với lực lượng vũ trang nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức chăm sóc F0 tại nhà và bệnh viện dã chiến.
Quân đội cùng với ngành y tế đã phối hợp thành lập bệnh viện dã chiến 5G, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Giám đốc Sở Y tế TP bày tỏ sự xúc động với hình ảnh lực lượng vũ trang chăm sóc chu đáo thi hài các nạn nhân. "Các nhân viên y tế chưa bao giờ đứng trước cảnh nhiều người tử vong trong bệnh viện như vậy, không kịp đưa đi. Chúng tôi đã không tránh khỏi tâm lý bấn loạn. Nếu không có lực lượng vũ trang thì không biết giải quyết thế nào. Chúng tôi khắc ghi mãi hình ảnh hỗ trợ của lực lượng vũ trang" - ông Thượng nói.
Sớm rà soát, trao lại tro cốt cho gia đình nạn nhân chu đáo
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị - Ảnh: THẢO LÊ
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên đánh giá vừa qua Bộ tư lệnh TP.HCM cùng lực lượng vũ trang nhân dân đã chủ động sáng tạo, có nhiều cách làm sáng tạo hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống dịch của TP.HCM. Không chỉ chấp hành nhiệm vụ của cấp trên, lực lượng vũ trang đã chấp hành mệnh lệnh từ trái tim, vì nhân dân mà phục vụ.
"Người ta nói việc gì khó có bộ đội. Khi chiến trường xuất hiện những tình huống khó khăn, các lực lượng khác không để đương đầu nổi thì lúc này lực lượng vũ trang xuất hiện. Quá trình chống dịch có nhiều đồng chí bị nhiễm bệnh, nhưng ngay sau khi khỏi bệnh đã lập tức quay lại hỗ trợ" - bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ.
Trong thời gian tới, bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và khó lường. Ông yêu cầu Bộ tư lệnh TP.HCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, trở thành lực lượng nòng cốt đến tận cơ sở, phường xã để kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, xây dựng ý chí quyết tâm cho toàn quân, đề cao trách nhiệm trước nhân dân và luôn trong tâm thế sẵn sàng phòng chống dịch trong điều kiện bình thường mới.
Ông Nên đề nghị Bộ tư lệnh TP chuẩn bị các kịch bản, cơ chế, đặt ra những giả thiết để khi gặp tình huống dịch không bị bất ngờ. "Chúng ta đã từng bị bất ngờ thì không để việc này tái diễn" - ông nói.
Trước mắt, bí thư Thành ủy đề nghị Bộ tư lệnh TP phối hợp Sở Y tế, Sở Lao động - thương binh và xã hội, các địa phương tập trung rà soát từng trường hợp không may mất do COVID-19, không bỏ sót vì hiện nay còn một số gia đình chưa tìm được người thân của mình. Nhiều gia đình đang mong được nhận tro cốt người thân nhưng chưa trao trả kịp thời.
"Mong các đồng chí phối hợp chặt chẽ để sớm thực hiện chu đáo, đưa tro cốt đến từng gia đình. Đó là việc chúng ta sẻ chia với gia đình có người mất vì COVID-19", bí thư Thành ủy gửi gắm. Đồng thời, lực lượng vũ trang cùng các cấp ngành tích cực duy trì việc hỗ trợ người khó khăn do dịch COVID-19, nhất là trẻ mồ côi, người neo đơn...
"Mở cửa từng bước, không phải mở cửa bằng mọi giá"
Theo bí thư Thành ủy, đến thời điểm này Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các chuyên gia, nhà khoa học vẫn chưa thể dự báo khi nào dịch bệnh kết thúc. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, biến chủng Delta tiếp tục biến đổi khó lường.
Tuy TP.HCM đang thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nhưng phải thực hiện từng bước, chắc chắn chứ không phải làm bằng bất cứ giá nào.
"Dù TP từng trải qua thời gian thắt lưng buộc bụng, đồng cam cộng khổ, người dân rất cần những ngày hoạt động bình thường nhưng do tình hình dịch phải hành động thận trọng, không thể chủ quan vì nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn" - bí thư Thành ủy TP.HCM nói.
Theo đánh giá, hiện TP đang ở cấp độ 2 của dịch, tuy nhiên cấp độ dịch có thể thay đổi liên tục. "Nếu chúng ta không kiểm soát tốt, nếu ý thức của mọi người chủ quan, không giữ theo khuyến cáo 5K, không thay đổi thói quen thì sẽ rất khó khăn".
Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, ngành, người dân TP bình tĩnh, tăng cường các hoạt động kiểm soát. Khi kiểm soát an toàn, ý thức cảnh giác của người dân cao thì TP có thể hành động đúng theo kế hoạch chiến lược đề ra. Ngược lại, nếu không kiểm soát tốt thì không biết điều gì xảy ra phía trước.
Có thời điểm 3.000 thi thể lưu giữ trong container
Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh - phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh TP - cho biết khi dịch bệnh bùng phát, đơn vị phối hợp, bố trí đội xử lý thi hài và khu lưu giữ tử thi. Có thời điểm ngoài đi hỏa táng cũng còn hơn 3.000 tử thi nằm trong container.
Các thi thể đều được các đơn vị phối hợp xử lý đảm bảo đúng phong tục tập quán và vệ sinh môi trường đúng quy định.
TTO - 'Các chiến sĩ áo trắng đã trải qua những thời khắc gian khổ, nghiệt ngã để bảo vệ sức khỏe người dân, nhiều nhân viên y tế có thời điểm đã phải làm việc đuối sức, quá tải', Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói.