Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất
Ông Trịnh Bằng Vũ - Trưởng khối cho vay khách hàng cá nhân, Ngân hàng Shinhan Việt Nam - cho biết ngân hàng này vừa triển khai gói cho vay mua nhà dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất 5,49% trong năm đầu tiên, cố định 7,8% từ năm thứ hai đến năm thứ năm, thời hạn vay tối đa lên đến 25 năm. Ngân hàng này cũng có gói ưu đãi dành cho khách vay mua xe với lãi suất 6%/năm trong năm đầu hoặc 7,5%/năm cố định đến hết thời gian vay, vay đến 80% giá trị xe, thời hạn vay tám năm.
Còn theo đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), dịch bệnh tạm lắng, nhu cầu mua bất động sản sẽ tăng lên nên ngân hàng này triển khai gói cho vay ưu đãi với lãi suất 5,9%/năm cố định trong 3 tháng, 7,9%/năm cố định trong 6 tháng, 8,3%/năm trong 12 tháng, 8,6%/năm trong 18 tháng hoặc 8,9%/năm trong 24 tháng. Khách sẽ được vay đến 80% giá trị tài sản, hạn vay kéo dài đến 25 năm, được hưởng ân hạn nợ gốc 12 tháng, tức khách hàng không phải thanh toán nợ gốc mà chỉ cần thanh toán phần lãi trong năm đầu tiên.
Các chuyên gia lưu ý người vay cần tìm hiểu kỹ xem lãi suất ưu đãi, sau đó thả nổi theo biên độ… có phù hợp với khả năng tài chính của mình hay không |
Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cũng đưa ra nhiều gói vay ưu đãi với lãi suất từ 5,9%/năm cố định trong 6-24 tháng đầu. Nếu khách không chọn trả lãi suất cố định thì có thể chọn lãi suất thả nổi với biên độ từ 2,1%/năm và được miễn phí trả nợ trước hạn.
Lãi suất vay mua nhà tại PVcomBank là 5%/năm, BIDV là 6,2%/năm, Vietcombank là 6,79%/năm, Techcombank là 6,69%/năm, MBBank 6,84%/năm, MSB 6,99%/năm, Sacombank là 8,5%/năm, VIB là 8,3%/năm. Một số ngân hàng nước ngoài cũng có mức lãi suất cho vay mua nhà khá thấp như Woori Bank là 6,1% năm, HSBC 6,2%/năm, Hong Leong Bank 6,75%/năm, UOB 6,49%/năm, Standard Chartered 6,19%/năm… So với năm 2020, mức lãi suất cho vay mua nhà giảm thêm khoảng 1 - 2,5%/năm, là mức giảm chưa từng có trong vòng mười năm trở lại đây.
Tiền trả ngân hàng chỉ nên bằng nửa thu nhập
Ông Phan Công Chánh - Tổng Giám đốc Phú Vinh Group - cho rằng dịch COVID-19 khiến thị trường bất động sản (BĐS) gần như đóng băng. Thế nhưng, khi dịch bệnh được kiểm soát, BĐS sẽ phục hồi nhanh chóng; trong đó, BĐS nghỉ dưỡng, đất nền vùng ven, căn hộ và nhà ở tầm trung sẽ hồi phục nhanh nhất theo nhu cầu thực tế của thị trường. Các ngân hàng đón đầu cơ hội này nên đã tung ra các gói lãi suất cho vay hấp dẫn để kích thích người tiêu dùng.
Theo ông Phan Công Chánh, nhà đầu tư BĐS được chia làm bốn nhóm: sử dụng đòn bẩy tài chính cao, vay đến 70 - 80% giá trị tài sản; sử dụng đòn bẩy tài chính tầm trung, vay 50 - 60% giá trị tài sản; ít sử dụng đòn bẩy hoặc không sử dụng; có sẵn tiền nhàn rỗi và lựa chọn thời cơ tốt để đầu tư. “Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính tầm trung và cao đang gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Hiện tại, những người có nguồn tiền riêng nên tính đến chuyện mua BĐS. Sử dụng đòn bẩy tài chính càng ít càng tốt” - ông nói.
Còn theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - số tiền mà nhà đầu tư đổ vào BĐS vẫn lớn nhất trong tất cả các kênh. Tuy nhiên, trong ba tháng gần đây, kênh BĐS khó khăn, còn chứng khoán lại trở nên sôi động. Có vẻ như nhà đầu tư đã chuyển tiền vào chứng khoán và vẫn đang quan sát BĐS. Nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, kênh này sẽ phục hồi, dù không thể bằng so với trước năm 2019 nhưng vẫn sẽ tốt hơn so với thời gian qua.
Ông lưu ý, lãi suất vay mua nhà đang khá thấp nhưng người vay cần phải tìm hiểu thật kỹ về thời gian hưởng mức lãi suất ưu đãi, sau đó thả nổi theo biên độ dao động khoảng bao nhiêu phần trăm, có phù hợp với nguồn thu nhập hay không. Hầu như mức lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng khoảng 6-36 tháng, sau đó được tính toán trên mức lãi suất cơ sở hoặc lãi suất tiết kiệm cộng thêm biên độ 3 - 4%/năm. Như vậy, sau thời gian ưu đãi, có thể mức lãi suất phải trả hằng năm lên đến 10 - 11%/năm. Như tại PVcomBank, mức lãi suất 5%/năm chỉ được hưởng trong sáu tháng đầu và từ tháng thứ bảy trở đi, lãi suất phải trả là 12%/năm. Mua nhà để ở hay đầu tư, cũng nên đảm bảo số tiền gốc và lãi phải trả ngân hàng mỗi tháng chỉ bằng phân nửa tổng thu nhập là tốt nhất.
Ông Nguyễn Thanh Quyền - Tổng Giám đốc Tập đoàn BĐS Thắng Lợi - cho biết qua nghiên cứu trên 1.500 khách hàng giao dịch mua nhà gần đây, có 62% mua để đầu tư, 15% đang phân vân, còn lại mua để ở. Đã xuất hiện khách hàng từ các địa phương khác đến TP.HCM để mua nhà, chấp nhận mua ở vị trí xa trung tâm để hợp túi tiền. Trong bối cảnh hiện tại, với những người có tiền hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà, họ vẫn muốn số tiền bỏ ra được sinh lời. Không ít người cũng có nhu cầu mua để ở nhưng do sử dụng đòn bẩy tài chính nên sẽ cho thuê một thời gian để san sẻ bớt gánh nặng từ ngân hàng, đợi khi kinh tế hồi phục hẳn, công việc thuận lợi hơn, mới dọn về ở.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Vietnam - dự báo phân khúc căn hộ - đặc biệt là căn hộ tầm trung - sẽ được những người có kế hoạch mua nhà tìm kiếm và lựa chọn. Trong quý IV/2021, áp lực tăng giá BĐS có thể xảy ra do nhiều tác động như chi phí đầu vào nguyên vật liệu xây dựng tăng, áp lực lạm phát nhưng các chủ đầu tư sẽ tăng cường các chính sách bán hàng như kéo dài thời gian thanh toán, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất để hấp dẫn người mua. Do đó, những người có đủ tiềm lực tài chính mua nhà để ở lúc này có nhiều lợi thế. Bởi bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn do lạm phát, chi phí vật liệu, đầu vào tăng. Đặc biệt, từ quý II/2022, khi Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân (cho cả trẻ em), kinh tế phát triển mạnh trở lại, BĐS sẽ tăng giá.
“Sức mua chung trong quý IV/2021 sẽ diễn biến tương tự hoặc tăng nhẹ so với quý III nhưng sẽ giảm so với quý I hoặc quý cùng kỳ năm 2020. Đến nửa đầu năm 2022, tình hình mua bán vẫn duy trì như quý IV/2021 hoặc có thể tăng nhẹ. Đến nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn nhưng chắc chắn sẽ không có sốt BĐS, là do người mua đang bị ảnh hưởng thu nhập, một số khác vẫn thận trọng quan sát bởi dịch bệnh vẫn còn phức tạp trong thời gian tới” - ông Nguyễn Hoàng dự báo.
Nhà phố là phân khúc đầu tư tốt
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhà phố khó cho thuê khiến nhiều người phải giảm giá để bán. Theo các chuyên gia trên, chỉ có dịch bệnh mới khiến nhà phố lâm vào tình cảnh như hiện nay. Do đó, nếu có điều kiện về tài chính, nên đầu tư vào phân khúc này. “Nhà phố là phân khúc rất tiềm năng, vừa có thể ở, vừa cho thuê, có khả năng tăng giá 10 - 15%/năm, gấp đôi tiền gửi ngân hàng. Việc cho thuê hiện đang gặp khó khăn nhưng chắc chắn sẽ phục hồi” - ông Phan Công Chánh nhận định.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, lúc bình thường, rất khó mua được nhà phố do ít có chủ nhà có nhu cầu bán. Còn hiện nay, nhiều chủ nhà vừa bán, vừa giảm giá (đã có nhà phố tại Hội An giảm giá 20 - 30%). Đây là sản phẩm có giá trị lâu dài, nên nếu thấy cái nào giảm sâu thì mạnh dạn mua. Ngoài ra, căn hộ tầm thấp đến trung đã xây hoàn thiện cũng là lựa chọn tốt để mua ở hoặc dành cho nhà đầu tư thụ động, thích ổn định vì nhu cầu cho thuê sẽ phục hồi vào cuối năm, nhất là khi dòng người lao động quay trở lại TP.HCM. Đầu tư vào phân phúc nào cũng phải lưu ý đến tính pháp lý, nên chọn sản phẩm đã có sổ đỏ, địa điểm, giá cả hợp lý. “Do dịch bệnh, có nhiều sản phẩm BĐS đang có khả năng mất thanh toán với ngân hàng, được rao bán với giá rẻ. Nhà đầu tư chỉ nên mua khi đã tìm hiểu kỹ về tính pháp lý, vấn đề thanh toán an toàn” - tiến sĩ Đinh Thế Hiển nói.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.6369441a-ahn-aum-neit-yav-ed-ioh-oc-maig-taus-ial/nv.moc.enilnounuhp.www