Theo đó, người lao động chỉ cần tiêm đủ một mũi vắc xin và có kế hoạch tiêm chủng tiếp mũi hai, người đã tiêm đủ hai mũi, người đã khỏi bệnh thì sẽ được tham gia sản xuất. Nếu doanh nghiệp nào đưa rước lao động thì sẽ được chở theo công suất của xe với trường hợp đã tiêm đủ hai mũi. Còn người lao động tự di chuyển bằng phương tiện riêng thì phải cam kết nghiêm túc tuân thủ 5K theo quy định. Tại nơi làm việc thì người lao động phải tuân thủ 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 1m trong suốt quá trình làm việc, phải ăn theo ca, vị trí ngồi ăn giữ khoảng cách 2m, không ngồi đối diện, có vách ngăn…
Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Khu công nghệ cao, Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thành lập các khu chăm sóc điều trị F0 trong khu công nghiệp; phối hợp với ngành y tế và địa phương tổ chức tiêm vắc xin cho người lao động chưa được tiêm đầy đủ; giám sát việc phòng chống dịch của doanh nghiệp.
Phương án phòng chống dịch COVID-19 từ Sở Y tế đưa ra giảm bớt được nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa |
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Thủ Đức và quận huyện phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức nơi lưu trú an toàn cho người lao động trên địa bàn quản lý. Các đơn vị này sẽ chỉ đạo Trung tâm y tế quận huyện hướng dẫn cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, Quy trình xử lý khi phát hiện người nhiễm COVID-19, hỗ trợ xử lý các ca F0, F1.
Còn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp thì tổ chức bộ phận chịu trách nhiệm là Tổ y tế của đơn vị hoặc hợp đồng với cơ sở y tế để tư vấn về các giải pháp chống dịch, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm theo nhu cầu của đơn vị. Bố trí khu vực cách ly tạm thời theo quy định, nếu doanh nghiệp có hợp đồng với cơ sở y tế hoặc khu công nghiệp có khu chăm sóc điều trị F0 thì quy mô khu cách ly không cần giường bệnh mà chỉ là khu vực chờ đưa đi cách ly.
Doanh nghiệp phải xây dựng phương án cụ thể xử lý tình huống phát hiện người nhiễm tại doanh nghiệp theo quy trình do Sở Y tế hướng dẫn. Nếu có kế hoạch xét nghiệm thì thông báo cho Ban Quản lý khu hoặc Trung tâm Y tế địa phương để giám sát. Doanh nghiệp có thể chọn phương pháp xét nghiệm RT-PCR (mẫu đơn hoặc gộp) hoặc xét nghiệm nhanh (mẫu đơn hoặc gộp), có thể ký hợp đồng với đơn vị y tế để thực hiện xét nghiệm hoặc tự tổ chức xét nghiệm nhanh do nhân viên y tế của doanh nghiệp, nhân viên thuê bên ngoài thực hiện. Trong quá trình xét nghiệm nếu phát hiện trường hợp có kết quả dương tính thì phải báo ngay cho trung tâm y tế địa phương để xử lý.
Thanh Hoa