Tổng Giám đốc tập đoàn năng lượng khí đốt Ukraine Naftogaz cho biết việc Nga cắt giảm hàng tỉ USD phí vận chuyển khí đốt qua nước này và thay thế bằng thỏa thuận mới với đường ống Nord Stream 2 có thể dẫn đến xung đột.
Tuyên bố trên được ông Yuriy Vitrenko, người đứng đầu Naftogaz, đưa ra hôm 1-11 trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, đài RT cho hay.
Theo ông Vitrenko, Nord Stream 2 sẽ làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh giữa Ukraine và Nga, thêm rằng việc đường ống này đi qua Kiev có thể khiến quốc gia này dễ bị tổn thương hơn trước một "cuộc xâm lấn" của Moscow.
Ông lớn Naftogaz cho rằng việc loại bỏ “đường vận chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine sẽ làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chiến toàn diện giữa hai nước cùng nhiều hậu quả theo sau đó”.
Tổng Giám đốc tập đoàn năng lượng khí đốt Ukraine Naftogaz cho biết việc Nga cắt giảm hàng tỉ USD phí vận chuyển khí đốt qua nước này có thể dẫn đến xung đột. Ảnh: AFP
Theo đó, việc Nga sử dụng đường ống Nord Stream 2 sẽ khiến Ukraine phải bỏ ra ít nhất 3 tỉ USD phí vận chuyển mà Moscow hiện đang trả nếu mạng lưới vận chuyển khí đốt ngầm chạy qua nước này không còn được sử dụng nữa.
Giám đốc Naftogaz cho hay việc này có thể khiến nhà nước Ukraine không thể chi trả cho các lực lượng vũ trang của mình.
Trước đó, việc xây dựng đường ống Nord Stream 2 nhằm kết nối các mỏ khí đốt ở Siberia với người tiêu dùng ở Tây Âu đã được hoàn thành vào tháng 9.
Việc Nga sử dụng đường ống Nord Stream 2 sẽ khiến Ukraine phải bỏ ra ít nhất 3 tỉ USD phí vận chuyển mà Moscow hiện đang trả. Ảnh: AFP
Nói về dự án Nord Stream 2, chính quyền Kiev khẳng định họ sẽ “tiếp tục cuộc chiến” chống lại hệ thống khí đốt mới “hiện tại và cả sau khi hệ thống hoàn thành”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Nga đang sử dụng hệ thống này như một “vũ khí” địa chính trị.
Phản hồi lại, chính quyền Moscow khẳng định họ không có kế hoạch chấm dứt việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine và các thỏa thuận hiện tại vẫn sẽ tiếp tục được tôn trọng, RT đưa tin.
Đường ống Nord Stream 2, nằm bên dưới biển Baltic và chạy dài từ Nga đến Đức, có thể vận chuyển tới 55 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm. Hiện hệ thống này đang trải qua những lần kiểm tra cuối cùng và chờ các cơ quan quản lý ở Berlin phê duyệt để được chính thức đưa vào hoạt động.