vĐồng tin tức tài chính 365

Không phải CO2, đây mới là thứ dễ giải quyết nhất và còn tốn ít chi phí nhất để "cứu lấy nhân loại"

2021-11-02 12:25

Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland nhằm bàn về cách làm thế nào để đối phó với tình trạng trái đất nóng lên, một trong những thỏa thuận quan trọng nhất về vấn đề này đang gấp rút được hoàn thành bên lề hội nghị.

Đó là cam kết metan toàn cầu (Global Methane Pledge) - thỏa thuận mà các bên tham gia nhất trí đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% tổng lượng khí thải nhà kính. 80 quốc gia đã ký vào cam kết này đại diện cho 2/3 GDP toàn cầu. Đây có lẽ là thứ lớn nhất mà các chính phủ có thể làm để tiến tới mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất chỉ nóng lên tối đa 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Giải pháp dễ dàng nhất nhưng ít được chú ý

Trong 2 thập kỷ đầu tiên, khí metan (CH4) giữ lại lượng nhiệt lớn gấp 80 lần so với cùng 1 lượng carbon dioxide. Tuy nhiên, metan phân hủy nhanh hơn, đồng nghĩa nếu giảm thiểu lượng khí metan ngay từ bây giờ thì chúng ta gần như sẽ có thể ngay lập tức "hạ nhiệt" cho trái đất.

Được dẫn đầu bởi Mỹ và EU, cam kết đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ giảm 30% lượng khí metan so với năm 2020. Nếu đạt được mục tiêu này, đến khoảng năm 2050 mức tăng nhiệt của trái đất có thể giảm 0,2 độ C – một con số nhỏ nhoi nhưng sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong mức độ cũng như cường độ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo 1 nghiên cứu, metan chiếm khoảng 20% tổng lượng nhiệt bị nhốt lại trong bầu khí quyển kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Do đó giảm lượng khí metan là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình khử carbon của ngành năng lượng.

Lâu nay người ta vẫn nhắc nhiều đến CO2 khi nói về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong 2 thế kỷ gần đây, lượng metan trong khí quyển đã tăng 150%, trong khi lượng CO2 chỉ tăng khoảng 50% trong cùng kỳ. Tốc độ tăng khí metan tăng mạnh trong 50 năm trở lại đây, và ngành dầu khí đóng góp nhiều nhất.

Cần sự đóng góp của những nước phát thải nhiều nhất

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký vào cam kết. Mỹ và EU đại diện cho những bên tiêu thụ khí đốt nhiều nhất thế giới, vì thế những nỗ lực của họ có thể đem đến những tác động to lớn. Theo dự kiến trong năm nay EU sẽ đề xuất dự luật nhằm cắt giảm lượng khí metan mà các bên cung ứng năng lượng cho thị trường này thải ra. Mỹ cũng đang xây dựng luật để thu phí metan đối với những nhà sản xuất dầu khí, dự kiến mức phí là 1.500 USD mỗi tấn.

Dẫu vậy những nước thải ra nhiều khí metan nhất vẫn chưa có tên trong danh sách. Tổng cộng Trung Quốc, Nga và Ấn Độ chiếm tới 1/3 lượng khí thải metan của toàn thế giới. Nga đã tỏ ra quan tâm đến vấn đề này và nhấn mạnh dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sẽ là một trong những dự án sạch nhất từ trước đến nay.

Cam kết là 1 chuyện, nhưng có thể tuân thủ chặt chẽ hay không lại là chuyện khác, đặc biệt khi mà rất khó phát hiện và đo lường lượng khí thải metan. Trong những năm gần đây, ảnh chụp vệ tinh trở thành công cụ hữu hiệu để phát hiện các vụ phát thải lớn như rò rỉ từ đường ống dẫn khí hay tại các kho chứa. Nhiều vụ siêu lớn đã được phát hiện ở Nga, Iran, Turkmenistan và Australia – những nước vẫn chưa ký vào cam kết.

Tuy nhiên, theo hãng phân tích Kayrros, những vụ này chỉ chiếm khoảng 10% đến 15% tổng lượng khí metan mà ngành nhiên liệu hóa thạch thải ra. Các vệ tinh không phát hiện được những vụ rò rỉ nhỏ vì cần có độ phân giải lớn, và công việc cũng trở nên khó khăn hơn trong những ngày nhiều gió. Dự tính đến năm 2030 sẽ có vệ tinh thế hệ mới giúp phát hiện chính xác hơn.

Metan là một trong những vấn đề có thể dễ dàng giải quyết nhất, với chi phí thấp nhất vì quá trình xử lý không cần đến công nghệ quá tân tiến. Đây cũng là loại khí có thể được chôn dưới đất và bán lại để làm nguyên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất khí đốt – loại hàng hóa có giá tăng vọt trong những tháng gần đây.

Không giống như hội nghị COP21 diễn ra tại Paris năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới không gặp nhau ở COP26 để ký kết 1 thỏa thuận lớn. Thay vào đó họ chỉ cố gắng đảm bảo rằng hiệp định Paris sẽ được đưa vào thực tế, để thế giới đạt được mục tiêu mức nhiệt của trái đất chỉ tăng lên tối đa 1,5 độ C. Đó là lý do tại sao điểm thú vị đáng chú ý nhất của COP26 sẽ là những thỏa thuận bên lề như Global Methane Pledge.

Tham khảo Bloomberg

Xem thêm: nhc.96812601120111202-iaol-nahn-yal-uuc-av-nel-gnon-tad-iart-nagn-cul-on-auc-iab-hnaht-hnid-teyuq-ihk-iaol-al-iom-yad-2oc-iahp-gnohk/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Không phải CO2, đây mới là thứ dễ giải quyết nhất và còn tốn ít chi phí nhất để "cứu lấy nhân loại"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools