vĐồng tin tức tài chính 365

Có hay không khả năng OPEC+ gia tăng sản lượng dầu?

2021-11-02 12:36

Đà tăng mạnh của giá dầu trong một năm trở lại đây - đầu tiên là 50 USD/thùng và giờ là hơn 85 USD/thùng đang khiến nhiều quốc gia tiêu thụ dầu trên thế giới không khỏi lo lắng. Theo Bloomberg, mối quan ngại trên bắt nguồn từ tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi giữa tháng 10 rằng giá dầu có thể sớm tăng lên mức 100 USD/thùng, từ đó đe dọa đà phục hồi kinh tế thế giới sau những tác động của đại dịch COVID-19.

Áp lực ngoại giao lên OPEC+

Một "áp lực ngoại giao mạnh nhất lên OPEC+", từ kín đáo đến công khai, đang được các quốc gia nỗ lực triển khai nhằm kêu gọi liên minh này gia tăng sản lượng dầu. Bởi thực tế, việc OPEC+ nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày đến tháng 11 là chưa đủ để thoả mãn "cơn khát" dầu trong một nền kinh tế đang phục hồi.

Có hay không khả năng OPEC+ gia tăng sản lượng dầu? - Ảnh 1.

Giá dầu được dự báo có thể sớm tăng lên mức 100 USD/thùng và đe dọa đà phục hồi kinh tế thế giới sau những tác động của đại dịch COVID-19 (Nguồn: Reuters)

Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, sau khi chứng kiến giá xăng tăng lên mức kỷ lục trong vòng 7 năm đã liên tục kêu gọi OPEC+ bơm thêm dầu trong nhiều tuần trở lại đây. Nhật Bản, nước tiêu thụ dầu lớn thứ tư thế giới cũng lên tiếng thuyết phục Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các quốc gia sản xuất dầu liên minh nâng sản lượng từ hồi cuối tháng 10. Ông Tsutomo Sugimori, Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Nhật Bản (PAJ) cho biết: "Ngành dầu khí Nhật Bản hy vọng rằng các nước sản xuất dầu sẽ có bước đi phù hợp để không cản đà phục hồi của nền kinh tế thế giới". Ấn Độ có động thái tương tự.

Những quốc gia này cũng đã có những cuộc thảo luận kín và bắt đầu tiếp cận các nước tiêu thụ và sản xuất dầu lớn trong nỗ lực đẩy mạnh "chiến dịch" thuyết phục OPEC+ gia tăng sản lượng dầu cho thế giới. Nỗ lực trên bắt đầu cách đây 3 tuần và hiện đang được đẩy mạnh sau khi giá dầu vượt mốc 85 USD/thùng.

Có hay không khả năng OPEC+ gia tăng sản lượng dầu? - Ảnh 2.

Nhiều quốc gia đã thảo luận kín và bắt đầu tiếp cận các nước tiêu thụ và sản xuất dầu lớn trong nỗ lực đẩy mạnh "chiến dịch" thuyết phục OPEC+ gia tăng sản lượng (Nguồn: CNBC)

Theo một số chuyên gia, giá dầu sở dĩ được thúc đẩy như vậy là nhờ đà tăng của giá khí đốt. Tính đến tháng 9 năm nay, giá khí đốt tại Mỹ đã tăng hơn 180% chỉ sau 1 năm lên 5,9 USD/1 triệu BTU - mức cao nhất kể từ tháng 2/2014. Lạm phát tại Mỹ theo đó lại thêm trầm trọng khi mà người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho hầu như tất cả các mặt hàng, từ xăng tới thực phẩm.

"Chúng ta bất ngờ rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng" - ông Amos Hochstein, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về vấn đề năng lượng cho biết. "Các nước sản xuất dầu nên đảm bảo sự cân bằng cung cầu trên thị trường dầu thô và khí đốt"

Ông Robert Yawger, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng giao sau của Mizuho Securities cũng nhận định: "Nếu nhiệt độ tiếp tục giảm sâu vào mùa đông, mọi chuyện sẽ xấu đi rất nhanh"

Tuy nhiên, dẫu biết cung-cầu cần sớm lấy lại sự cân bằng, song bài toán trên vẫn chưa có lời giải. Những hạn chế về nguồn cung được cho là có thể dẫn đến sự gia tăng hơn nữa chi phí nhiên liệu trong những tháng mùa Đông - một kịch bản đủ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế và "phủ mây đen" lên các thị trường, từ năng lượng đến hàng hoá.

Có hay không khả năng OPEC+ gia tăng sản lượng dầu? - Ảnh 3.

Theo một số chuyên gia, giá dầu sở dĩ được thúc đẩy như vậy là nhờ đà tăng của giá khí đốt (Nguồn: Reuters)

Việc Nga mới đây tuyên bố chưa sẵn sàng thúc đẩy nguồn cung khí đốt càng đẩy tâm lý doanh nghiệp và các nhà đầu tư lâm vào trạng thái bất ổn. Theo dữ liệu trên sàn giao dịch ICE, giá khí đốt ở châu Âu hiện đã tăng 11% trong bối cảnh việc bơm khí đốt trực tiếp sang Đức thông qua tuyến Yamal-Europe đã bị ngừng lại và bắt đầu bơm ngược trở lại vào ngày 30/10.

OPEC+: Mức tăng 400.000 thùng/ngày là đủ

Tuy nhiên, trái ngược với mong muốn của nhiều quốc gia, OPEC+ vẫn chưa có ý định gia tăng sản lượng dầu hơn nữa. Liên minh này cho rằng mức tăng 400.000 thùng/ngày là đủ để thoả mãn nhu cầu dầu của nền kinh tế toàn cầu vốn vẫn chưa thực sự phục hồi.

Mới đây, tại thủ đô Algiers, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Algeria, ông Mohamed Arkab cũng tuyên bố OPEC+ không được tăng sản lượng vượt ngưỡng hàng tháng 400.000 thùng/ngày tính tới tháng 12/2021. Ông Arkab giải thích thêm rằng liên minh này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong việc hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu khí và phải tiếp tục hoạt động một cách chủ động.

Có hay không khả năng OPEC+ gia tăng sản lượng dầu? - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Algeria tuyên bố OPEC+ không được tăng sản lượng vượt ngưỡng hàng tháng 400.000 thùng/ngày tính tới tháng 12/2021 (Nguồn: Reuters)

"Nền kinh tế vẫn chưa vượt qua hết các thách thức" - Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út Abdulaziz bin Salman chia sẻ. "Chúng tôi cần phải cẩn trọng. Cuộc khủng hoảng đã được kiểm soát nhưng chưa thực sự kết thúc"

Phát biểu trên cũng đồng nhất với quan điểm của nhiều nước thành viên khác trong OPEC+. Chẳng hạn, Bộ trưởng Năng lượng của Azerbaijan, ông Parviz Shahbazov cho rằng đây chưa phải lúc để đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng. "Chúng tôi đã nhất trí về một phương án thông minh và đúng đắn, nhưng là trong những tháng sắp tới".

OPEC+ cho rằng mình đang bị coi là "vật thế thân" khi phải nhận nhiều chỉ trích vì một cuộc khủng hoảng mà họ hoàn toàn không tạo ra. Liên minh khẳng định vấn đề không nằm ở sản lượng dầu mà ở chính đà tăng giá khí đốt tự nhiên, than và điện. Vậy nên, cho dù sản lượng dầu được đẩy tăng nhanh hơn, tình trạng thiếu khí đốt và than cũng sẽ không được giải quyết, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu phát điện không tạo khí thải carbon vào năm 2035. Điều này đòi hỏi một sự dịch chuyển nhanh khỏi khí đốt và than sang nguồn năng lượng thân thiện hơn với môi trường. 

Có hay không khả năng OPEC+ gia tăng sản lượng dầu? - Ảnh 5.

Tính đến tháng 9 năm nay, giá khí đốt tại Mỹ đã tăng hơn 180% chỉ sau 1 năm lên 5,9 USD/1 triệu BTU (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, sau khi giá dầu tăng từ 70 USD/thùng lên hơn 85 USD/thùng, quan điểm rằng OPEC+ "đã làm đủ" không còn nữa. Giờ đây, giới chức các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu đều tin rằng thị trường dầu toàn cầu đang thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Nguyên nhân là bởi nhu cầu tiêu thụ đang phục hồi nhanh hơn dự báo, trong khi sản lượng khai thác dầu tăng không kịp. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu dầu toàn cầu thậm chí có thể đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày vào năm 2022, gần tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch.

"Đà phục hồi kinh tế toàn cầu không nên bị cản trở bởi sự chênh lệch cung, cầu", ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết. Ông cũng nói thêm rằng các nhà ngoại giao Mỹ đang liên lạc với một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn trên thế giới bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước châu Âu để thảo luận về vấn đề tăng sản lượng dầu. 

"Chúng ta hãy cùng chờ kết quả của cuộc thảo luận trên" - ông Sullivan cho hay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.39592800120111202-uad-gnoul-nas-gnat-aig-cepo-gnan-ahk-gnohk-yah-oc/ioig-eht/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Có hay không khả năng OPEC+ gia tăng sản lượng dầu?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools