Hãng AFP đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1-11 đã xin lỗi các nhà lãnh đạo thế giới về việc người tiền nhiệm Donald Trump rút khỏi thoả thuận khí hậu toàn cầu ký ở Paris năm 2015.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc (COP26) ở Glasgow (Scotland) hôm 1-11, khi đề cập chuyện ông Trump rút Mỹ khỏi thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu đạt được hồi năm 2015, ông Biden nói ông rất lấy làm tiếc.
Ông Biden xin lỗi các nhà lãnh đạo thế giới vì quyết định của ông Donald Trump. Ảnh: AP
“Tôi đoán là không nên xin lỗi nhưng tôi phải xin lỗi vì việc chính quyền tiền nhiệm đã rút khỏi thoả thuận Paris và đặt chúng ta vào tình thế khó khăn một chút” – ông Biden phát biểu.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh một trong những hành động đầu tiên sau khi ông nhậm chức hồi tháng 1 là đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định này.
Theo AFP, Ông Biden cũng cho rằng việc ứng phó biến đổi khí hậu sẽ mang lại việc làm, thay vì gây hại cho nền kinh tế.
"Tôi tin có cơ hội tuyệt vời ngay trong thảm họa đang hiện hữu, không chỉ với Mỹ mà còn với tất cả thế giới” – ông Biden phát biểu.
“Chúng tôi sẽ hành động, chứ không chỉ có lời nói. Mỹ không chỉ quay lại bàn đàm phán mà hy vọng sẽ là tấm gương đi đầu. Tôi biết điều này chưa xảy ra và đó là lý do nội các của chúng tôi đang cố gắng hết sức" – ông Biden nhấn mạnh.
Ông Biden đã phản bác những chỉ trích cho rằng việc giảm khí thải nhà kính và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ làm mất đi việc làm, AFP đưa tin.
Theo vị tổng thống Mỹ, việc xây dựng mạng lưới giao thông điện tử hóa, hệ thống pin năng lượng mặt trời và tua bin gió sẽ tạo ra nhiều việc làm có thu nhập tốt cho người lao động.
Tuy nhiên, ông Biden cũng lưu ý rằng việc tiếp tục con đường hiện tại đang gây ra thiệt hại về kinh tế.
"Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng trong lịch sử thế giới" – ông Biden nói, đề cập sự gia tăng của nạn cháy rừng, hạn hán và các thảm họa liên quan khí hậu khác.
“Biến đổi khí hậu đang tàn phá thế giới. Nó không phải là giả thuyết. Nó đang hủy hoại cuộc sống và sinh kế của mọi người” – ông Biden nói.
“Chúng ta có khả năng đầu tư và xây dựng tương lai năng lượng sạch, công bằng và đầu tư vào quá trình tạo ra hàng triệu việc làm có mức lương tốt và cơ hội khắp thế giới. Mỗi ngày chúng ta trì hoãn, cái giá cho sự trì trệ càng tăng” - ông Biden nói thêm.
Tối 1-11, tại Hội nghị COP26, lãnh đạo 100 nước, đại diện cho các quốc gia sở hữu 85% diện tích rừng trên thế giới, đã đưa ra một cam kết nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng và tình trạng suy thoái đất vào năm 2030.
Các chính phủ đã cam kết dành 12 tỉ USD và các công ty tư nhân cam kết dành 7 tỉ USD để bảo vệ và khôi phục các khu rừng thông qua những biện pháp khác nhau.
Hơn 30 tổ chức tài chính cũng cam kết ngừng đầu tư vào những công ty có liên quan hoạt động chặt phá rừng.
Một bộ hướng dẫn mới cũng đã được đưa ra, vạch rõ lộ trình hướng tới loại bỏ các sản phẩm từ chặt phá rừng khỏi chuỗi cung ứng.