Mặc dù có trên 22.000 công dân hồi hương, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tỉnh Gia Lai vẫn nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, không để ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Chính quyền tỉnh Gia Lai cố gắng phát huy thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện bình thường mới. Dịch bệnh cũng là cơ hội để tỉnh vươn lên mạnh mẽ trong khó khăn.
Đẩy mạnh xuất khẩu theo Hiệp định EVFTA
Doanh nghiệp là “mạch máu” của nền kinh tế, vì thế khi có dịch COVID-19, chính quyền tỉnh Gia Lai đã có nhiều giải pháp sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho hay: “Tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để chuẩn bị kế hoạch khôi phục nền kinh tế trong thời gian tới thích ứng sống chung với dịch.
Với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của tỉnh, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới trên tinh thần “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” và luôn giữ vai trò chủ lực của nền kinh tế”.
Từ đầu năm đến tháng 9.2021, tỉnh Gia Lai có 43 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, vốn đăng ký 18.996 tỉ đồng.
Có 162 dự án được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất thực hiện, với tổng vốn đăng ký khoảng 19.808 tỉ đồng. Đây là con số đáng ấn tượng trong dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Các doanh nghiệp “chủ lực” về cà phê, nông sản ở Gia Lai cũng tranh thủ tận dụng cơ hội của Hiệp định EVFTA để đạt doanh thu lợi nhuận tối đa.
Trong 9 tháng năm 2021, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu hơn 100.000 tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 200 triệu USD, trong đó, thị trường châu Âu chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty - cho biết: “Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng hàng ngàn tấn cà phê chất lượng vẫn lên tàu xuất sang Châu Âu theo Hiệp định EVFTA.
Hiện Công ty nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu cho xuất khẩu, vừa giúp người dân ổn định việc làm”.
Tại huyện Mang Yang, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu rau quả Đồng Giao (DOVECO) Gia Lai phấn đấu tiêu thụ khoảng 20.000 tấn quả tươi từ tháng 10 đến cuối năm nay.
Để đạt được mục tiêu này, Công ty đã triển khai nhiều phương án để đảm bảo không đứt gãy nguồn nguyên liệu cũng như nhà máy hoạt động ổn định.
Trung bình mỗi ngày, Công ty tiêu thụ khoảng 200 tấn chanh dây tươi, công ty cũng lên phương án sản xuất đi đôi với phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Công ty sẵn sàng phương án “3 tại chỗ” trong trường hợp dịch bệnh phức tạp.
Phát triển các vùng chuyên canh, chăn nuôi
Tại huyện Chư Sê, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả heo châu Phi được khống chế, thị trường tiêu thụ cuối năm dự báo tăng cao nên người chăn nuôi đầu tư chi phí tăng đàn, chuẩn bị phục vụ nhu cầu cuối năm.
Sau khi đánh giá điều kiện, các xã có lợi thế chăn nuôi gia súc ở Chư Sê như xã Hbông, Ayun, Al Bá…, người dân nuôi tăng dần đàn bò. Với tốc độ tái đàn như hiện nay, huyện phấn đấu duy trì đàn bò 28.000 con.
Ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Huyện đã đã có kế hoạch tiêm phòng các loại vaccine đối với những vật nuôi trong diện tiêm phòng, tiếp tục theo dõi sát sao, kiểm soát tổng đàn, ký cam kết đến từng hộ nuôi không giấu dịch”.
Tại huyện Đăk Pơ, một trong những vùng chuyên canh rau củ quả lâu đời của tỉnh Gia Lai với diện tích sản xuất hàng năm hơn 6.600ha, trên 40 chủng loại rau khác nhau, tập trung nhiều nhất tại 2 xã Tân An và Cư An.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu của rau Đăk Pơ tại các tỉnh miền Trung với sản lượng trên 100.000 tấn rau các loại.
So với các vùng khác, trình độ thâm canh của người dân nơi đây rất tốt, phù hợp cho phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đăk Pơ cũng là vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn, các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ. Chính quyền huyện tổ chức hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Trường - Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ - cho biết: “Huyện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên một diện tích, tạo đầu ra ổn định cho cây rau, mang lại thu nhập cho người dân.
Huyện cùng với các cơ quan chuyên ngành, Trung tâm xúc tiến thương mại đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, giới thiệu quảng bá thương hiệu rau sạch Đăk Pơ ra thị trường”.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, Gia Lai đã có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã một cách linh hoạt như hỗ trợ tín dụng, các chính sách thuế, hỗ trợ đảm bảo hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.
Hiện Gia Lai vẫn đang bảo vệ được “vùng xanh” an toàn và tăng trưởng kinh tế đảm bảo ở mức ổn định, cố gắng là đầu tàu của vùng Tây Nguyên.
Xem thêm: odl.076669-et-hnik-neirt-tahp-ed-hnam-eht-yuh-tahp-91-divoc-hcid-taos-meik/et-hnik/nv.gnodoal