Sau hơn một tháng hoạt động với hình thức bán mang đi, các nhà hàng, quán ăn tại TPHCM vừa được phép kinh doanh tại chỗ. Hậu giãn cách xã hội, hàng quán vẫn đối diện không ít khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào, dòng tiền cạn kiệt, lượng khách chưa ổn định... Tìm cơ hội mới sau đại dịch, bao gồm các nền tảng trực tuyến, là cách để nhiều chủ cửa hàng tái khởi động kinh doanh trong thời kỳ “bình thường mới”.
Khách kiệm chi, chi phí nguồn hàng cao
Khi TP.HCM thông báo điều chỉnh cho hàng quán được mở bán mang đi và mới đây là bán tại chỗ, chị Nguyễn Thị Kim Loan, chủ quán Cơm trưa văn phòng Kim Loan (quận Bình Thạnh) đã tất bật trang hoàng lại cửa hàng. Nụ cười tươi rói trên môi ngày mở cửa, tuy nhiên, chị cũng biết nhiều khó khăn vẫn đang chờ mình ở trước mắt.
“Từ hôm mình mở app nhận đơn, đến nay kênh online vẫn chiếm 90% doanh thu. Dù được bán lại, nhưng lượng khách đặt mua vẫn chưa phục hồi bằng trước khi có dịch bùng phát”, chị Loan chia sẻ.
Không chỉ khó khăn khi lượng khách hàng chưa ổn định những ngày đầu, chị Loan đối diện mối đau đầu về nguồn nguyên liệu đầu vào. “Tiền mua rau củ, gạo, và cả tiền gas… đều tăng so với trước. Trong khi nếu mình tăng giá cao thì khách sẽ không thoải mái”, chị Loan nói. Lượng khách bấp bênh, giá không tăng để giữ chân khách trong khi chi phí bị đội lên cao khiến không ít các nhà hàng, quán ăn như chị Loan thêm gồng gánh, chấp nhận chịu lỗ khi mở bán lại.
Tương tự, hệ thống Đậu Homemade với 8 chi nhánh tại Hà Nội và TPHCM cũng đối diện vô vàn thách thức để giữ hoạt động kinh doanh ổn định trong và sau dịch. Trong thời điểm giãn cách xã hội, quán phải xoay qua mô hình bán nguyên liệu chế biến sẵn (nem, chả cốm) và tự đi giao hàng. Song, cũng như chị Loan, anh Hiếu, đại diện Đậu Homemade chưa kịp vui mừng ngày mở cửa trở thì đã phải đối diện với nỗi lo nguồn nguyên liệu vì “nhiều nhà cung cấp quen không trụ được và phải đóng cửa, phải tìm nguồn mới với giá thành cao.”
Anh Hiếu bày tỏ: “Giá thành tăng, thiếu nhân công ở thành phố, lợi nhuận quán lại chưa đủ để bù lại thời gian kinh doanh đình trệ do dịch. Tuy nhiên, Đậu luôn nỗ lực để không tăng giá bán, chấp nhận lời ít để giữ khách hàng.”
Ổn định nhanh nhờ hỗ trợ từ các ứng dụng
Trải qua những ngày đầu bấp bênh, các hàng quán vẫn nuôi hi vọng vào ngày thị trường ăn uống sôi động, an toàn trở lại. Nhiều chủ quán ăn đã nhanh trí tận dụng những “hệ sinh thái” mà các ứng dụng online mang lại như đội ngũ giao hàng, chương trình hỗ trợ... để tiết kiệm chi phí, phục hồi hoạt động kinh doanh.
“Vào thời gian tháng 6-7, lúc mới giãn cách, Đậu đã ổn định được doanh thu nhờ các nền tảng online như GrabFood. Việc tăng hiển thị trên ứng dụng đã giúp tăng số lượng đơn hàng và doanh thu cho các chi nhánh. Sau thời gian chững lại, hiện nay, tỉ lệ bán đồ ăn trực tuyến đã chiếm 40% doanh thu của quán và có sự tăng trưởng so với giai đoạn trước”, anh Hiếu hào hứng nói.
Bên cạnh đó, từ khi tham gia chương trình “Giữ lửa bếp Việt” của Grab, tiệm hủ tiếu Thành Đạt (TP.HCM) đã phần nào khắc phục được khó khăn ngày đầu tái xuất, cải thiện doanh thu. Quán được hỗ trợ tăng hiển thị trên GrabFood, nhờ đó tiếp cận được lượng người dùng nhiều hơn trước. Không chỉ vậy, người dùng cũng mạnh tay hơn khi đặt món, không lo khoảng cách xa gần vì có mã miễn phí giao hàng 100% được Grab tài trợ, hoặc hưởng các ưu đãi khi thanh toán qua ví Moca trên ứng dụng. Trong khuôn khổ chương trình, các đối tác nhà hàng còn được tạo điều kiện mua nguyên vật liệu ổn định, chất lượng, giá thành tốt với nhiều gói ưu đãi trên GrabConnect.
“Được mở bán trên app một cái là có khách đặt ngay, dĩ nhiên giờ chưa thể nhiều đơn như trước đây được. Tuy nhiên, nhờ các hỗ trợ của chương trình (Giữ lửa bếp Việt - PV) mà quán có độ hiển thị tốt hơn trên app và tăng lượng khách hàng đặt đơn nhờ khuyến mại miễn phí giao hàng”, anh Trí (chủ quán hủ tiếu Thành Đạt), chia sẻ.
Dù còn nhiều khó khăn, song có thể nói, những động thái kịp thời từ các đối tác nền tảng đặt món đã phần nào san sẻ những nỗi lo cho các chủ nhà hàng, quán ăn trong giai đoạn đầu tái mở cửa. Khi các địa phương dần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, sự hỗ trợ từ các ứng dụng tiếp tục là động lực để các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung cải thiện chất lượng món ăn và ổn định kinh doanh trong giai đoạn tới.
Xem thêm: odl.908969-ehgn-gnoc-gnud-gnu-cac-ut-ioh-oc-mit-na-nauq-taux-iat-yagn-hneb-pab/et-hnik/nv.gnodoal