Tập thơ của nhà thơ Trần Vàng Sao đoạt giải B của Giải thưởng sách quốc gia 2021 - Ảnh: LAM ĐIỀN
Bài Nhớ Nguyễn Đ. mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết tặng Nguyễn Đính (Trần Vàng Sao) năm 2005 mở đầu bằng những câu thơ: "Rồi có một ngày/ Một người can đảm sẽ nói lên/ Số phận một người tốt".
Rồi một ngày, chính ông Điềm và bạn bè ở Huế đã in được tập thơ trọn vẹn của Trần Vàng Sao, để giờ đây tuyển thơ Trần Vàng Sao mang tên Bài thơ của một người yêu nước mình (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn, 2020) được trao giải B Giải thưởng sách quốc gia.
Tập thơ của tình bạn và lòng chính trực
Một hôm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi đó đang là phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giám đốc NXB Hội Nhà Văn, thấy nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tới hội với tư cách một bạn đọc. Ông mang đến một tập thơ rất xúc động của "người tốt" như cách ông gọi bạn - nhà thơ Trần Vàng Sao.
Ông Điềm nói có những người đã hứa với ông bằng mọi cách bảo vệ tập sách đó, nhưng khi ông mang bản thảo đến thì người ta đã tìm cách chối từ. Họ ngại cái tên Trần Vàng Sao với những vần thơ thật đến gai người. Ông đề nghị NXB Hội Nhà Văn xuất bản tập sách mà ông đã cùng tuyển chọn, trong đó có những bài thuộc lưu trữ gia đình chưa từng được xuất bản mà ông Điềm đã phải động viên gia đình nhà thơ Trần Vàng Sao mới đưa được vào bản thảo.
Hai nhà thơ đồng hương, cùng thế hệ, cùng yêu nước theo cách của mình nhưng đã có số phận thật khác biệt, nhưng họ vẫn gắn bó yêu thương. Ông Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng kể ông yêu những bài thơ của bạn, yêu con người Trần Vàng Sao. Ông nhận thấy ở bạn và ở những vần thơ của bạn một tấm lòng chính trực.
Nhưng bản thảo tâm huyết của cuốn Bài thơ của một người yêu nước mình không chỉ có công lao của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mà còn có nhiều bạn bè văn nghệ Huế, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của nhà văn, nhà phê bình Tôn Nữ Ngọc Trai - người rất thương quý nhà thơ Trần Vàng Sao, một tình bạn văn chương trong nhiều thập kỷ.
Vốn yêu quý những vần thơ chân thật và xúc động mạnh mẽ của "một người yêu nước mình", ông Thiều quyết tâm in tập thơ và bảo vệ nó dù một số người thân cận khuyên ông nên cẩn trọng.
"Ông bày tỏ toàn bộ tình yêu chân thực của ông ra... Thơ ca phải đi từ trái tim thực sự, phải đập vang lên trong yêu thương, hay trong buồn bã, đau đớn, đập vang lên trong niềm hy vọng. Chỉ khi đó văn học mới mang lại cho chúng ta điều gì đó, mới có thể kết nối với bạn đọc" - ông Thiều chia sẻ.
Tập thơ được ghi nhận ở Giải thưởng sách quốc gia được chủ tịch Hội Nhà văn VN đánh giá là "một bước ngoặt" nhưng ông cũng khẳng định đây là "điều phải đến, để dần dần trả lại vị trí xứng đáng cho những giá trị đích thực".
Vào năm 2012 cũng chính NXB Hội Nhà Văn đã in tập thơ của Trần Vàng Sao có tên Gọi tìm xác đồng đội, do nhà báo Trung Dân lúc đó là trưởng đại diện của NXB Hội Nhà Văn ở TP.HCM tổ chức xuất bản. Đây là tập thơ được xuất bản chính thức đầu tiên của Trần Vàng Sao.
Để bảo vệ được cái tên gọi đúng của tập thơ, cũng là tên một bài thơ, ông Thiều lúc đó đã quyết định in trọn vẹn, chính xác bài thơ dài này trên tờ Nghệ Thuật Mới do ông phụ trách để "đo" dư luận, dọn đường cho cuốn sách được ra đời trọn vẹn nhất.
Những vần thơ luôn mới mẻ
Là phó chủ tịch hội đồng Giải thưởng sách quốc gia, ông Nguyễn Thế Kỷ - chủ tịch Hội đồng Phê bình lý luận văn học nghệ thuật trung ương - đánh giá Trần Vàng Sao là một giọng thơ có cá tính và người đọc yêu mến giọng thơ đó.
"Giới trí thức văn nghệ sĩ có sự nhạy cảm, tinh tế hơn trong cách họ nhìn cuộc sống và họ cũng nói thật lòng mình hơn, không che đậy. Khi nhìn nhận họ không nên nhìn nhận với thái độ quá cứng nhắc, định kiến. Các cơ quan quản lý văn học nghệ thuật nên nhìn biện chứng, có chiều sâu, công bằng và nhân văn", ông Kỷ nói.
Với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Giải thưởng sách quốc gia cho tập thơ của Trần Vàng Sao lần này là một sự đánh giá đúng, là "trả lại cho Caesar những gì của Caesar".
Về tài năng và con người nhà thơ, ông Nguyên nói chỉ với bút danh Trần Vàng Sao và bài Bài thơ của một người yêu nước mình đã chứng minh tư cách công dân, tư cách nhà thơ, tư cách con người của ông. Ra đời từ cuối những năm 1960, bài được gửi từ miền Nam ra Bắc này lúc đó đã gây sửng sốt nhiều người bởi giữa lúc hầu như toàn bộ nền thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung đều chỉ nói về cái chung to lớn, còn bài thơ này ngay từ tiêu đề đã khẳng định là một cái rất riêng, rất thơ.
Theo ông Nguyên, dù đã qua hơn nửa thế kỷ, ngày nay đọc lại bài thơ này bạn đọc vẫn luôn thấy nó mới mẻ, đọc lúc nào cũng xúc động, bởi "lòng yêu nước không bao giờ cũ". Còn tác giả của nó thì thời gian càng lùi xa càng cho thấy rõ ông là "một nội lực, một trí thức có suy nghĩ riêng của mình, có nỗi đau nhưng biết biến nó thành cách sống".
Cùng trong nhóm bạn văn thơ ở Huế, nhà thơ Võ Quê muốn "đính chính" về tác giả Trần Vàng Sao. Theo ông Võ Quê, tuy sinh thời tác giả Bài thơ của một người yêu nước mình có cuộc sống khá vất vả, thanh đạm nơi thôn vắng, trong tình yêu thương đùm bọc của bạn bè, nhưng nhà thơ không phải quá "bầm giập" như nhiều người tưởng. Các con ông cũng đều có việc làm ổn định.
Đất nước hôm nay đã thấm
hồn người
Ve sắp kêu mùa hạ
Nên không còn mấy thu
Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này
là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia
là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ
của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình
thống nhất.
(Trích Bài thơ của một người yêu nước mình, 19-12-1967)
TTO - Giới văn nghệ vừa đón nhận tin vui với nhiều nỗi cảm động: tập thơ 'Bài thơ của một người yêu nước mình' của người thơ lận đận Trần Vàng Sao được trao giải B giải thưởng Sách quốc gia năm 2020.
Xem thêm: mth.20811039030111202-uc-oig-oab-gnohk-coun-uey-gnol-oas-gnav-nart/nv.ertiout