Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2021.
IIP toàn ngành công nghiệp tăng 3,3%
Đánh giá của Bộ Công Thương, trong tháng 10, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương nhất là Tp.HCM và các tỉnh phía Nam đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã nới lỏng các hoạt động so với thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.
Do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10 đã có những dấu hiệu phục hồi nhẹ khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm nhẹ (giảm 1,6%) so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
Chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 25,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 12,5%; Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,5%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, như: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,3%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm11,9%; Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 8,8%; sản xuất đồ uống giảm 5,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 5,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 1,1%.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10 đã dần hồi phục nhưng tính chung 10 tháng năm 2021 vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Vẫn còn một số địa phương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cao hơn quy định Nghị quyết số 128 Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế.
Cùng với đó, một số tỉnh như Hà Nội, Tiền Giang, Cà Mau... chậm ban hành các hướng dẫn đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc dần hồi phục các hoạt động sản xuất, đặc biệt là các khó khăn về lao động.
Việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động của doanh nghiệp đình trệ tác động đến phát triển sản xuất nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung.
Bộ Công Thương nhận định, từ tháng 11/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan, các biện pháp hỗ trợ, khôi phục nền kinh tế được triển khai đồng bộ, khả năng sản xuất công nghiệp 2 tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng cao hơn.
Nhập siêu 1,45 tỷ USD
Đối với xuất nhập khẩu, hoạt động này trong tháng 10 đã có dấu hiệu phục hồi. Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 10, xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước (kim ngạch xuất tháng 9 giảm 0,8% so với tháng 8), chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước).
Trong 10 tháng năm 2021, cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta khi chiếm tỉ trọng 28,37% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với kim ngạch ước tính đạt 76,02 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 44,68 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỉ trọng 16,67%.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 89,43 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỉ trọng 33,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Tiếp theo là các thị trường gồm: Hàn Quốc đạt 45,52 tỷ USD, tăng 21,4%; ASEAN đạt 32,998 tỷ USD, tăng 34,8%; Nhật Bản đạt 18,04 tỷ USD, tăng 9%; EU đạt 13,76 tỷ USD, tăng 15,9%; Hoa Kỳ đạt 12,9 tỷ USD, tăng 13,5%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 1,45 tỷ USD.
Bộ Công Thương cho biết, kết quả nhập siêu nhờ vào kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất. Giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu. Cùng với đó, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu;
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.
Từ nay đến cuối năm để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực.
Hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược.