Giá vàng rơi xuống mức thấp nhất tính từ đầu tháng 10 sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo về việc giảm quy mô chương trình mua trái phiếu. Động thái này đã được các chuyên gia và thành viên thị trường dự báo từ trước đó.
Đóng cửa phiên giao dịch tối qua (3/11), giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm gần 19 USD (khoảng 1,02%) và chốt ở mức 1.769,3 USD một ounce. Đến sáng nay (giờ Việt Nam), giá kim loại quý hồi phục nhẹ lên 1.775 USD.
Trong tuyên bố chính sách mới nhất sau khi kết thúc cuộc họp bàn kéo dài 2 ngày, Fed cho biết sẽ bắt đầu giảm quy mô mua trái phiếu ngay từ tháng 11 và dự kiến kết thúc chương trình này vào năm 2022.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại quỹ Blue Line Futures ở Chicago, ông Phillip Streible nhận xét, trước thềm cuộc họp, dường như nhà đầu tư trên thị trường đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho điều tệ nhất. Tâm lý này lý giải cho việc tại sao giá vàng vẫn dao động quanh ngưỡng 1.758 USD một ounce suốt từ đó đến nay.
"Chúng tôi sẽ chờ trước khi có thể xác nhận được trạng thái với vàng. Không nên kỳ vọng quá nhiều vào khả năng giá kim loại quý sẽ biến động mạnh trước khi số liệu việc làm được công bố", ông nói.
Báo cáo thị trường việc làm Mỹ tháng 10 dự kiến công bố ngày 5/11. Số liệu công bố vào đầu ngày thứ Tư cho thấy số lượng việc làm trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ tháng 10 tăng vượt kỳ vọng.
Fed đồng thời cũng nhắc đến quá trình phục hồi của hoạt động kinh tế và việc làm trong tuyên bố của mình, đồng thời vẫn giữ niềm tin rằng lạm phát cao sẽ chỉ mang tính thời điểm và nhiều khả năng sẽ không cần đến việc phải sớm nâng lãi suất cơ bản đồng USD.
Giám đốc bộ phận kinh doanh kim loại tại quỹ High Ridge Futures, ông David Meger, nhận xét: "Trong khi chính sách lãi suất chắc chắn được mọi người quan tâm nhiều nhất, yếu tố thứ hai khiến họ lo láng chính là áp lực lạm phát".
Chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Mỹ đã đẩy giá vàng tăng cao liên tục tính từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối thập niên 2000. Lãi suất thấp làm giảm đi chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không mang lại lợi suất cũng như nỗi sợ lạm phát khiến cho nhu cầu đối với vàng trong vai trò công cụ phòng ngừa tăng lên.
Thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới trong phiên ngày 3/11 sau khi Fed chính thức đưa ra tuyên bố về chính sách tiền tệ nhằm hãm lại đà mua trái phiếu của chương trình mà ngân hàng trung ương nước này đã đưa ra trong đại dịch.
Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 104,95 điểm lên 36.157,5 điểm. Trong phiên đã có lúc chỉ số mất hơn 160 điểm. Ở mức chốt phiên, Dow Jones đã lập thêm kỷ lục mới. Chỉ số S&P 500 tăng 0,65% lên 4.660,5 điểm và chốt ở mức cao chưa từng có trong lịch sử. Chỉ số Nasdaq tăng 1% lên 15.811,5 điểm. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp cả 4 chỉ số đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới.
Fed công bố bắt đầu giảm quy mô chương trình mua trái phiếu ngay trong tháng này, mức giảm 15 tỷ USD một tháng. Với tốc độ thu hẹp đó, Fed sẽ chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng vào giữa năm sau. Mức độ giảm quy mô và lộ trình như vậy đúng với kỳ vọng của các chuyên gia. Dù vậy, Fed công bố sẽ chuẩn bị điều chỉnh tốc độ mua trái phiếu tiếp theo nếu tình hình triển vọng kinh tế cho phép.
Ngân hàng Trung ương Mỹ đồng thời thay đổi quan điểm về lạm phát. Fed thừa nhận rằng việc giá cả tăng đã diễn ra nhanh và kéo dài hơn so với tính toán trước đây của những người đứng đầu cơ quan này. Tuy nhiên, Fed vẫn cho rằng tình hình giá cả tăng như hiện tại chỉ mang tính thời điểm, và vẫn có thể tăng lãi suất vào thời điểm sau này.
Diệu Thanh (Theo Reuters,CNBC)