Cà phê đã vào vụ thu hoạch nhưng mấy ngày nay, gia đình nhà chị Hoàng Oanh, ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) chạy ngược xuôi tìm người hái vẫn không ra. "Nhà tôi có hơn 2 ha cà phê với sản lượng lên tới 35 tấn. Nhiều cây đã chín đỏ và rụng xuống gốc nên 2 ngày nay vợ chồng phải tranh thủ đi hái tỉa về phơi", chị Oanh nói và cho biết, nếu không thuê được người, gia đình chị sẽ phải vận động thêm người nhà để hái trong hai tuần.
Cũng chật vật tìm lao động, gia đình anh Hà ở Lâm Đồng cho biết, 3 ha cà phê nhà anh cần thu hoạch nhưng thiếu người. Theo anh Hà, các năm trước người dân từ Phan Thiết, Ninh Thuận, Nha Trang thường ghé vào làm thời vụ, năm nay số lao động này không dám di chuyển vì sợ lây lan dịch bệnh.
"Chúng tôi tăng giá khoán cho mỗi tạ cà phê từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng, bao ăn ở cho người lao động nhưng khi gọi điện họ vẫn chưa nhận lời. Tình hình này, hết tuần mà không có người, tôi buộc phải đề xuất các hộ xung quanh hái đổi công để thu hoạch", anh Hà chia sẻ.
Tương tự, tại Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai nhu cầu lao động thời vụ để thu hoạch cà phê năm nay cũng đang thiếu hụt nặng, chiếm 30-50%.
Chị Hải, ở Huyện Đắk Hà, Kon Tum cho biết, nhà chị có một ha cà phê nhưng với tình hình này gia đình đang tạm thu hoạch dần những cây đã chín gần hết. Số cà phê còn lại sẽ huy động thêm người dân cùng xã hái đổi công trong 2-3 ngày.
"Chưa có vụ cà phê nào vất vả như năm nay vì không có lao động thời vụ. Do đó, gia đình chị nói riêng và các hộ dân trong vùng nói chung phải tự thu hoạch", chị Hải bộc bạch. Theo đó, chị cho rằng thời gian thu hoạch cà năm nay dự kiến kéo dài hơn so với mọi năm.
Lý giải về nguyên nhân thiếu hụt lao động, người dân địa phương Tây Nguyên cho biết, do các lao động thời vụ từ Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam... năm nay hầu như không đến làm vì dịch bệnh di chuyển khó khăn và tốn kém.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có khoảng 174.000 ha cà phê, sản lượng hằng năm ước đạt hơn 2,3 triệu tấn quả tươi, tương đương 520.000 tấn nhân.
Để thu hoạch hết số nông sản này, ngoài lực lượng lao động tại chỗ, Lâm Đồng cần khoảng 40.000 lao động thời vụ từ các địa phương khác. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lực lượng lao động thời vụ không tới được, dẫn đến tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Trong khi đó, Đắk Lắk là "thủ phủ" cà phê của cả nước với diện tích 209.900 ha. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên lực lượng lao động tại chỗ cũng chỉ đáp ứng khoảng 50%.
Với Gia Lai, Kon Tum có tổng trên 114.000 ha cà phê. Hàng năm lực lượng lao động tại chỗ cũng chỉ đáp ứng lần lượt khoảng 60% và 40%, còn lại là lao động thời vụ từ các tỉnh miền Trung di chuyển tới.
Với tình trạng thiếu hụt lao động trên đang khiến vụ thu hoạch cà phê năm nay đứng trước nguy cơ bị thất thoát, giảm chất lượng và khả năng đẩy giá nhân công lên cao, khiến người trồng cà phê gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết tình trạng thiếu lao động thu hoạch cà phê, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi các huyện, thành phố trong tỉnh, yêu cầu thống kê diện tích, sản lượng cà phê và nguồn lao động. Hướng dẫn các địa phương thực hiện giải pháp thu hoạch cà phê trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hiện Lâm Đồng đã tổ chức thành lập các tổ, đội, nhóm... tiến hành xoay vần, đổi công trong thu hái cà phê. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm giới thiệu lao động cho các hộ và doanh nghiệp trồng cà phê. Với các gia đình neo đơn, thiếu lao động, chính quyền đã kêu gọi các đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức phụ nữ, đoàn viên, thanh niên, học sinh hỗ trợ người dân thu hoạch.
Còn với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị thu hoạch cà phê, ưu tiên huy động các lực lượng, phương tiện, chung tay hỗ trợ, giúp người dân trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản...
Thi Hà