Gerald “Jerry” Lawson qua đời ở tuổi 70 cách đây 10 năm. Dù không phải cái tên quen thuộc, nhưng ông là người tiên phong trong lĩnh vực trò chơi điện tử và là một trong số ít kỹ sư da đen làm việc trong ngành công nghệ vào những năm 1970. Năm 1976, Lawson cùng các kỹ sư thành viên trong nhóm của mình đã phát triển thành công và phát hành hộp băng trò chơi điện tử (video game cartridges) có thể tháo rời đầu tiên trên thế giới.
Vào thời điểm đó, các máy chơi trò chơi điện tử thường chỉ bao gồm các trò chơi cài sẵn cố định, ví dụ như trò “Pong” của Atari. Máy chơi game Fairchild Channel F mà nhóm Lawson xây dựng cho các hộp băng trò chơi điện tử được một công ty bán dẫn có trụ sở tại San Francisco phát hành. Sản phẩm này đã gặp thất bại nhưng ý tưởng đột phá của Lawson sau đó đã được các thương hiệu trò chơi nổi tiếng như Atari và Nintendo áp dụng.
Mặc dù hầu hết game thủ đều không biết tới Jerry Lawson, nhưng vài năm gần đây, ngành công nghiệp trò chơi điện tử đã ghi nhận tên tuổi của ông và dành cho ông một vị trí tại Bảo tàng danh vọng - World Video Game Hall of Fame.
“Ông ấy thực sự là một nhà tiên phong", Allan Alcorn, người tạo ra trò chơi “Pong” khẳng định về người bạn của mình.
Jerry Lawson - người đặt nền móng cho hệ thống máy chơi game hiện đại. Ảnh: Businesswire
Người tiên phong ở Thung lũng Silicon
Lawson sinh ra và lớn lên ở quận Queens, thành phố New York và chưa từng tốt nghiệp đại học. Là một trong số ít kỹ sư da đen ở Thung lũng Silicon vào những năm 1970, Lawson từng chia sẻ với Vintage Computing & Gaming vào năm 2009 rằng, màu da của mình “có thể vừa là điểm cộng vừa là điểm trừ”.
Là một người với màu da “không bình thường” trong lĩnh vực công nghệ khiến Larry trở nên nổi bật - theo cả hướng tích cực và tiêu cực. “Nếu bạn làm tốt, bạn đã phải nỗ lực gấp đôi, bởi vì ngay lập tức bạn sẽ lại gặp tai tiếng về điều đó", Lawson nói.
Vòng tròn xã giao của Larry khá khép kín, giống như một vài nhân vật nổi tiếng hơn của Thung lũng Silicon. Ông từng chia sẻ rằng mình đã có lần gặp hai người đồng sáng lập Apple là Steve Jobs và Steve Wozniak tại Câu lạc bộ Máy tính Homebrew, và “thực tế là không ấn tượng với họ, không ai trong cả hai người”.
Thế nhưng, Alcorn lại đã gây ấn tượng với ông. Sau khi Fairchild cử Lawson đến gặp Alcorn để thảo luận về các bộ phận điện tử cho “Pong”, có thứ gì đó đã bật lên trong suy nghĩ của Lawson. Ông bắt đầu một dự án nhỏ là tạo ra một trò chơi điện tử hoạt động bằng tiền xu trong nhà để xe của mình.
Khi Fairchild phát hiện ra trò chơi được gọi là “Demolition Derby” này, công ty đã thuyết phục Larry bắt tay vào việc tạo ra một máy chơi trò chơi điện tử như một dự án chính thức tại công ty.
Tạo ra Channel F “cho vui”
Máy chơi game của Lawson là một sản phẩm Fairchild chưa từng sản xuất và cũng chưa từng xuất hiện trên thị trường. Trong bài phát biểu tại Classic Gaming Expo ở Burlingame, California năm 2005, Lawson cho biết ông cảm thấy mình “giống như một mật vụ” đang âm thầm phát triển một nền tảng riêng mà không cản trở bất kỳ đối thủ nào.
Chỉ sau sáu tháng phát triển, nhóm của Lawson đã trở nên nổi tiếng với sự ra đời của Channel F vào năm 1976.
Channel F bao gồm cần điều khiển kỹ thuật số tại nhà đầu tiên trên thế giới và thậm chí còn có nút “tạm dừng” đầu tiên trên các máy chơi trò chơi điện tử. Nhưng, nguyên nhân chủ yếu khiến nó trở nên nổi bật là bởi nó cho phép người chơi có thể hoán đổi các hộp băng video trò chơi điện tử khác nhau.
Nhóm của Lawson đã phải xây dựng một cơ chế đặc biệt cho phép người chơi tháo lắp các hộp băng nhiều lần “mà không làm hỏng chip bán dẫn” hoặc thậm chí gây ra một vụ nổ nhỏ do tĩnh điện.
Nói về sản phẩm của mình, Lawson từng khẳng định: “Không ai có khả năng tạo ra một sản phẩm tiêu dùng có thể cắm nhiều thiết bị nhớ với tần suất lớn như vậy. Không ai cả".
Chỉ sau sáu tháng phát triển, nhóm của Lawson đã trở nên nổi tiếng với sự ra đời của Channel F vào năm 1976. Ảnh: Twitter |
Di sản còn mãi
Khi Channel F được tung ra thị trường vào năm 1976, Lawson cho biết, các đối thủ cạnh tranh của Fairchild “đã sợ hãi rằng sản phẩm mới này sẽ khiến họ phải rút chân khỏi thị trường".
Nhưng Fairchild chỉ bán được khoảng 350.000 chiếc trước khi bán công nghệ chơi game của mình cho công ty điện tử Zircon vào năm 1979. Zircon đã hủy bỏ Channel F vài năm sau đó.
Atari đã “bám sát gót chúng tôi", Lawson thừa nhận. Chỉ một năm sau, công ty trò chơi này đã phát hành máy chơi trò chơi điện tử của riêng mình - Atari 2600 - với cần điều khiển và các hộp băng có thể hoán đổi cho nhau. Cho tới khi bị ngừng sản xuất, đã có hơn 30 triệu sản phẩm Atari 2600 được tiêu thụ trên thị trường.
Vào năm 2015, Fast Company lưu ý rằng Atari đã đánh bại Channel F chủ yếu vì nó có một thương hiệu quen thuộc với các game thủ cũng như danh mục các trò chơi phổ biến như “Pac-Man”.
Lawson rời Fairchild vào năm 1980 và thành lập Videosoft, công ty sản xuất phần mềm chơi game cho Atari 2600 và các nhà phát triển khác. Theo thông tin từ Bảo tàng Đồ chơi Quốc gia ở Rochester, New York, Videosoft “có thể là công ty phát triển game thuộc sở hữu của người da màu xuất hiện sớm nhất” trong ngành này.
Công ty chỉ tồn tại được vài năm, nhưng Lawson đã dành phần còn lại của sự nghiệp để tư vấn cho các công ty công nghệ và game, đồng thời cố vấn cho các sinh viên kỹ thuật của Đại học Stanford, theo cáo phó năm 2011 trên tờ The Los Angeles Times.
Lawson cho biết trong cuộc phỏng vấn năm 2009 rằng, ông hy vọng sự nghiệp của mình có thể truyền cảm hứng cho các sinh viên da màu khác tham gia vào ngành kỹ thuật và ngành công nghiệp trò chơi.
Cho tới tận ngày nay, ngành công nghiệp trò chơi dường như vẫn ghi nhận có sự phân biệt chủng tộc. Một báo cáo năm 2020 từ Hiệp hội các nhà phát triển trò chơi quốc tế (IGDA) cho thấy chỉ có 2% nhà phát triển trong ngành này là người da màu.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Lawson vẫn tồn tại thông qua giải thưởng IGDA thường niên, một giải thưởng vinh danh công việc của nhóm các nhà phát triển thiểu số trong ngành, cũng như quỹ tài trợ của Đại học Nam California do Microsoft và công ty trò chơi điện tử Take-Two Interactive trao tặng.
Trong buổi lễ công bố quỹ học bổng dành cho sinh viên da màu và sinh viên bản địa theo học ngành thiết kế trò chơi điện tử, USC đã mô tả Lawson là “một trong những người khai sinh ra trò chơi hiện đại”.
Đó dường như cũng là cách Lawson nhìn nhận về bản thân.
“Bạn phải là một người không bị ràng buộc bởi các quy tắc mới có thể hoàn thành được công việc", Lawson khẳng định trong một bài phát biểu năm 2005. “Để khám phá những chân trời mới, bạn sẽ phải phá vỡ một số quy tắc".
Xem thêm: nhc.92173358040111202-nocilis-gnul-gnuht-auc-gnal-maht-gnuh-iougn-gnud-nahc/nv.fefac