Ngày 4-11, đoàn kiểm tra do ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra các gói hỗ trợ tại quận 4.
Theo báo cáo thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn quận 4, ở đợt 1, quận đã hỗ trợ cho hơn 13.000 người lao động tự do với số tiền hơn 20 tỉ đồng. Đợt 2, quận đã hỗ trợ đến hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, người lao động tự do với số tiền hơn 76 tỉ đồng. Ở đợt 3, quận đã chi hỗ trợ cho hơn 139.000 người với kinh phí hỗ trợ khoảng 139 tỉ đồng.
Hiện nay, số người chưa nhận hỗ trợ ở cả ba đợt vẫn còn nhiều. Cụ thể, ở đợt 1 có 293 người chưa nhận hỗ trợ, đợt 2 là gần 2.000 người và đợt 3 là hơn 4.000 người.
Ông Nguyễn Hoàng Xuân Vinh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận 4 phát biểu trong buổi giám sát. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Ông Nguyễn Hoàng Xuân Vinh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận 4 cho biết địa bàn quận 4 có mật độ dân số cao. Đại đa số người dân quận 4 là lao động nghèo, khó khăn, những người sống ở các khu nhà trọ đông. Ngoài ra, số ca F0 trong đợt dịch này ở quận 4 cũng khá cao. Vì thế, người dân cần được hỗ trợ có tỉ lệ cao hơn 80% dân số của quận.
Trong đợt chi hỗ trợ đợt 3, quận 4 đã hủy việc chi hỗ trợ hơn 14.000 người. Trong đó, có hơn 6.000 người bị trùng tên, hơn 4.000 người không đúng diện hỗ trợ, đã nhận hỗ trợ ở nơi khác hơn 1.000 trường hợp, không còn ở địa phương là hơn 1.000 người và có 139 người từ chối nhận hỗ trợ,…
“Số người chưa được phát hỗ trợ ở đợt 3 là hơn 4.000 người, hiện các phường đang lập danh sách theo ba diện để gửi về TP. Nguyên nhân các địa phương chưa chi hỗ trợ đến người dân là do các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người dân điều trị bệnh,…không có mặt tại địa phương. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục liên hệ với người dân để chi hỗ trợ”- ông Vinh cho hay.
Đoàn kiểm tra, giám sát tại quận 4. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Ông Lê Minh Tấn đánh giá với kết quả thực hiện gói hỗ trợ 3 đợt trong thời gian ngắn, quận 4 đã cơ bản hoàn thành đúng tiến độ mà TP đã đề ra.
“Với số người chưa nhận hỗ trợ, địa phương phải tìm mọi cách để chi hỗ trợ đến người dân. Ví dụ những người đang nằm trong bệnh viện thì địa phương có thể phân công đến cán bộ đến trực tiếp bệnh viện để chi. Trong lúc này, người dân đang rất cần tiền hỗ trợ để trang trải viện phí nên không được chi chậm trễ. Những trường hợp nào khó khăn thật sự và khó tiếp cận thì chờ người dân về rồi chi. Riêng những người thành viên hộ nghèo, cận nghèo thì chờ bà con về chi và việc chi sẽ không giới hạn thời gian nhận. Các địa phương phải gửi danh sách những trường hợp chưa nhận hỗ trợ về sở trước ngày 8-11 để sở báo cáo lên TP xem xét”- ông Tấn nhấn mạnh.