Hiện nay, trên nhiều trang thương mại điện tử, mạng xã hội, kênh bán hàng online quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) có nội dung lừa dối hoặc gây hiểu lầm có công dụng là thuốc chữa bệnh.
Các loại TPCN thường thấy bán trên thị trường bao gồm: Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, nhưng tất cả chỉ là thực phẩm không phải là thuốc điều trị bệnh.
Bác sĩ bị lấy hình ảnh của mình để quảng cáo
Tự lấy hình ảnh bác sĩ để quảng cáo
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, Ban đã tiến hành rà soát, kiểm tra trên 8.400 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên không gian mạng, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, kênh bán hàng online… và phát hiện 130 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, chủ yếu các nội dung vi phạm như sau:
Dùng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo; Lấy danh nghĩa bài thuốc đông y lồng ghép nội dung quảng cáo sản phẩm TPCN có thành phần được nêu tên trong bài thuốc đông y; Dùng thư cảm ơn, uy tín của nghệ sĩ livestream quảng cáo TPCN; Quảng cáo thiếu nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; Quảng cáo TPCN nhưng công dụng khẳng định chữa dứt định bệnh hoặc đẩy lùi bệnh.
Theo đó, đã có không ít các bác sĩ cảm thấy rất bức xúc khi hình ảnh của mình bị một số người tự ý dùng để quảng cáo TPCN.
Theo bác sĩ LQH ( BV Chợ Rẫy, TP.HCM): có nhiều người dùng hình ảnh tôi nhưng không xin phép để quảng cáo TPCN, bản thân tôi cũng không biết rõ về sản phẩm đó.
“Nhiều lần tôi bị lấy hình để quảng cáo TPCN, tôi đề nghị chấm dứt ngay những hành động dùng hình ảnh của tôi để quảng cáo thuốc hoặc bất cứ sản phẩm nào khác”- bác sĩ LQH nói.
Phạt nặng nếu quảng cáo không đúng sự thật
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, căn cứ theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01-6-2021 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đối với hành vi quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Theo luật sư Trần Vân Linh, đoàn luật sư TP.HCM, việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thuận khác.
“Việc sử dụng hình ảnh mà chưa được phép của người có hình ảnh thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”- luật sư Linh nói.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm về quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kiên quyết xử lý và công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Người tiêu dùng nên mua TPCN có nguồn gốc rõ ràng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo đến người tiêu dùng nên lựa chọn và mua sản phẩm TPCN hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cơ quan quản lý xác nhận sản phẩm được lưu hành (sản phẩm đã được cấp Giấy đăng ký công bố sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm). Ngoài ra, người tiêu dùng nên mua sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, kiểm tra nhãn sản phẩm, hạn sử dụng và các thông tin liên quan đến tính năng, công dụng của sản phẩm theo quy định. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đề nghị các đơn vị thực hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật quảng cáo hiện hành. Lưu ý, quảng cáo công dụng sản phẩm chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ chức năng bộ phận cơ thể, không có tác dụng điều trị bệnh, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. |