Siêu thị Trung Quốc tắc nghẽn
Theo hãng tin CNBC, tình trạng khủng hoảng lương thực tại Trung Quốc có thể khiến quốc gia này khó giữ được ổn định tăng trưởng. Giá các mặt hàng lương thực tại đây đã tăng mỗi tuần trong tháng 10/2021, qua đó đẩy tỷ lệ lạm phát của nước này lên cao.
Số liệu cho thấy một rổ 30 loại rau tại Trung Quốc có giá đến 5,99 Nhân dân tệ/kg vào tuần cuối cùng của tháng 10/2021, tăng 6,6% so với tuần trước đó. Trái lại, giá rổ rau tương tự trong tuần cuối cùng của tháng 9/2021 chỉ có giá 4,39 Nhân dân tệ/kg.
Đà tăng giá mạnh của lương thực này đã gây áp lực đến lạm phát cũng như giới hạn giải pháp của chính phủ trong việc điều tiết nền kinh tế. Tuy nhiên trước khi kịp có biện pháp bình ổn, Bộ thương mại Trung Quốc ngày 1/11 đã ban hành chỉ thị đề nghị các hộ gia đình tích trữ nhu yếu phẩm phòng trường hợp khẩn cấp.
Mặc dù tuyên bố này là nhằm đề phòng trường hợp thiếu nguồn cung do dịch Covid-19 cũng như các trận lũ bất thường gây ảnh hưởng, thế nhưng chúng lại làm bùng phát cơn hoảng loạn trong người dân. Hậu quả là hàng loạt siêu thị tại Trung Quốc ghi nhận tình trạng người dân mua hàng tích trữ, tạo nên hiện tượng chen lấn như một cuộc khủng hoảng.
Khủng hoảng vì tin đồn
Hãng tin CNN nhận định cuộc khủng hoảng này chủ yếu đến từ mạng xã hội cũng như các tin đồn trong dân bởi thông thường, Trung Quốc vẫn hay cảnh báo về tình trạng khan hàng trước dịp Tết Nguyên Đán. Thông thường người dân Trung Quốc cũng hiểu được tình trạng này mọi năm, nhưng việc đại dịch gây ảnh hưởng chuỗi cung ứng cũng như tình hình thiên tai phá hủy nhiều khu vực trồng trọt chủ chốt tại Trung Quốc đã khiến phản ứng năm nay hoảng loạn hơn.
Thêm nữa, việc thiếu than gây khủng hoảng điện năng cũng làm một số khu vực trồng rau trong nhà kính chịu thiệt hại, làm dấy lên tin đồn về việc thiếu lương thực trầm trọng trong dịp lễ tết năm nay.
Một nguyên nhân nữa khiến người dân Trung Quốc đổ xô đến các siêu thị là cách chính phủ thông báo thông tin. Theo CNN, Trung Quốc chưa bao giờ đề nghị người dân tích trữ lương thực kể cả trong thời điểm đỉnh dịch Covid-19 năm 2020. Bởi vậy khi thông báo trên được đưa ra, rất nhiều tin đồn đã được lan truyền một cách xuyên tạc.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ngay lập tức, rất nhiều hãng thông tấn và truyền thông đã cố gắng lên tiếng giải thích. Tờ thời báo kinh tế quốc gia Trung Quốc Economic Daily nhận định rằng chính phủ chỉ muốn nhắc nhở người dân chuẩn bị lương thực trước dịp lễ tết cũng như để phòng ngừa việc bị giãn cách một lần nữa. Đài truyền hình trung ương CCTV thì cho biết người dân đang phản ứng quá mức với vụ việc khi đến phỏng vấn trực tiếp với Bộ trưởng thương mại Zhu Xiaoliang.
Theo Bộ trưởng Zhu, thông báo trên chủ yếu cho chính quyền các địa phương nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho người dân trước dịp lễ tết cũng như nhằm chuẩn bị cho trường hợp bùng dịch nếu có. Đồng thời Bộ trưởng Zhu cũng cam kết rằng lương thực cho người dân hoàn toàn được đảm bảo đủ cung và không hề có việc thiếu thốn nào như những tin đồn đã đưa.
Những tuyên bố của Bộ trưởng Zhu là có cơ sở khi Trung Quốc vẫn kiên trì với chính sách "Zero Covid", qua đó cách ly hoàn toàn những vùng có dịch để dập.
Ám ảnh đói ăn
Dẫu vậy, hãng tin CNN nhận định nhiều động thái khác của chính quyền Bắc Kinh cũng góp phần khiến người dân lo lắng. Ngày 1/11, Trung Quốc tiết lộ kế hoạch khuyến khích người dân không nên gọi đồ ăn nhiều hơn mức cần thiết, đồng thời ban hành chính sách phạt những nhà hàng dám lãng phí thức ăn.
Trước đó vào tháng 4/2021, Trung Quốc đã thông qua luật cho phép nhà hàng thu thêm tiền phí nếu thực khách để thừa lại thức ăn. Luật mới cũng phạt những người sản xuất hay chia sẻ các video liên quan đến vấn đề lãng phí thức ăn với mức phạt lên đến 15.000 USD.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Hãng tin Bloomberg nhận định ám ảnh nạn đói khủng khiếp thời kỳ trước khi mở cửa kinh tế đã khiến người dân lo sợ với tin đồn khủng hoảng lương thực. Cuối thập niên 1950, hàng chục triệu người Trung Quốc đã chết vì đói và chính lý do này khiến người dân mù quáng tích trữ lương thực bất chấp những giải thích từ phía chính phủ.
Hiện rất nhiều siêu thị tại các khu vực của Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng hết tạm thời các nhu yếu phẩm như gạo, dầu, ngũ cốc do lượng người mua quá đông và chưa kịp vận chuyển từ kho, một hình ảnh hiếm khi xảy ra thậm chí trong thời kỳ đỉnh dịch Covid-19 năm 2020.
*Nguồn: CNBC, Bloomberg, CNN
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị