Khói và hơi bốc lên từ nhà máy điện than thuộc sở hữu của Công ty Indonesia Power ở tỉnh Banten, Indonesia - Ảnh: REUTERS
Úc, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ không đồng ý
Theo đài BBC, trong số 190 quốc gia và tổ chức trên, có hơn 40 quốc gia, gồm có Ba Lan, Việt Nam, Chile... cam kết bỏ dần việc sử dụng than để phát điện, hay nói cách khác là bỏ than đá theo lộ trình phù hợp với từng nước.
Những quốc gia và tổ chức này cũng cam kết chấm dứt mọi hoạt động đầu tư vào điện than mới trong nước và quốc tế. Các bên cũng thống nhất loại bỏ dần điện than vào năm 2030 đối với các nền kinh tế lớn, và năm 2040 đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Ngoài ra, hàng chục tổ chức đã ký cam kết nói trên, và nhiều ngân hàng lớn cũng đồng ý ngừng cấp vốn cho ngành công nghiệp than.
Tuy nhiên, các quốc gia phụ thuộc vào than đá lớn nhất thế giới, bao gồm Úc, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, đã không ký cam kết này. Năm 2019, than góp phần sản xuất khoảng 37% điện năng trên thế giới. Than cũng là một nguồn nhiên liệu giá rẻ và nguồn nhiên liệu chính để sản xuất điện tại nhiều nước, trong đó có Nam Phi, Ba Lan và Ấn Độ.
"Dấu chấm hết cho than đang ở trong tầm mắt. Thế giới đang đi đúng hướng", Bộ trưởng Năng lượng và kinh doanh Vương quốc Anh Kwasi Kwarteng cho biết.
Theo Hãng tin Reuters, mục tiêu chính của các cuộc đàm phán tại COP26, diễn ra tại thành phố Glasgow, Vương quốc Anh, là đảm bảo cam kết của các nước về việc giảm phát thải khí nhà kính - chủ yếu từ than, dầu và khí tự nhiên - để đảm bảo nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C.
Giá năng lượng tăng kéo theo giá lương thực tăng ở châu Á
Ngày 3-11, Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cảnh báo giá thực phẩm sẽ đắt hơn trong vài tháng tới do giá năng lượng tăng và các yếu tố khác về chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động.
Singapore là nước nhập khẩu khí đốt để tạo ra điện và cũng nhập gần như toàn bộ thực phẩm. Vì vậy, giá các mặt hàng toàn cầu tăng sẽ khiến giá cả trong nước biến động.
Các nước châu Á lo ngại trước tình hình giá năng lượng leo thang kéo theo giá các mặt hàng khác.
Chính quyền Singapore cam kết sẽ hỗ trợ người dân, có chương trình hỗ trợ chi tiêu cho các gia đình thu nhập thấp, và có các biện pháp để hạn chế vật giá leo thang, theo báo Straits Times.
Còn tại Thái Lan, các chuyên gia đã kêu gọi chính quyền có các biện pháp điều chỉnh trợ giá nhiên liệu để có thể hỗ trợ những người cần giúp đỡ nhất. Thái Lan hiện dành nguồn quỹ khoảng 212 triệu USD để trợ giá xăng dầu và người sử dụng gas để nấu nướng. Nguồn quỹ này dự kiến sẽ hết vào cuối năm nay.
Nhà kinh tế Praipol Koomsap, cựu trợ lý bộ trưởng kinh tế Thái Lan, cho rằng việc giới hạn trợ giá cho các nhóm cụ thể sẽ hiệu quả hơn việc trợ giá chung. "Biện pháp này sẽ giảm gánh nặng cho chính phủ cũng như xoa dịu ảnh hưởng của việc phong tỏa trong các đợt bùng dịch COVID-19 đối với người dân", ông Praipol nói.
TTO - Đồng tiền của nhiều nước châu Á đang mất giá khi giới đầu tư giảm bớt sở hữu tài sản bằng những loại tiền này do giá nhiên liệu tăng cao, nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, và nguy cơ lạm phát toàn cầu.