Phiên toà phúc thẩm xem xét yêu cầu của ông Liên Khui Thìn, các bên liên quan, dự kiến được TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử vào ngày 15/11.
Theo hồ sơ vụ án, 25 năm trước, ông Thìn và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tây Sơn, với vốn điều lệ là 3 tỷ đồng. Trong đó mỗi bên góp vốn 50%. Ông Thìn làm Chủ tịch Hội đồng thành viên còn bà Mai là Giám đốc công ty. Công ty Tây Sơn kinh doanh đa ngành nghề gồm: sản xuất sơn mài, thủ công gia dụng, mây tre đan, điện tử điện lạnh, xe máy, phân bón, may mặc, thương mại...
Một năm sau, ông Thìn bị bắt trong vụ án Epco cùng Tăng Minh Phụng và bị tuyên án tử hình về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN với cáo buộc chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng.
Ông Thìn sau đó được Chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân. Hơn 10 năm cải tạo tốt, thi hành án trên 500 tỷ đồng... ông tiếp tục được giảm án rồi được đặc xá năm 2009.
Sau khi ra tù, ông Thìn cho rằng, trong thời gian mình chấp hành án, bà Mai đã chuyển toàn bộ vốn và tài sản của Công ty Tây Sơn cho ông Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức (chồng và con bà Mai) và ông Đỗ Thế Minh (em bà Mai) mà không hỏi ý kiến của mình. Ông nhiều lần liên hệ bà Mai và người thân của bà để giải quyết nhưng họ không hợp tác.
Hồi tháng 9/2018, ông Thìn khởi kiện chồng con bà Mai ra TAND TP HCM, yêu cầu tuyên hủy giao dịch gian dối, phục hồi quyền sở hữu 50% tài sản và vốn góp của mình trong Công ty Tây Sơn. Ngoài ra, ông Thìn cũng đề nghị toà tuyên vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng vốn góp giữa những người này, hủy các Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ lần 1 đến lần 8 của Công ty Tây Sơn.
Trong đơn kiện, ông Thìn cho biết, vốn điều lệ lúc đăng ký kinh doanh của Công ty Tây Sơn là 3 tỷ đồng và bà Mai đứng tên trên danh nghĩa một nửa. Tuy nhiên, tài sản của công ty đã bao gồm nhiều bất động sản có giá trị. Trong đó, có khu biệt thự rộng 2.000 m2 (nay là tòa nhà) tại 198 đường Võ Thị Sáu (đã được UBND TP HCM chấp thuận cho nâng cấp thành dự án từ 2 năm trước) và dự án nhà ở du lịch 3 ha tại bờ biển Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Sau nhiều lần tòa tổ chức hòa giải nhưng phía bị đơn vắng mặt, hồi tháng 5 năm ngoái, TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử.
Tại tòa, phía bị đơn do ông Đức đại diện, không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Họ cho rằng toàn bộ giao dịch chuyển nhượng vốn của Công ty Tây Sơn cho bị đơn là hợp pháp do ông Thìn không còn là thành viên của công ty.
Căn cứ phía bị đơn đưa ra là theo Công văn ngày 22/8/2000 của TAND TP HCM trả lời về phần hùn vốn của ông Thìn. Cụ thể, công văn này giải thích: "Liên Khui Thìn tuy có góp vốn điều lệ trong Công ty TNHH Tây Sơn là 1,5 tỷ đồng, nhưng sau đó lại lấy tài sản của chính Công ty Tây sơn để thế chấp nơi khác thì coi như không còn vốn điều lệ trong công ty nữa. Các thành viên còn lại có thể đăng ký theo Luật Doanh nghiệp để ổn định hoạt động".
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, HĐXX quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Thìn, tuyên bố các giao dịch chuyển nhượng góp vốn giữa bà Mai với ông Đức, ông Đạo là vô hiệu. Toà cũng tuyên huỷ các giấy thay đổi đăng ký kinh doanh của Công ty Tây Sơn từ năm 2000 đến 2016.
Theo HĐXX, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM) cung cấp, lời khai của đại diện các bên đương sự tại phiên tòa, có cơ sở để xác định ông Thìn góp vốn 50% với bà Mai để thành lập công ty.
Việc bà Mai chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong công ty cho ông Minh (người chưa phải là thành viên công ty) trước khi thay đổi đăng ký kinh doanh, giảm vốn điều lệ, cũng như thay đổi, xóa tên thành viên mà chưa có ý kiến của ông Thìn, không có quyết định của Hội đồng thành viên là vi phạm Luật Doanh nghiệp, xâm phạm quyền lợi của ông Thìn.
Tương tự, các giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp giữa ông Minh, bà Mai cho chồng con bà này và thay đổi thành viên công ty đều vi phạm pháp luật.
"Phía bị đơn viện dẫn công văn ngày 22/8/2000 của tòa, cho rằng ông Thìn không còn là thành viên Công ty Tây Sơn kể từ tháng 8/2000 là chưa đúng. Bởi, công văn này không phải là bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa", bản án nêu.
Không đồng ý với phán quyết này, phía bị đơn và những người liên quan kháng cáo toàn bộ bản án.
Ông Liên Khui Thìn từng là Giám đốc, kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty Epco. Sau khi ra tù, ông Thìn đòi lại quyền quản lý Công ty Epco nhưng không được chấp thuận. Ông sau đó tiếp tục công việc kinh doanh, giúp nhiều người từng lầm lỡ. Ông tham gia sáng lập Quỹ hoàn lương (sau này đổi tên là Quỹ hoà nhập và phát triển cộng đồng).
Năm 2014, ông Thìn được tuyên dương trong "Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù" do Công an TP HCM tổ chức.
Nhiều năm qua, ông Thìn gửi đơn đến các cơ quan tố tụng tố cáo một số cá nhân đã lợi dụng thời gian ông ngồi tù, cố tình làm sai phán quyết của toà khi thi hành án, bán rẻ và chiếm đoạt những tài sản của ông tại Công ty Epco, Công ty TNHH An Khánh và Công ty TNHH Hồng Long. Trong đó, nguyên Cục trưởng thi hành án dân dự TP HCM Lương Vĩnh Phúc và chấp hành viên Bùi Liên Hiệp đã bị xử lý, song một số cá nhân khác vẫn bị "bỏ lọt".
Sau thời gian dài xác minh, hôm 29/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo đơn tố cáo của ông Thìn. Động thái này được đưa ra bởi C03 phát hiện có dấu hiệu tội phạm.
Quốc Thắng
Xem thêm: lmth.4601834-nas-iat-ueihn-ial-nahn-coud-eht-oc-niht-iuhk-neil-gno/ten.sserpxenv