Cảnh sát phun vòi rồng về phía những người biểu tình phản đối thẻ chứng nhận tiêm chủng tại thành phố Trieste (Ý) hồi tháng 10 - Ảnh: EPA
Ngày 4-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mô tả làn sóng COVID-19 hiện nay là rất đáng quan ngại. Dựa trên các dự báo đáng tin cậy, đến tháng 2-2022 có thể sẽ có thêm nửa triệu người chết ở châu Âu và Trung Á.
Chúng ta một lần nữa đang trong tâm dịch (toàn cầu).
Ông Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu, cảnh báo.
Đức, Ý bùng dịch mạnh
Tháng trước, khi Ý siết quy định xét giấy chứng nhận đã tiêm chủng với phạm vi áp dụng rộng và nghiêm ngặt nhất châu Âu, thành phố cảng Trieste đã nổ ra các cuộc biểu tình phản đối. Theo quy định, người đi làm phải có chứng nhận đã tiêm vắc xin, đã khỏi COVID-19 hoặc giấy xét nghiệm âm tính. Ai không tuân thủ sẽ bị ngừng việc, ngừng trả lương trong vòng 5 ngày. Theo người dân, biện pháp này vi phạm quyền tự do của họ.
Hai tuần sau, Trieste thành tâm dịch COVID-19 của Ý khi số ca bệnh mới trực tiếp liên quan đến các cuộc biểu tình. Đơn vị chăm sóc đặc biệt bị áp lực về số giường bệnh.
Bài học từ đợt bùng phát số ca nhiễm ở Trieste cho thấy một nhóm thiểu số không tiêm vắc xin, dù vì lý do gì, vẫn có thể là đe dọa với sức khỏe cộng đồng.
Từ chối vắc xin là vấn đề chung của nhiều nước châu Âu. Trong tuần này, thu hút sự quan tâm của người Đức là cái chết của 11 người cao niên đã tiêm vắc xin sống tại một nhà an dưỡng dành cho người lớn tuổi ở bang Brandenburg, phía tây Đức.
Theo Đài DW, chỉ một nửa số nhân viên chăm sóc các cụ ở đây đã tiêm vắc xin. Khả năng người chưa tiêm lây bệnh cho người đã tiêm có hệ miễn dịch yếu là không bị loại trừ.
Sự việc buộc chính quyền bang Brandenburg yêu cầu nhân viên chưa tiêm vắc xin đầy đủ tại các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế phải xét nghiệm COVID-19 hằng ngày nếu tỉ lệ lây nhiễm tại địa phương cao.
Ngoài ra, chính quyền liên bang Đức cũng yêu cầu lãnh đạo các bang sớm thống nhất về các biện pháp hạn chế mới với người chưa tiêm vắc xin trước thềm Giáng sinh.
Theo công bố của Viện Dịch tễ Robert Koch, số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày ở Đức đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Số liệu ngày 5-11 cho thấy Đức có thêm 37.120 ca nhiễm mới, là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới lập kỷ lục cao nhất từ đầu dịch. Bộ Y tế Đức lưu ý những người cao tuổi chưa tiêm vắc xin là đối tượng trọng tâm của làn sóng dịch hiện nay.
Tại một số vùng ở Đức đã xảy ra tình trạng hết giường tại phòng chăm sóc đặc biệt. Nước này phải tăng cường các biện pháp như hạn chế người chưa tiêm vắc xin đến các sự kiện, địa điểm công cộng hoặc hưởng các quyền lợi được nghỉ bệnh có trả lương nếu nhiễm COVID-19.
Ca COVID-19/1 triệu dân hàng tuần ở châu Âu và các điểm nóng - Nguồn: Our World in Data và ĐH Johns Hopkins - Trần Phương tổng hợp - Đồ họa: T.ĐẠT
Khẩu trang lại lên ngôi
Đan Mạch, quốc gia gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế với COVID-19 hồi tháng 9-2021, hiện đang chứng kiến sự trở lại của COVID-19 với số ca nhiễm và số ca nhập viện đều tăng lên.
Các chuyên gia y tế kêu gọi Ủy ban phòng chống dịch và Quốc hội Đan Mạch yêu cầu đeo khẩu trang và xét chứng nhận đã tiêm vắc xin trở lại. Với 75,7% dân số đã tiêm vắc xin đầy đủ, thẻ chứng nhận này được hy vọng là hạn chế rủi ro bị lây nhiễm xuống mức tối đa ở Đan Mạch.
Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, cho biết số ca nhiễm tăng ở châu Âu là hệ quả của nhiều yếu tố.
"Một số nước châu Âu có tỉ lệ bao phủ vắc xin thấp hơn kỳ vọng dù có sẵn vắc xin để tiêm cho người dân. Việc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách cũng tạo điều kiện cho virus lây lan", ông Ryan nói.
WHO khuyên các nước phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 và tiêm liều bổ sung cho những đối tượng có hệ miễn dịch yếu vì "đa số những người nhập viện và tử vong" do COVID-19 hiện chưa tiêm đủ.
Các chuyên gia khẳng định vắc xin có hiệu quả và đã cứu mạng hàng ngàn, hàng vạn người. Ở nhiều nước châu Âu, tỉ lệ tiêm đầy đủ đạt bình quân 70%, nhưng vẫn còn 10% chưa tiêm mũi nào. Nơi đâu độ bao phủ vắc xin còn thấp, nơi đó tỉ lệ nhập viện cao.
Vắc xin không phải là giải pháp duy nhất. Các biện pháp xét nghiệm và truy vết, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn giữa các cá nhân quan trọng không kém. WHO cho rằng nếu 95% người dân châu Âu và Trung Á đeo khẩu trang, hành động ngày có thể cứu sống 188.000 trong số nửa triệu sinh mạng dự báo bị COVID-19 tước đoạt từ nay đến trước tháng 2-2022.
TTO - Sự phân bố vắc xin không đồng đều và các biện pháp mở cửa đang khiến châu Âu đối mặt với nguy cơ tái bùng dịch khắp châu lục. Trong khi đó, nhiều nước đẩy mạnh các biện pháp tiêm ngừa COVID-19, bao gồm bắt buộc tiêm vắc xin.
Xem thêm: mth.11213042250111202-ua-uahc-ial-yauq-pas-cohc-tehc-gnod-aum/nv.ertiout