Chiều 5-11, tại buổi họp báo quý IV do Bộ Nội vụ tổ chức, trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về cơ cấu của các bộ, cơ quan ngang bộ cũng như chức năng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2021-2026 là liệu có giảm con số về tổng cục, cục, phòng..., ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (vừa được bổ nhiệm bốn ngày), khẳng định “sẽ giảm không ít đầu mối” nhưng không nêu cụ thể con số.
Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (đứng), cung cấp thông tin tại cuộc họp chiều 5-11. Ảnh: N.NHÂN
Chỉ đạo xuyên suốt
Trước đó, trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, tháng 8-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 101 để sửa đổi, bổ sung Nghị định 123 (ban hành tháng 9-2016).
Nghị định 123 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, còn Nghị định 101 siết các tiêu chí thành lập các đơn vị cấp tổng cục, cục, vụ, phòng.
“Cách làm mới lần này không chỉ là siết tiêu chí thành lập đơn vị mà Thủ tướng còn lập ban chỉ đạo để chỉ đạo công tác này” - ông Nam nói.
Ông Nam lý giải thêm: Trước đây, từng bộ tự chủ trì, dự thảo nghị định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của chính mình rồi chuyển Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ thảo luận, quyết định. Còn lần này, các vấn đề lớn sẽ phải báo cáo xin ý kiến ban chỉ đạo do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng ban rồi mới cụ thể hóa thành dự thảo nghị định theo quy trình chung.
Ông Phạm Minh Chính khi là trưởng Ban Tổ chức Trung ương ở nhiệm kỳ Đại hội XII đã chấp bút hai nghị quyết 18 và 19 về “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Hai nghị quyết này đã được Hội nghị Trung ương 6, tháng 10-2017 thông qua.
Nay ở cương vị Thủ tướng, ông sẽ chỉ đạo sát sao việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong từng bộ, cơ quan ngang bộ.
Bộ TN&MT đề xuất hạ cấp ba tổng cục
Theo Nghị định 101, tổng cục phải đáp ứng ba tiêu chí: (a) Có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; (b) chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở trung ương, trường hợp đặc biệt do Chính phủ xem xét quyết định; (c) được phân cấp, ủy quyền của bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực.
Còn với tiêu chí đơn vị cấp vụ, điểm mới là chỉ khi khối lượng công việc phải bố trí từ 15 biên chế công chức trở lên; tiêu chí lập phòng trong cấp vụ là khi vụ ấy có nhiều mảng công tác mà khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 30 biên chế công chức trở lên…
Cũng theo cách phân chia trên, số lượng tổng cục phó, cục phó, chi cục phó, phó phòng cũng bị khống chế theo tiêu chí số lượng công chức, số lượng phòng, số lượng chi cục, cục... để đảm bảo số lượng đầu mối tổ chức, nhân sự cấp phó phải gắn chặt với khối lượng công việc. Và như thế, cùng với siết yêu cầu mô tả vị trí việc làm sẽ tinh giản được bộ máy như yêu cầu mà trung ương đề ra.
Tại thời điểm này, các bộ đang tự rà soát, lên phương án dự kiến về tổ chức của chính mình để chuyển Bộ Nội vụ tổng hợp.
“Chúng tôi đã nhận được văn bản đề xuất của nhiều bộ, trong đó Bộ TN&MT đang đề nghị chuyển từ tổng cục xuống cục với ba đơn vị. Sau chuyến công tác của Thủ tướng, Bộ Nội vụ sẽ có báo cáo” - ông Vũ Hải Nam nói.
Sau bốn năm, cả nước giảm được bảy sở, 208 chi cục Với việc quy định chặt chẽ tiêu chí cơ quan chuyên môn đặc thù; tiêu chí thành lập tổ chức gắn với số lượng biên chế tối thiểu; tiêu chí xác định số lượng cấp phó... từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2021, các tỉnh đã sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện với kết quả bước đầu như sau: • Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh: Tổng số 1.173 sở và tương đương (giảm bảy). • Phòng thuộc sở và tương đương: Tổng số 7.215 (giảm 1.440). • Chi cục thuộc sở và tương đương: Tổng số 907 (giảm 208).• Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện: Tổng số 8.490 phòng (giảm 451). |