Năm mười tuổi, đọc Doraemon với cỗ máy thời gian thần kỳ, bước vào có thể đi ngược về quá khứ, tiến tới tương lai, tôi từng nghĩ tất cả chỉ là viễn tưởng.
Hai mươi năm sau, khi viết những dòng này, chồng tôi đã mang về nhà một thiết bị "lạ". À, chính xác thì "lạ" với tôi, nhưng không "lạ" với nhiều người.
Video đầu tiên tôi xem trên thiết bị này, là video về những chú khủng long đúng ở thời quá khứ, giống Doraemon, Nobita và các bạn cũng từng ngược về quá khứ ở công viên kỷ Jura.
Video tiếp theo, tôi xem là về một buổi biểu diễn âm nhạc đương đại với toàn bộ nghệ sĩ là những nhân vật ảo.
Nhưng dù là công viên kỷ Jura ở hàng triệu năm trước, hay buổi biểu diễn âm nhạc siêu thực, cảm giác nó mang lại, thật hơn bất kỳ trải nghiệm ảo nào tôi từng thử qua. Lần đầu tiên khi các nhân vật ảo đến gần, tôi cảm giác như được chạm. Một nhu cầu rõ ràng về việc muốn ngoái đầu để theo dõi 360 độ, nhoài người để với lấy và khi máy quay tiến lên, tôi như muốn trôi đi bồng bềnh trong không gian song song.
(Sẽ khó để giải thích nhưng nếu bạn đã từng trải nghiệm kính VR, tôi tin bạn mỉm cười đồng ý).
Đúng, không cần tới một tương lai khác, chỉ sau hai mươi năm, những điều tưởng chừng hoàn toàn viễn tưởng khi tôi mười tuổi, giờ đã ở gần ngay cạnh, hơn bao giờ hết!
Tất cả được đem đến thông qua chính thiết bị lạ kia: Thiết bị mang tên kính thực tế ảo (VR) Quest do Oculus, một công ty thuộc Facebook Inc. sản xuất.
Đó cũng là lúc tôi nhận ra, Facebook đã không còn là một công ty chỉ về các mạng xã hội như Facebook, Messenger, Instagram, Whatsapp…
Và khi tôi vẫn đang say mê trải nghiệm VR, vài ngày trước Mark Zuckerberg bất ngờ livestream tại sự kiện Connect về tham vọng phát triển Metaverse – siêu vũ trụ cùng việc đổi tên tập đoàn Facebook thành Meta.
Đó có phải là một ví dụ điển hình về thế giới VUCA(*) mà ta đang sống: Một thế giới vừa đầy thách thức khi Covid vẫn đang hoành hành và không rõ kết cục dù đã có vaccine; nhưng cũng tràn ngập cơ hội khi Metaverse đang mở ra… Và ta – ở ngay giữa thế giới ấy thì không thể tiên đoán chính xác điều gì đang đợi phía trước?
Xét cho cùng, Metaverse là…
Metaverse được ghét từ hai từ "meta" (vượt ra khỏi) và "universe" (vũ trụ), được hiểu là siêu vũ trụ ảo. Ở đây, các không gian vũ trụ ảo cùng tồn tại. Có thể hình dung đây là một phiên bản nâng cao của Internet, khi ấy, những người tham gia vào nền tảng này có thể "sống" một cuộc đời thứ 2 dưới một nhân dạng ảo- avatar.
Thuật ngữ "metaverse" lần đầu được nhắc đến năm 1992 trong tiểu thuyết khoa học Snow Crash của nhà văn người Mỹ Neal Stephenson. Đây là "một vũ trụ do máy tính tạo ra", tồn tại song song với đời thật. Trong đó, một thế giới ảo 3D nơi mọi người đều có nhân vật đại diện thay thế được đề cập. Riêng trong lĩnh vực điện ảnh "Ready Player One"- một bộ phim viễn tưởng ra mắt năm 2018 đã từng đề cập đến khái niệm này.
Metaverse thường tồn tại trong một xã hội dystopian (phản địa đàng) nơi con người chạy trốn khỏi thực tại. Tuy nhiên, ngày nay metaverse trở thành một ý tưởng đột phá, một môi trường có nhiều tiềm năng phát triển. Nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid với việc hạn chế tương tác trực tiếp, các hoạt động tương tác đều xảy ra trên internet.
Metaverse được xem là bước ngoặt công nghệ quan trọng tiếp theo của loài người, sau kỷ nguyên Internet. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ NFT cũng được kỳ vọng sẽ là động lực giúp xây dựng một mô hình kinh tế trên nền tảng này, giúp con người có thể mua bán và trao đổi với nhau.
Báo cáo gần đây của Bloomberg ước tính, ngành công nghiệp Metaverse sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2024.
Dự định của Facebook với Metaverse?
Với tiềm năng thị trường ở mức 800 tỷ USD chỉ sau ba năm nữa, không ngạc nhiên khi Metaverse thu hút sự chú ý của gã khổng lồ Facebook. Như Mark Zuckerberg phát biểu: "Trong những năm tới đây, tôi tin rằng mọi người sẽ thay đổi cách nhìn với tập đoàn chúng tôi từ một tập đoàn thuần về mạng xã hội thành một tập đoàn metaverse. Theo nhiều cách, metaverse là sự thể hiện công nghệ xã hội ở mức cao nhất".
Bạn có thể tưởng tượng về metaverse như một thế giới ảo vô cùng chân thực, nơi mọi người có thể dành thời gian cùng nhau và gặp mặt nhau, giống như cách mà bạn có thể làm được ngay bây giờ với công nghệ thực tế ảo, nhưng tinh vi hơn.
Theo Zuckerberg, trong metaverse, người dùng sẽ có thể "dịch chuyển" từ trải nghiệm này qua trải nghiệm khác. Đây không phải là một khái niệm quá mới mẻ – và mặc vị dù giám đốc điều hành Facebook này mới chỉ bắt đầu công khai sử dụng thuật ngữ metaverse gần đây, công nghệ này đã được Facebook nghiên cứu phát triển trong suốt nhiều năm nay với những khoản đầu tư đáng kể cho VR và AR.
Nhưng liệu câu chuyện có chỉ đơn giản là một mũi tên - trúng một đích?
Thực tế, kế hoạch tập trung vào vũ trụ ảo metaverse cũng được xem là bước đi thông minh của Mark Zuckerberg để chuyển hướng sự chú ý của công chúng. "Về cơ bản, những chuyện xoay quanh metaverse có thể giúp Facebook tránh khỏi phản ứng dữ dội từ công chúng", Ashley Cooksley, Giám đốc điều hành tại công ty The Social Element, nói.
Eric Schiffer, Giám đốc điều hành The Chief Organization, cho biết Facebook vẫn phải giải quyết các cuộc khủng hoảng truyền thông của nền tảng kể từ vụ bê bối Cambridge Analytica hay những cáo buộc về ảnh hưởng tiêu cực lên thanh thiếu niên…, nhưng công ty không thể sụp đổ do vẫn còn nguồn lực kinh tế lẫn chính trị lớn mạnh.
"Đây chưa phải dấu chấm hết cho Zuckerberg… Việc tập trung cho metaverse có thể giúp công ty chiếm lợi thế trong cuộc đua công nghệ tương lai", Schiffer nói.
Facebook mở màn, nhưng cuộc chơi này còn những ai?
Hiện nay, Metaverse có thể được chia thành hai nhóm nền tảng riêng biệt. Nhóm đầu tiên xoay quanh việc xây dựng một thế giới ảo dựa trên blockchain, dùng NFT và tiền mã hóa để sử dụng các tính năng bên trong trò chơi.
Trong khi đó, nhóm thứ hai sử dụng Metaverse để chỉ một thế giới ảo tổng quát hơn, nơi người dùng có thể gặp nhau để làm việc hoặc giải trí.
Ở hướng đi đầu tiên, Epic Games, nhà sản xuất trò chơi nổi tiếng Fortnite, là một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực sản xuất nội dung metaverse. Hãng mới nhận được khoản đầu tư 1 tỷ USD từ các đối tác để tạo ra "siêu vũ trụ". Thậm chí vào tháng 9 vừa qua, hàng triệu người đã xem nữ ca sĩ Ariana Grande biểu diễn ảo trong game Fortnite của hãng. Roblox cũng là hãng game tự mô tả và coi mình là một phần của metaverse.
ByteDance, công ty mẹ của mạng xã hội TikTok, đã mua lại công ty thực tế ảo (VR) Pico Interactive vào tháng trước. Ngày 3/9, đến lượt Tencent Holdings, công ty game lớn nhất Trung Quốc đăng ký hai nhãn hiệu "Timi Metaverse" và "Kings Metaverse" để mở đường cho tương lai của dịch vụ nhắn tin QQ và game trực tuyến Honor of Kings.
"Gã khổng lồ" về giải trí và truyền thông Disney cũng tuyên bố việc xây dựng "công viên giải trí metaverse" sẽ là bước tiếp theo trong quá trình phát triển của hãng. Minh chứng là từ 2016, Disney đã đầu tư vào các trò chơi VR thông qua dịch vụ video 360 độ. Tilak Mandadi, Giám đốc công nghệ của Disney, cho biết với sự bùng nổ của công nghệ, công viên giải trí trong tương lai không còn bị giới hạn bởi thế giới vật chất.
Hiện tại, các trò chơi Disney Leaping the Horizon hay Pirates of the Caribbean đều dựa trên cảnh thật hoặc sử dụng 3D để đưa du khách đắm chìm trong trải nghiệm "tự nhiên nhất".
Với hướng đi thứ hai, Microsoft gần đây đã đề cập đến việc hội tụ thế giới kỹ thuật số và vật lý và gã khổng lồ đang âm thầm có những bước tiến lớn về AI và thực tế hỗn hợp, để giúp các công ty bắt đầu phát triển ứng dụng metaverse. Katie Kelly, giám đốc sản phẩm chính của Microsoft Mesh, cho biết: "Chúng tôi có thể giải thích các tín hiệu giọng nói của bạn để tạo hình ảnh động cho hình đại diện đó, vì vậy hình ảnh hiện ra và cảm giác như đang chính là bạn… Mục tiêu là vào nửa đầu năm sau, bạn sẽ có thể bước vào một không gian sống động và sau đó có thể cộng tác và sử dụng các công cụ của Microsoft".
Không chỉ những ông lớn công nghệ mới quan tâm đến vũ trụ ảo, nhiều công ty ở các lĩnh vực khác từ nhiều nơi cũng đồng loạt thể hiện tham vọng theo đuổi tương lai công nghệ này. Các công ty thời trang lớn nhất thế giới cũng đã thử nghiệm sản xuất quần áo và phụ kiện ảo, thứ mà mọi người có thể mặc cho nhân vật đại diện (avatar) của mình trong môi trường metaverse.
"Gã khổng lồ" ngành thời trang Nike cũng đã thực hiện những bước đi đầu tiên của mình vào metaverse. Theo thông tin từ kênh CNBC, Nike vừa nộp hồ sơ đăng ký một số nhãn hiệu mới cho thấy ý định của họ trong việc sản xuất và bán hàng hoá (giày và quần áo) ảo. Ngoài việc đăng ký mới cho các nhãn hiệu, Nike cũng đang tìm kiếm nhân sự trong lĩnh vực này. Theo thông tin tuyển dụng của Nike, công ty này gần đây đã đăng tin tuyển dụng nhà thiết kế vật liệu ảo cho giày dép cùng với các vị trí thiết kế ảo khác.
Việc nhiều công ty trong các lĩnh vực cùng tham gia khiến vũ trụ ảo có thể đến sớm hơn dự kiến.
Điều gì đang chờ chúng ta?
Tất nhiên, với những sự kiện tiêu biểu của một giai đoạn- như Metaverse, sẽ có hàng triệu các ý kiến đa chiều về câu chuyện này.
Có nhiều người chờ đón, ủng hộ, có không ít người phản đối, có cả những người hoài nghi, và tất nhiên những người không bình luận.
Những người ủng hộ cho rằng metaverse sẽ mang đến tiềm năng kinh doanh khổng lồ như bán hàng và dịch vụ kỹ thuật số cũng như cơ hội việc làm "vô cực" cho con người. Tuy nhiên, cũng không ít người lo ngại mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo của metaverse sẽ tạo ra tình trạng bất bình đẳng, khi chỉ những người có khả năng chi trả mới không bị quảng cáo làm phiền trong quá trình trải nghiệm. Thêm vào đó, những ảnh hưởng khó kiểm soát của metaverse tới thanh thiếu niên vẫn còn là vấn đề đang bỏ ngỏ.
Trong lúc các thiệt bị in 3D đang thậm chí in cả các bộ phận cơ thể người từ máy, trí tuệ nhân tạo AI đang mỗi ngày gợi ý bạn xem gì, đọc gì, nghe gì trên khắp Facebook, Youtube, Spotify hay Netflix hay giúp các marketer viết quảng cáo, các tác phẩm hội họa NFT (Non-Fungible Token – thuật ngữ chỉ một tài sản số sử dụng công nghệ blockchain) đem đến nguồn thu nhập khổng lồ cho nghệ sĩ…. thì nhiều các tay chơi lớn cũng đang cùng tiến vào vũ trụ ảo, dự kiến sẽ phát triển như vũ bão và hiển nhiên, kéo theo sự tham gia nhiệt huyết, nhanh chóng của các công dân công nghệ số khắp thế giới, những người vô cùng sợ FOMO: chính chúng ta.
Tất nhiên, sẽ có bạn nói với tôi: Thế giới thật vẫn đang quá rộng lớn và đẹp đẽ và bạn chẳng có gì phàn nàn hay có nhu cầu khám phá thêm. Nhưng tại sao không, khi biết song song với thế giới thật, có một siêu vũ trụ, nơi phản ánh chính thế giới thực ấy, và đồng thời mở ra tới vô tận – nơi ta có thể thử nghiệm, và biết đâu lại thấy xứng đáng?
Và dù có thế, những câu hỏi sẽ còn tiếp tục được đặt ra: Metaverse đem lại giá trị gì cho tôi?
Thì tác giả của bài viết tin rằng, câu hỏi bản chất của nó sẽ không bắt đầu từ thế giới ngoại quan, của metaverse hay bất kỳ infini-verse nào, mà sẽ bắt đầu từ nội tại, rằng:
Giữa thế giới VUCA hiện tại, bạn, sẽ tận dụng để đem lại giá trị, hay bảo vệ chính mình và những người xung quanh, với những công cụ kia như thế nào.
Mà điều này, chẳng phải luôn luôn phụ thuộc vào bạn – hay sao?
Đàm Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị