Tại COP26, hơn 40 quốc gia, trong đó có các nước sử dụng nhiệt điện than nhiều như Canada, Ba Lan, Ukraine và Việt Nam, đã cùng cam kết bỏ dần than và ngừng xây thêm các nhà máy nhiệt điện.
Sản xuất điện than là nguyên nhân lớn nhất gây tăng nhiệt độ toàn cầu
Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch được công bố trong Ngày năng lượng của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh.
Theo tuyên bố, sản xuất điện than là nguyên nhân lớn nhất gây tăng nhiệt độ toàn cầu. Chính vì vậy, cần dừng triển khai các dự án điện than; mở rộng quy mô triển khai năng lượng sạch để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Các quốc gia cam kết sẽ cùng làm việc để năng lượng sạch trở thành lựa chọn hợp lý nhất và dễ tiếp cận nhất trên toàn cầu, đồng thời đảm bảo những lợi ích kinh tế và sức khỏe khi chúng ta phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu, các bên tham gia cam kết sẽ nhanh chóng nâng cấp công nghệ kỹ thuật và chính sách trong thập kỷ này để thực hiện được việc chuyển dịch khỏi sản xuất điện than không áp dụng công nghệ thu giữ các bon vào thập niên 2030 trên toàn cầu.
Đồng thời, ngừng cấp giấy phép mới cho các dự án điện than, ngừng xây dựng mới các dự án điện than và chấm dứt nguồn hỗ trợ mới và trực tiếp của chính phủ đối với sản xuất nhiệt điện than trên toàn thế giới.
Làm sao để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0
Nói về các cam kết chuyển dịch từ điện than sang năng lượng sạch, trao đổi với Lao Động ngày 6.11, ông Mark Hutchinson - Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu) cho biết, đây là bước tiến lớn cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu và tái khẳng định vị thế tiên phong của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á.
"Chúng tôi tin rằng cam kết này sẽ giúp tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh các tập đoàn toàn cầu có nhu cầu lớn về sản xuất xanh đang hướng tới chuyển dịch sản xuất về khu vực Đông Nam Á. Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam làm điểm đến trong giai đoạn sắp tới", ông Mark Hutchinson cho hay.
Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, theo ông Mark Hutchinson, cần dừng triển khai các dự án than mới, cũng như đưa ra lộ trình tiến tới loại bỏ các dự án than hiện tại. Với xu hướng toàn cầu chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch, kỉ nguyên than đang khép lại và các dự án than mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động tài chính.
Nhu cầu về điện có thể được đáp ứng bởi các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, cũng như thủy điện, pin tích trữ và các công nghệ khác.
Ngoài ra, điện gió ngoài khơi hiện chưa được triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên gió chất lượng cao tại Việt Nam hoàn toàn có thể được sử dụng cho việc phát triển nguồn tài nguyên điện tiết kiệm và đáng tin cậy này trong những năm tới.
Chi phí điện gió đã giảm mạnh trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục trở nên cạnh tranh hơn khi cơ chế đấu thầu được triển khai. Sau giai đoạn khởi tạo ngành (4-5 GW đầu tiên), điện gió ngoài khơi hoàn toàn có thể cạnh tranh về chi phí với điện than và khí.
Việc phát triển năng lượng tái tạo đang nhận được sự hậu thuẫn rất mạnh mẽ từ ngành tài chính toàn cầu, thông qua trái phiếu xanh, tài chính xanh, cũng như các cơ chế khác. Với cơ chế phù hợp, các tổ chức tài chính toàn cầu sẵn sàng đầu tư nhiều tỉ USD vào phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Xem thêm: odl.791179-naht-neid-na-ud-cac-ob-iaol-nad-0-gnab-gnor-iaht-tahp-tek-mac/et-hnik/nv.gnodoal