Chưa bao giờ ngành du lịch, ngành kinh tế tổng hợp, tạo sinh kế cho hàng triệu người lại lâm vào tình cảnh tiêu điều, khốn khó như hiện nay. Trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch đã có điều kiện cần để bắt đầu quá trình phục hồi.
Dìu nhau vượt khó
Sau gần 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch đã thiệt hại rất nặng nề. Đặc biệt sau lần 4 bùng phát dịch, nguồn lực doanh nghiệp đã hết sức cạn kiệt, du lịch đã "chạm đáy". Theo thống kê sơ bộ, trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước sự kiểm soát được đợt bùng phát dịch lần 4, du lịch nội địa đã được khôi phục bằng sự ráo riết của các cơ quan, ban ngành, của những người làm du lịch...
Mới đây, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cách tính tiêu chí đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp chuyên môn y tế được ban hành là tín hiệu khởi sắc hơn nữa cho ngành du lịch. Đặc biệt một số tỉnh, thành địa phương đồng ý đón khách ngoại tỉnh, các doanh nghiệp, lữ hành đã tổ chức các tour du lịch.
Chia sẻ với PV, ông Vương Trinh Quốc - Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho biết, từ tháng 10.2021, thị xã Sa Pa đã đón khách ngoại tỉnh, các du khách này đến từ vùng xanh, vùng vàng sẽ không cần thêm giấy xét nghiệm COVID-19. Ngược lại, du khách tới từ những địa phương thuộc vùng đỏ và vùng cam mặc dù đã được tiêm vaccine nhưng vẫn phải có giấy xét nghiệm PCR và tuân thủ quy định cách ly tập trung của thị xã.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch, du lịch nội địa đến thời điểm này, nhiều địa phương kiểm soát dịch tốt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, góp phần mở lại các hoạt động kinh tế, dịch vụ, trong đó có du lịch. Hiện nay có nhiều địa phương triển khai việc thí điểm theo từng giai đoạn...
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho rằng, để chuẩn bị cho các hoạt động đón khách đến địa phương, Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, trong phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Nội dung Kế hoạch chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2, từ ngày 16.10 đến hết ngày 15.11.2021 mở rộng việc tổ chức đón khách du lịch trong nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh, khách du lịch có thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19. Và giai đoạn 3, từ ngày 16.11 đến hết ngày 31.12.2021, dự kiến các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Cần lắm một tiếng nói chung
Khởi động lại hoạt động sau đợt dịch lần thứ 4 này, các doanh nghiệp đối mặt với không ít thách thức. Trong đó khó khăn nhất chính là sự thiếu thống nhất về tiêu chí an toàn chung giữa các địa phương.
Hiện nay mỗi địa phương đều tự mình đưa ra các phương án an toàn riêng trong đón khách du lịch, cũng như điều kiện dành cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi chung của toàn ngành.
Ai làm du lịch cũng hiểu việc mở cửa cho nội vùng, nội tỉnh chỉ là bước đầu, còn để du lịch thực sự trở lại thì cần điều kiện liên kết. Do đó, các địa phương cần sớm mở cửa liên vùng và thống nhất các tiêu chí an toàn. Thực tế lãnh đạo một số địa phương cũng nhìn thấy bất cập này.
Tại tọa đàm phục hồi và phát triển du lịch mới đây, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - chia sẻ: “Việc kết nối địa phương là hết sức quan trọng. Chính phủ đã có Nghị quyết 128 để địa phương thống nhất với nhau điều kiện, tiêu chuẩn trong mở cửa phục hồi kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng thì không thể thực hiện mở cửa, phát triển du lịch được”.
Cũng theo ông Giang, sự phối hợp mở tour, tuyến của các tỉnh thành là cần thiết làm ngay trong thời điểm này. Vì nếu để khách đi tự phát sẽ không an toàn và không tạo được hiệu ứng phục hồi, trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Y Yên - Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist, chia sẻ với 18 chi nhánh ở các địa phương mà công ty phải cập nhật thông tin mỗi ngày vì mỗi địa phương có những chính sách khác nhau. Điều này sẽ đặt các doanh nghiệp vào thế khó khi bán tour đại trà cũng như hình thành các sản phẩm mới theo yêu cầu đang thay đổi của du khách.
Trong khi đó, nói với Lao Động, ông Lê Hồng Thái - Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng, doanh nghiệp đã xây dựng 5 nhóm sản phẩm cho khách nội địa với khẩu hiệu "Hanoitourist - du lịch bình thường mới" bao gồm homestay an toàn, khách sạn an toàn, du lịch Mice an toàn, du lịch caravan an toàn và du lịch mùa thu an toàn.
Theo ông Thái, hiện nay không chỉ phải kích cầu mà khôi phục ngành du lịch từng bước một.
“Khách hàng sau thời gian giãn cách không đi được đâu nên giờ rất hào hứng đi. Nếu phục vụ được khách thì phải đưa ra các phương án đảm bảo an toàn, thích ứng, kiểm soát dịch một cách hiệu quả nhất”, ông Thái nói và nhấn mạnh, trước khi tổ chức những việc này phía công ty phải nghiên cứu, đánh giá một chương trình an toàn.
Mặc dù đã có thử nghiệm một số tour như đi trong nội thành Hà Nội, đi Bắc Giang nhưng vẫn còn có nhiều hạn chế.
Theo đó, phương tiện vận tải hành khách chỉ hoạt động 50% công suất nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách. Ví dụ chưa đến 20 khách nhưng vẫn phải đi xe 45 chỗ. “Trước đây đi một tour thì rất đơn giản nhưng bây giờ để hoàn thiện và đi được một tour thì phải hoàn thiện nhiều kế hoạch, nhiều chương trình đặt ra, và cũng rất tốn kém” - ông Thái chia sẻ thêm.
Vào ngày 18.10, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, thống nhất việc xét nghiệm y tế chỉ trong những trường hợp nhất định cho doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch, tổ chức/cá nhân quản lý khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch… Hướng dẫn này sẽ trở thành cơ sở để thống nhất quy định giữa các địa phương.
Thế nhưng, các doanh nghiệp cũng chưa quá vui mừng, vì thực tế cho thấy hướng dẫn từ bộ như vậy nhưng việc thực thi ở từng địa phương không phải lúc nào cũng như kỳ vọng, vì nhiều nơi vẫn đặt tiêu chí đảm bảo an toàn phòng chống dịch lên hàng đầu.
Trong khi đó giai đoạn hiện nay được xem là bước đệm để chuẩn bị cho mùa cao điểm của du lịch nội địa cuối năm, nếu vẫn thiếu đi cái bắt tay, tiếng nói chung giữa các địa phương e rằng ngành du lịch sẽ khó phục hồi như mong muốn.
Làm gì để đạt được khái niệm du lịch an toàn?
PGS-TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, tiếp cận từ góc độ khách du lịch hay doanh nghiệp, ở thời điểm thí điểm này thì vấn đề đặt ra đầu tiên là hộ chiếu vaccine hay giấy thông hành vaccine. Rõ ràng, hộ chiếu vaccine có những ưu điểm như tạo điều kiện đi lại thuận lợi, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho giáo dục và các ngành khác.
Tuy nhiên nó cũng có những hạn chế như, việc phân bổ vaccine chưa đồng đều, không phải nơi nào cũng đảm bảo tiêm chủng đạt mức 70% để người dân đi lại thuận lợi. Ngoài ra, có những thứ liên quan đến quyền của cá nhân, ví dụ khi làm hộ chiếu vaccine, qua mỗi lần xét duyệt thông tin cá nhân có thể ảnh hưởng. Cũng có lo ngại là hộ chiếu vaccine thể hiện phân biệt đối xử với những người đã tiêm và những người chưa được tiêm vaccine. Nguyên Anh