Sau phân bón, xăng dầu, giá thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đồng loạt tăng mạnh đã dồn đẩy lợi nhuận trồng lúa đến bên bờ vực... nhưng với hàng triệu nông dân vùng ĐBSCL, nguy cơ còn đến từ bên ngoài giá vật tư...
Tăng sốc
“Chưa đầy 4 tháng mà giá thuốc BVTV đã tăng thêm 30%”- vừa đến cửa hàng lấy thuốc phun đợt cuối cho lúa vụ 3, anh Nguyễn Văn Ngọc, (Tân Tuyến - Tri Tôn- An Giang) chia sẻ. Theo anh, vụ trước giá các loại thuốc Tilt super 300EC 250ml chỉ 195.000 đồng giờ đã lên 215.000 đồng. Thậm chí như Fuan 40EC 480ml từ 47.000 đồng lên 75.000 đồng. Theo anh Ngọc, nếu tính riêng lẻ, có thể mức tăng này tưởng chừng như cơn gió thoảng, nhưng so với 90 công lúa anh đang trồng thì mức tăng này quả là cơn bão đe dọa lợi nhuận. Theo ghi nhận thực tế tại các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp... đây cũng là thực trạng chung của hàng triệu người trồng lúa vùng ĐBSCL đang hứng chịu. Tuy nhiên, đáng lo hơn là, việc tăng giá thuốc BVTV không chỉ đơn thuần là sự gia tăng giá của một mặt hàng vật tư đầu vào của giá thành sản xuất lúa, mà còn như giọt nước làm tràn chiếc ly của bài toán lợi đầy bất trắc. Bởi trước đó, hàng loạt giá vật tư nông nghiệp (VTNN) như phân bón, xăng dầu đã tăng với tốc độ chóng mặt. Điển hình là giá phân bón, chỉ trong 4 tháng, đã tăng giá gấp đôi và hơn thế nữa. Anh Ngọc than thở: “Vụ Hè thu, giá phân Urea chỉ 420.000đ/bao (50kg), giờ đã tăng lên 880.000đ, đặc biệt là phân DAP đã tăng từ 640.000đ lên hơn 1,3 triệu đồng/bao”. ThS Nguyễn Phước Tuyên - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp - cho biết, khả năng giá phân bón, thuốc BVTV hạ nhiệt trong thời gian ngắn tới là rất khó. “Giá phân bón, thuốc BVTV đang tăng cú đúp”- ThS Tuyên nhấn mạnh: “Bên cạnh nguyên nhân “khách quan” do giá khí, xăng dầu - tức nguyên liệu đầu vào của phân bón, thuốc BVTV - đang tăng do trùng vào thời điểm nhiều quốc gia Châu Âu bước vào mùa Đông, nhu cầu sử dụng nhiên liệu để sưởi ấm tăng cao và ảnh hưởng dịch COVID-19 làm giá cước vận chuyển... còn có nguyên nhân “tại chỗ” là do các nhà máy sản xuất phân bón, thuốc BVTV phải duy trì sản xuất theo quy định “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” và giãn cách xã hội... đã đẩy giá thành sản xuất lên cao”.
Thua trước giờ khai cuộc
Theo các chuyên gia dự báo, giá nhiều mặt hàng VTNN đồng loạt tăng mạnh, không chỉ đe dọa lợi nhuận vụ lúa trước mắt mà còn có khả năng đe dọa đến lợi nhuận của vụ Đông Xuân 2021-2022. Theo tính toán của giới chuyên môn, trong điều kiện các chi phí khác như: Giống, thu hoạch, công lao động và các chi phí khác đều giữ theo mức giá vụ Đông xuân 2020-2021 thì chi phí sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 vẫn sẽ tăng mạnh. “Cụ thể, tại Đồng Tháp, theo mức giá này, ước tổng chi phí sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 sẽ ở mức trên 31 triệu đồng/ha, tăng xấp xỉ 20% so vụ Đông Xuân trước. Theo đó, giá thành sản xuất sẽ ở mức trên 5.000đ/kg, nếu năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha và sẽ là 4.772đ/kg nếu năng suất đạt 6,5 tấn/ha”. Đây sẽ là năm có chi phí đầu tư cao. Vì thế nếu giá lúa không có sự biến động tích cực, hàng triệu người trồng lúa ở ĐBSCL sẽ gặp khó với bài toán lợi nhuận. Bởi hiện giá lúa tại vùng ĐBSCL đang có dấu hiệu nhích lên. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp tăng thu mua để thực hiện các hợp đồng còn kẹt lại do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong khi đó, thị trường lúa gạo thế giới lại luôn chứa đựng những biến động khó lường.
Còn có áp lực bên ngoài giá vật tư nông nghiệp
“Với nông dân chúng tôi, cửa hàng, đơn vị cung cấp phân bón, thuốc BVTV còn hơn cả bác sĩ đối với người bệnh” - anh Ngọc ngước ra bầu trời nửa mưa, nửa nắng như cố dấu đi sự xúc động bởi những thua thiệt mà người nông dân không sao tránh khỏi. Bởi dù công tác khuyến nông có nhiều tiến bộ, nhưng do nhiều lý do về nguồn nhân lực... nên phần lớn người trồng lúa gắn bó và giao trọn niềm tin tư vấn, chọn lựa các loại phân thuốc cho các cửa hàng, đơn vị cung ứng VTNN. Bởi dù có cố gắng theo dõi, nhưng với thị trường đa dạng và sôi động của VTNN như hiện nay và nhất là đa số người trồng lúa mua VTNN theo phương thức thanh toán trả tiền vào cuối vụ, nhiều người trồng lúa giao trọn niềm tin cho các chủ cửa hàng, đơn vị cung ứng. Anh Ngọc đưa ra thí dụ điển hình: “Mỗi khi phát hiện dấu hiệu lạ trên ruộng, nông dân đến cửa hàng, hay liên lạc với công ty cung cấp phân thuốc để nhờ họ kê toa, bốc thuốc”. Và cũng như phần lớn nông dân ở ĐBSCL, nếu sau thời gian sử dụng mà chưa thấy hiệu quả, anh Ngọc tiếp tục chủ động đề nghị nhà cung cấp tăng liều cho vụ phun thuốc, bón phân tới. Cứ thế, nhà nông hoàn toàn lệ thuộc vào sự “cân đo, đong, đếm” của nhà kinh doanh cả về chủng loại và số lượng phân, thuốc. Đó là chưa kể đến “lãi suất” cho các cửa hàng “tính” vào giá thành sau 4 tháng “mua sử dụng trước, thanh toán sau khi thu hoạch”.
Khó khăn bao vây và dồn đẩy lợi nhuận đến “chân tường”, nhưng xem ra không dễ để cải thiện. Nông dân đang đứng trước thế "tiến thoái lưỡng nan" rất cần sự chia sẻ và đồng cảm để nông nghiệp thực sự là bệ đỡ cho nền kinh tế trong cơn bão dịch COVID-19.
Xem thêm: odl.926179-ohk-pag-lcsbd-gnuv-nad-gnon-hnam-gnat-tav-cuht-ev-oab-couht-aig/et-hnik/nv.gnodoal