Việt Nam đang cần cơ chế cấp vốn khẩn cấp và sáng tạo để hỗ trợ các DN có vốn phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: chuẩn bị xuất khẩu thiết bị cơ khí Việt Nam đi nước ngoài - Ảnh: D.S.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay về bản chất là một cuộc khủng hoảng sức khỏe, sau đó lan rộng ra nền kinh tế. Vì vậy, chỉ khi cuộc khủng hoảng sức khỏe được dập tắt thì kinh tế mới phục hồi.
Một cơ chế cấp vốn khẩn cấp và sáng tạo có thể giúp hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng không gây quá nhiều áp lực cho các ngân hàng. Một trong những lựa chọn là thu xếp bảo lãnh tín dụng... vì các quốc gia khác đang làm như vậy, để Chính phủ chia sẻ rủi ro với các ngân hàng.
Ông Andrew Jeffries
Nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn ổn định
Thực tế cho thấy kinh tế toàn cầu đang phục hồi theo hai hướng. Các nước phát triển với tỉ lệ dân số được tiêm chủng cao sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn các nước có tỉ lệ dân được tiêm chủng thấp. Sự chậm trễ trong việc tiêm chủng ở các nước đang phát triển đã cản trở hy vọng phục hồi nhanh.
Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn ổn định. Với những yếu tố hết sức quan trọng như tỉ lệ lớn dân số có năng lực kinh doanh và tầng lớp thu nhập trung bình đang gia tăng; khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường vào các thị trường lớn tốt thông qua các FTA; một lực lượng lao động trẻ và tài năng; và một Chính phủ cam kết đổi mới và hành động..., chúng tôi hoàn toàn lạc quan về triển vọng trong trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam.
Sự phục hồi kinh tế của các nền kinh tế phát triển, dù vẫn ở giai đoạn đầu, đã thúc đẩy thương mại toàn cầu, đưa thương mại của Việt Nam tăng 32% trong sáu tháng đầu năm 2021. Hơn nữa, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, cũng như phục hồi tăng trưởng ở EU và Nhật Bản, là những dấu hiệu tốt cho xuất khẩu của Việt Nam.
Ông ANDREW JEFFRIES
6 tháng tới rất quan trọng
Có nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một kế hoạch phục hồi kinh tế. Điều này là quan trọng. Từ nay đến tháng 4-2022, khi hơn 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ, là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng với các doanh nghiệp (DN) và sức khỏe của nền kinh tế. Đây chính là khoảng thời gian các DN phải đối mặt với nhiều thách thức nhất.
Khoảng 50% lực lượng lao động của Việt Nam là ở các DN vừa và nhỏ, và những DN này có ít nguồn lực và khả năng phục hồi. Vì thế, những gì diễn ra trong sáu tháng tới có thể ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ phục hồi kinh tế và do đó làm chậm lại thời điểm đạt được các kỳ vọng kinh tế trung hạn, kéo chậm quá trình hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế dài hạn.
Việt Nam cần lưu ý đến những biện pháp mang tính cấp bách cho sáu tháng tới đây. Trước hết, cần tiếp tục mua vắc xin và triển khai việc tiêm chủng.
Thứ hai, cần hiểu rằng từ nay đến khi đạt được 70% dân số được tiêm chủng, luôn có khả năng gia tăng trở lại các ca nhiễm mới. Nhưng phải đảm bảo rằng ba yếu tố như động mạch của nền kinh tế phải được bảo vệ an toàn và duy trì, đó là nguồn cung cấp thực phẩm, nguồn cung lao động và giao thông vận tải.
Thứ ba, cần tăng chi tiêu của Chính phủ cho an sinh xã hội, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm dễ bị tổn thương như lao động phi chính thức và đối tượng thất nghiệp. Chi tiêu cho an sinh xã hội trong đại dịch của Việt Nam là khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
Việc triển khai các hỗ trợ cần phải linh hoạt hơn để đảm bảo tiền hỗ trợ được chuyển nhanh chóng và kịp thời đến các nhóm đối tượng được thụ hưởng. Sẽ có thể xảy ra những sai sót, nhưng không vì thế mà chậm trễ trong việc thực hiện.
Thứ tư, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Điều quan trọng hơn là VN phải giải ngân hết vốn đầu tư công đã được phân bổ. Khoảng 250.000 tỉ đồng (tương đương 10 tỉ USD) vốn đầu tư công dự kiến cho năm 2021 vẫn chưa được giải ngân. Mỗi lý do cho chậm giải ngân cần được xem xét để có thể giải quyết nhanh chóng.
Cuối cùng là hệ thống ngân hàng. Áp lực đang gia tăng lên hệ thống này trong việc hạ lãi suất. Tuy nhiên, các khoản nợ xấu đang gia tăng, hiện ước tính khoảng 7% tổng dư nợ, có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế trong trung hạn. Ngoài ra, các ngân hàng bị ràng buộc với tỉ lệ 40% vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn. Các DN có dòng tiền lành mạnh nhưng không có tài sản thế chấp sẽ không thể tiếp cận các khoản vay.
Trong bối cảnh này, một cơ chế cấp vốn khẩn cấp và sáng tạo có thể giúp lấp đầy khoảng trống này để hỗ trợ các DN nhưng không gây quá nhiều áp lực cho các ngân hàng. Một trong những lựa chọn có thể là thu xếp bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng vì các quốc gia khác đang làm như vậy, để Chính phủ chia sẻ rủi ro với các ngân hàng.
Theo đuổi "chỉ tiêu" vắc xin
Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam kịp thời chuyển sang chiến lược mới nhằm thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19. Nhưng những vướng mắc trong việc triển khai chưa giúp Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Kể từ khi dịch bùng phát, mọi biện pháp sức khỏe đều trở thành một biện pháp kinh tế quan trọng. Như vậy, chính sách kinh tế quan trọng nhất và trước hết trong thời điểm này là mua vắc xin và tiêm phòng. Bất chấp sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin toàn cầu, nhờ những nỗ lực của Chính phủ, Việt Nam vẫn có được một lượng vắc xin đáng kể và đã tiêm cho hơn 60% dân số với ít nhất một liều vắc xin.
TTO - Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2021, Thủ tướng yêu cầu thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần quản lý rủi ro và đẩy mạnh phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…