Thiên tài thiếu niên
Lý Nhất Nam sinh năm 1970 tại Hồ Nam (Trung Quốc). Năm 1985, anh thi vào được lớp thiếu niên kỳ đầu của trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung khi chỉ mới 15 tuổi.
Năm 1992, Lý Nhất Nam vào thực tập ở Huawei. Thời điểm này, Huawei chỉ là một công ty nhỏ với nhân viên chưa tới 200 người và thu nhập mỗi năm không quá 100 triệu NDT (hơn 354 tỷ VND). Đến đây, Nhậm Chính Phi (người sáng lập kiêm tổng giám đốc Huawei) đã nhìn thấy được tài năng của Lý Nhất Nam nên đã đưa anh vào đội nghiên cứu và phát triển.
Năm 1993, Lý Nhất Nam tốt nghiệp Đại học và chính thức vào làm việc tại Huawei. Vì thời gian thực tập thể hiện năng lực xuất sắc nên Nhậm Chính Phi đã sắp anh vào vị trí kỹ sư công nghệ chỉ sau 2 ngày làm việc và nửa tháng sau chính thức bổ nhiệm anh thành kỹ sư trưởng bộ phận.
Không lâu sau, Lý Nhất Nam một bước lên vị trí Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển trung ương. Trong thời gian nửa năm, Lý Nhất Nam đã nhảy lên được ba cấp bậc trong công ty, tạo nên một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử Huawei.
Thế nhưng đây chỉ là khởi đầu, vì hai năm sau, Lý Nhất Nam lại tiếp tục thăng tiến lên vị trí Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển. Không lâu sau, thiên thời địa lợi nhân hòa giúp Lý Nhất Nam trở thành Phó tổng giám đốc thường vụ, bước vào tầng lãnh đạo hạt nhân của Huawei. Thời điểm này, Lý Nhất Nam chỉ mới 27 tuổi.
Lúc này, Lý Nhất Nam nắm trong tay 1 tỷ NDT (hơn 35 nghìn tỷ VND) giá trị dòng sản phẩm của Huawei. Mỗi quyết định của anh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của Huawei. Sự thành công của chàng trai trẻ Lý Nhất Nam khiến người khác phải ngưỡng mộ.
"Thái tử Huawei" lắm tài nhiều tật
Những người được coi là thiên tài thì ngoài sự thông minh ra, tính cách của họ cũng có điểm không giống như người bình thường. Lý Nhất Nam cũng vậy.
Bên cạnh năng lực nghiệp vụ xuất sắc, Lý Nhất Nam còn nổi tiếng với tính khí cáu gắt và hay nổi nóng. Trong trí nhớ của nhiều nhân viên, anh như một Nhậm Chính Phi thứ hai, mỗi lần nổi nóng thì không cho người khác chút thể diện nào.
Đến năm 1998, Nhậm Chính Phi cảm thấy Lý Nhất Nam đã đưa bộ phận nghiên cứu và phát triển lên tầm cao mới. Ông đã điều Lý Nhất Nam đến bộ phận thị trường. Đến đây, một người không giỏi giao tiếp xã hội như Lý Nhất Nam đương nhiên gặp nhiều trở ngại. Điều này khiến anh cho rằng Nhậm Chính Phi đang cố gắng kèm cặp và khống chế anh, từ đó nảy sinh sự bất mãn và thất vọng.
Thế nhưng, Lý Nhất Nam vẫn ra sức để phát triển Huawei trở thành công ty "đầu tàu" trong lĩnh vực công nghệ truyền thông với giá trị 20 tỷ NDT (hơn 70 nghìn tỷ VND). Chỉ tiếc là cùng với sự phát triển không ngừng của Huawei, Lý Nhất Nam cũng có "tư tưởng" khác.
Năm 2000, Nhậm Chính Phi dự đoán được thời kỳ đóng băng chưa từng có sắp tới của ngành truyền thông và để giúp nhân viên công ty tránh được rủi ro nên ông đã ban bố chính sách sáng nghiệp nội bộ, cổ vũ nhân viên chủ động tạo lập công ty cho riêng mình và thực hiện một số nghiệp vụ không chính thức của Huawei. Lý Nhất Nam (30 tuổi) đã nhân cơ hội này đề đơn từ chức bất kể cho nỗ lực níu kéo của Nhậm Chính Phi.
Theo quy định nhân viên từ chức, công ty phải mua lại toàn bộ cổ phần mà nhân viên đang nắm giữ (nếu có). Thế nhưng lúc bấy giờ, Huawei không thể đưa ra được đủ tiền mặt. Thế là Nhậm Chính Phi đã cung cấp cho Lý Nhất Nam trang thiết bị trị giá 10 triệu NDT (hơn 35 tỷ VND).
Đồng thời, Lý Nhất Nam ký một bản hiệp định với Huawei, cam kết không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Huawei, không lấy đi đội ngũ cốt cán của Huawei, không độc lập sản xuất sản phẩm thiết bị, chỉ đại diện thực hiện sản phẩm truyền thông số liệu và bộ định tuyến của Huawei.
Thế nhưng nhiều năm sau, Lý Nhất Nam đã vi phạm hiệp định này.
Cái giá phải trả của thiên tài tham vọng
Lý Nhất Nam đã sử dụng các trang thiết bị mà Nhậm Chính Phi cung cấp để thành lập nên Harbour Network Limited. Vì bản thân Lý Nhất Nam đã có tiếng tăm trong giới điện tử công nghệ nên ngay sau khi anh thành lập công ty riêng, nhiều nguồn vốn đầu tư ào ạt đổ đến.
Đặc biệt nhất là Warburg Pincus (Hoa Bình Tư Bản – Công ty đầu tư có vốn sở hữu tư nhân hàng đầu quốc tế) đầu tư vào 19 tỷ NDT (hơn 67 nghìn tỷ VND), Temasek Holdings (một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore) cũng theo sau đó.
Vừa có tiền vừa có chỗ dựa, tham vọng của Lý Nhất Nam trở nên to lớn và anh khát khao có nhiều nhân tài về dưới trướng của mình. Thế là Lý Nhất Nam đã bắt đầu "cướp người" từ Huawei.
Theo thống kế, Lý Nhất Nam đã "cướp" đi hơn 1000 nhân công chủ chốt của Huawei, thậm chí còn mua chuộc nhân viên của phòng nghiên cứu phát triển để lấy thông tin kế hoạch của Huawei.
Dưới sự dẫn dắt của Lý Nhất Nam, Harbour Network Limited đã trở thành công ty có thu nhập 1 tỷ NDT (khoảng 3,5 nghìn tỷ VND) mỗi năm chỉ sau 3 năm phát triển, rút ngắn khoảng cách chênh lệch trên thị trường cùng lĩnh vực với Huawei.
Không những thế, từ văn hóa doanh nghiệp cho đến kết cấu tổ chức của Harbour Network đều đi theo đường lối của Huawei. Người trong ngành còn xưng Harbour Network là "tiểu Huawei".
Thời gian ban đầu, Nhậm Chính Phi không hề để tâm đến sự nghiệp của Lý Nhất Nam. Mãi đến năm 2003, Nhậm Chính Phi mới cảm nhận nguy cơ khi Lý Nhất Nam thu mua Joint Group và quyết định ra tay áp chế.
Năm 2004, Nhậm Chính Phi chính thức thực hiện kế hoạch "tiêu diệt Harbour Network" bằng phương pháp chiêu mộ các kỹ sư và lập trình viên chủ chốt Harbour Network với lương cao, đồng thời cướp đi toàn bộ dự án của Harbour Network.
Dưới sự chèn ép và chặn đứng mọi nguồn hỗ trợ trên toàn bộ phương diện của Huawei, Harbour Network lâm vào tình tế không thể cầm cự nổi. Giới tư bản đầu tư "ngửi mùi" được động thái của Huawei nên lần lượt rút khỏi cuộc chiến. Harbour Network cuối cùng phải bước đến tuyệt cảnh không thể ngóc đầu nổi.
Năm 2006, Huawei mua lại Harbour Network với mức giá 1,7 tỷ NDT (hơn 6 nghìn tỷ VND).
Thế nhưng, Nhậm Chính Phi vẫn chừa lại đường lui cho Lý Nhất Nam. Ông để Lý Nhất Nam một lần nữa đảm nhiệm chức Phó chủ tịch Huawei, thế nhưng chỉ có danh mà không có quyền.
Lý Nhất Nam đương nhiên không thể chấp nhận tình cảnh này. Một năm sau, anh đã rời khỏi Huawei.
Sau đó, Lý Nhất Nam đã "bơi lội" khắp các công ty mạng điện tử, đảm đương với nhiều vị trí cấp bậc khác nhau. Trong đó, tháng 10/2008, anh làm Giám đốc công nghệ cho Baidu. Đến tháng 1/2010, anh gia nhập China Mobile và chỉ công tác nửa năm.
Sau khi rời khỏi China Mobile, Lý Nhất Nam vẫn ôm giấc mộng quyền lực. Cuối cùng, Lý Nhất Nam đã gia nhập GSR Ventures và anh đã dùng khoản tiền đầu tư 3 triệu NDT (hơn 10 tỷ VND) để nâng nó lên đến con số lợi nhuận 1 tỷ NDT (hơn 3,5 nghìn tỷ VND).
Tháng 4/2015, Lý Nhất Nam đầu tư vào ngành kỹ thuật xe điện cho giới trẻ và tuyên bố đây sẽ là lần tạo dựng sự nghiệp cuối cùng của anh.
Thế nhưng truyền thông bỗng dưng bùng nổ với tin tức Lý Nhất Nam bị bắt. Năm đó, Lý Nhất Nam chỉ mới 45 tuổi.
Sự việc bắt nguồn từ tháng 4/2014, trong khi công ty Vũ Hán Hoa Trung CNC đang trong thời kỳ tái tổ chức lại thì tài khoản của em gái, em rể và mẹ ruột của Lý Nhất Nam đã mua về số lượng lớn cổ phiếu của công ty trên và lợi nhuận lên đến 7 triệu NDT (hơn 24 tỷ VND). Trước đó, Lý Nhất Nam đã nhiều lần liên hệ và tiếp xúc với chủ tịch của Vũ Hán Hoa Trung CNC.
Cũng có thể nói, Lý Nhất Nam đã vi phạm pháp luật. Anh đã lợi dụng mỗi quan hệ để tìm hiểu trước những vấn đề nội bộ giao dịch chứng khoán và trục lợi thông qua các tài khoản của người thân.
Lý Nhất Nam đã bị kết án 2 năm và 6 tháng tù giam, đồng thời phạt tiền 7,5 triệu NDT (hơn 26 tỷ VND).
Tháng 1/2018, Lý Nhất Nam lần đầu tiên xuất hiện lại sau thời gian ở tù tại buổi tiệc cuối năm của công ty xe điện. Thế nhưng công ty này cũng không còn thuộc về anh.
Đến tháng 9/2020, truyền thông đưa tin Lý Nhất Nam đã gia nhập vào công ty bên mảng xe hơi. Thế nhưng anh đã kín tiếng hơn, không còn bất kỳ sự kiện to lớn nào xảy ra nữa.
Lý Nhất Nam dần biến mất sau sự theo dõi của công chúng. Truyền thông cũng không còn đưa tin về anh. Đến nay, Lý Nhất Nam chỉ mới 51 tuổi, nhưng anh đã trải nghiệm được nhiều bài học đắt giá trên thương trường và cả cuộc sống.
Phan
Pháp luật và bạn đọc