Xử lý trường hợp F0 trong trường học an toàn
Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp từ năm 2020 đến nay. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 đã ảnh hưởng tới tất cả lĩnh vực trong đó y tế và giáo dục
Theo đánh giá chung, năm 2021, nhiều địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh công tác ban hành các hướng dẫn đảm bảo an toàn trường học đối với các địa phương có học sinh học trực tiếp thì Bộ GDĐT cũng ban hành nhiều kế hoạch nhằm giúp các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn cho học sinh sinh viên khi học tập trên môi trường Internet.
Thứ Trưởng Minh cho hay với nghị quyết 128 thích ứng an toàn của Chính phủ, Việt Nam đã chuyển từ chiến lược không có Covid-19 sang thích ứng an toàn. Bộ Y tế đã có những hướng dẫn để học sinh có thể quay trở lại trường.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trong năm học 2021-2022, việc đưa học sinh trở lại trường vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, cần phải nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh về tiêm chủng vắc xin, đeo khẩu trang cho trẻ. Nhà trường phải đảm bảo phòng học thông thoáng và các quy định phòng chống dịch.
Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong cơ sở giáo dục - Ảnh Ngọc Minh.
Bên cạnh đó, các địa phương cần phải tập huấn trong trường hợp học sinh là F0 để tránh tâm lý kỳ thị và tránh gây tổn thương nếu như xuất hiện ca F0 trong trường học.
Ông Vương Chí Nam, Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế, cho hay quan điểm của Bộ Y tế phải đảm bảo an toàn khi trẻ đến trường. Các trường hợp được đến trường học trực tiếp sẽ phân theo cấp độ dịch.
Khi trẻ tới trường cần phải đảm bảo mỗi trẻ một cốc uống nước và đồ dùng vệ sinh riêng. Tại trường cần có nơi rửa tay cho trẻ với xà phòng. Cần phải lưu ý học sinh không nên đưa tay lên mắt, mũi miệng. Hướng dẫn học sinh khi ho, hắt hơi đúng cách.
Cũng theo ông Nam, trong trường hợp có người nghi mắc COVID-19 trong nhà trường, cần phải thông báo cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn Covid cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh; cung cấp khẩu trang và hướng dẫn cách đeo đúng; yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người xung quanh và hạn chế tiếp xúc dưới 2m.
Bên cạnh đó, cần phải thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi nhiễm đến phòng cách ly tạm thời; hướng dẫn trường hợp nghi nhiễm di chuyển lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định sử dụng.
Ông Nam cũng cho biết thêm, nếu có các trường hợp nghi nhiễm tại trường học cần gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (Số điện thoại 19009095) hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương để được tư vấn xét nghiệm SARS-CoV-2 và nếu cần thì đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị; tuyệt đối không dùng phương tiện công cộng để di chuyển ca nghi nhiễm đến cơ sở y tế; lập danh sách các trường hợp tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại nơi làm việc khi cơ quan y tế yêu cầu.
Theo ông Nam, khi xác định có trường hợp Covid-19 trong trường học, sẽ phong tỏa tạm thời ngay toàn bộ trường học; lập tức tách F0 và đưa F0 đi cách y theo đúng quy định; rà soát tất cả học sinh, giáo viên, người lao động có triệu chứng nghi ngờ; tổ chức việc cách ly tạm thời tại trường học các ca bệnh nghi ngờ và tổ chức lấy mẫu đơn tại một khu vực riêng.
95% trẻ em chỉ định tiêm chủng vắc xin Covid-19
Liên quan tới vấn đề tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Cục Y tế dự Phòng (Bộ Y tế) cho hay Bộ Y tế đã có nhiều công văn, quyết định và công điện hướng dẫn và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ. Nguyên tắc là mở rộng đối tượng tiêm chủng tuổi từ cao hạ xuống thấp và phải căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc xin, tình hình dịch bệnh và độ bao phủ cho nhóm 18 tuổi trở lên phải đảm bảo.
Theo Bộ Y tế, phải đảm bảo tối đa 95% trẻ em chỉ định tiêm chủng vắc xin Covid-19 phải tiêm đủ liều cơ bản. Trong quá trình tiêm phải đảm bảo an toàn.
Buổi họp trực tuyến - Ngọc Minh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi đã đạt trên 75%. Tại các tỉnh miền Nam, tỷ lệ người tiêm vắc xin sẽ cao hơn.
Theo nhận định của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), tình hình dịch năm 2021 và 2022 vẫn còn phức tạp và không biết có xuất hiện biến chủng mới hay không. Do vậy các nước đã thay đổi cách chống dịch sang sống thích ứng an toàn.
Sở Y tế cần phải kiểm tra các trường học đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch. Theo đó hiệu trưởng là trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch. Các trường phải xây dựng kịch bản khi có một trường hợp F0 cần phải xử lý ra sao phù hợp với từng trường (kế hoạch phải được ban chỉ đạo phê duyệt); căn cứ vào cấp độ dịch để quyết định cho học sinh đi học theo hình thức nào. Việc cho trẻ đi học cần phải rất linh hoạt theo cấp độ dịch của địa phương.
Trả lời vấn đề học sinh đi học có cần 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách hay không, Thứ trưởng cho biết đã có quy định rất rõ trong công văn 1583 (Bộ GD&ĐT) không yêu cầu đeo khẩu trang và ngồi giãn cách trong trường lớp.
Liên quan tới vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ em, Thứ trưởng Tuyên cho hay Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn cho trẻ em từ 12-17 tuổi và tiêm từ độ tuổi cao xuống thấp, tuy nhiên vẫn phải ưu tiên cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Để tiêm được cho trẻ cần phải có sự thống kê lập danh sách để tất cả trẻ tiếp cận được vắc xin. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền về việc tiêm vắc xin, tác dụng phụ để phụ huynh học sinh đưa trẻ đi tiêm ở mức độ cao nhất.
Trước câu hỏi nếu học sinh chưa tiêm vắc xin có được đến trường hay không, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Đối với trẻ đã tiêm và chưa được tiêm, Bộ Y tế đã có hướng dẫn căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương để quyết định... Theo hướng dẫn đó, các địa phương ở cấp độ 1 có thể cho các trẻ chưa tiêm và đã tiêm đến trường học trực tiếp. Đối với cấp độ 2 trẻ vẫn có thể vẫn đến trường học nhưng phải giảm tải và giữ khoảng cách kết hợp với học trực tuyến".
Theo Thứ trưởng Minh, cần phải để trẻ sớm được đến trường an toàn vì việc học online kéo dài có thể ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của trẻ. Vấn đề này đã được các chuyên gia phân tích đánh giá. Do vậy, ở những địa phương cấp độ dịch ở mức độ 1 và 2 cần tạo mọi điều kiện cho học sinh đi học trực tiếp, ngay cả mầm non cũng cần phải được đến trường.
Ngọc Minh
Doanh nghiệp & Tiếp thị