Văn bản hướng dẫn hồi tháng 5 yêu cầu doanh nghiệp phải giảm từ 50% trở lên mới được lùi đóng kinh phí công đoàn. Còn theo quyết định mới của Tổng Liên đoàn lao động, điều kiện lùi đóng đã được nới lỏng.
Sau ngày 31/12, doanh nghiệp vẫn phải đóng bù kinh phí công đoàn trong thời gian tạm lùi. Theo quy định, mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Số người bị ảnh hưởng gồm ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương.
Ba tháng trước, 14 hiệp hội, ngành hàng từng kiến nghị cho doanh nghiệp tại địa bàn thực hiện Chỉ thị 16 được miễn đóng kinh phí công đoàn từ tháng 8 đến hết năm. Các hiệp hội đồng thời đề xuất được dừng thu phí công đoàn, đoàn phí công đoàn đến 30/6/2022 cho doanh nghiệp có 15% lao động trở lên phải tạm nghỉ việc; cho doanh nghiệp dùng quỹ công đoàn đang kết dư tại cơ sở để trả chi phí test nhanh, xét nghiệm, hỗ trợ người lao động đang gặp khó khăn. Song theo Tổng liên đoàn, việc miễn giảm phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được Quốc hội thông qua, vì quy định này nằm trong Luật.
Chính phủ hôm 9/9 cũng đề nghị Tổng liên đoàn lao động xem xét miễn nộp phí công đoàn năm 2021-2022 cho người lao động tại doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép doanh nghiệp được giảm kinh phí công đoàn cùng thời gian trên.
Sự bùng phát mạnh của làn sóng dịch lần thứ tư cùng với các đợt áp dụng Chỉ thị 16 liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Trong 8 tháng đầu năm, hơn 85.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường, một phần ba số này là doanh nghiệp TP HCM.
Hồng Chiêu