Thuốc lá nhập lậu. Ảnh: D.K
Thuốc lá thế hệ mới: Nhập lậu, bán công khai
Thử gõ từ khoá "thuốc lá điện tử" trên khung tìm kiếm của Facebook, ngay lập tức sẽ thấy rất nhiều cá nhân, nhóm chuyên mua bán mặt hàng này, bao gồm hội kín và nhóm công khai. Có nhóm hơn 15.000 thành viên, mua bán sôi nổi, mỗi ngày đăng tới hàng chục nội dung bán hàng. Giá cả thượng vàng hạ cám, nhưng đa phần là hàng Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm đo bằng niềm tin người mua dành cho người bán, và khả năng quảng cáo của "chủ thớt". Không chỉ giao dịch trên mạng, đã có nhiều nơi buôn bán công khai thuốc lá điện tử trên các tuyến đường trung tâm trong vỏ bọc nhà hàng, quán ăn.
Sản phẩm đa dạng nhiều kiểu dáng bắt mắt, tinh dầu cũng đủ mùi vị để thu hút người mua, đồng thời người bán cũng "khoác" cho công dụng "cai thuốc lá". Nhưng khi bị hỏi có bằng chứng nào từ nhà sản xuất chứng minh sản phẩm giúp cai nghiện được thuốc lá điếu không, thì người hỏi nhận được… im lặng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết rằng, trên thế giới, các sản phẩm hợp pháp được phép thương mại phải nêu rõ là sản phẩm không dùng để cai nghiện thuốc lá, vẫn chứa các thành phần gây nghiện và gây hại với hàm lượng thấp hơn so với thuốc lá điếu và chỉ dành cho người đang hút thuốc có nhu cầu chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm không khói giảm tác hại. Do vậy, việc tạo thông tin lệch lạc về các sản phẩm này là "chiêu bài" của các tay buôn lậu để gia tăng lợi nhuận.
Trong một lần trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Thân Đức Công, cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, cho biết trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã tịch thu, xử lý trên 51.700 đơn vị gồm máy vape, cây hút, điếu hút, chai tinh dầu các loại sử dụng cho thuốc lá thế hệ mới nhập lậu. Trong khi đó năm 2020, cơ quan chức năng cũng đã tịch thu 181.898 đơn vị gồm máy vape, cây hút, điều hút, chai tinh dầu sử dụng cho thuốc lá thế hệ mới nhập lậu.
Riêng tại TP.HCM tình hình cũng khá phức tạp khi mỗi năm phát hiện và xử lí cả hàng chục, thậm chí cả trăm vụ buôn lậu thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Các cơ quan chức năng TP.HCM từng phát hiện và thu giữ lô hàng gồm hàng trăm sản phẩm thuốc lá làm nóng theo đường hàng không từ Nga về TP.HCM với tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) trong một lần trả lời TTO đã nhìn nhận, tình trạng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà không có kiểm soát, với số lượng ngày càng gia tăng, khiến thất thu ngân sách nhà nước là rất lớn. Bên cạnh đó gánh nặng công tác quản lý, truy bắt buôn lậu ngày càng tăng nhưng thiếu khung chế tài xứng đáng.
WHO: Thuốc lá lậu tràn lan ảnh hưởng đến chính sách kiểm soát thuốc lá quốc gia
Trong hơn 4 năm qua, kể từ sản phẩm nhập lậu đầu tiên của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có mặt ở thị trường nước ta, rất nhiều hội thảo, toạ đàm đã được tổ chức nhằm đánh giá tình hình tác động của sản phẩm này đến nhiều góc độ khác nhau, từ kinh tế, an ninh trật tự đến sức khoẻ cộng đồng,…
Một số ý kiến cho rằng hiện Việt Nam chưa nên cho phép thương mại thuốc lá thế hệ mới trong bối cảnh thuốc lá điếu vẫn là gánh nặng xã hội và y tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc không quản lý hoặc cấm cực đoan khó làm cho tình trạng buôn lậu giảm đi. Mặt khác, thuốc lá điếu vẫn là mặt hàng kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, do vậy cần xem xét đối với một số loại thuốc lá thế hệ mới phù hợp với định nghĩa về sản phẩm thuốc lá theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, cần sớm xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, bao gồm việc làm rõ định nghĩa về thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử và các nội dung liên quan; nội dung về tiêu chuẩn, quy chuẩn lưu thông trên thị trường cùng các quy định về quản lý việc sản xuất, đầu tư, mua bán, nguyên liệu; việc quảng cáo sản phẩm, hàng hoá. Việc này cũng nhằm thực hiện chỉ đạo nhiều lần của Chính phủ, mà mới nhất là công văn 8750 ban hành vào tháng 10-2020, một lần nữa yêu cầu các bộ ngành khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và trình Thủ tướng vào cuối năm 2020.
Nhận thấy mối de doạ của nạn buôn bán trái phép thuốc lá thế hệ mới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nêu rõ nếu để các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện diện trên thị trường mà thiếu sự quản lý sẽ đe doạ việc thực thi chiến lược kiểm soát thuốc lá của quốc gia, ảnh hưởng tới nỗ lực cải thiện tình trạng sử dụng thuốc lá được thiết lập bởi Công ước FCTC.
WHO khuyến cáo, mỗi quốc gia cần cân nhắc tới thực trạng tiêu thụ thuốc lá của mình, nếu việc ngăn cản sự hiện diện các sản phẩm này là không khả thi thì cần phải đưa những sản phẩm này vào quản lý và chịu sự kiểm soát của luật phòng chống thuốc lá của nước sở tại.
Việt Nam là nước mở cửa, đặc biệt là biên giới giáp những nước có tỷ lệ buôn lậu cao như Campuchia, Trung Quốc. Do vậy, khó tránh khỏi tình trạng những sản phẩm thuốc lá mới sẽ liên tục xâm nhập vào thị trường. Không thể cứ giữ tư tưởng "quản không được thì cấm". Vì việc cấm không phải là chính sách lâu dài trước sự đa dạng của thị trường thuốc lá thế hệ mới.
Đến nay thực tế thị trường chỉ mới chỉ có thuốc lá điện tử hệ thống đóng, thuốc lá điện tử hệ thống mở, thuốc lá làm nóng, shisa, nhưng trên thế giới còn có những sản phẩm khác như thuốc lá điện tử không chứa nicotin, hay thuốc lá ngậm, nhai, xịt… và gần đây nhất FDA cũng cho một dòng sản phẩm thuốc lá ngậm được phép thương mại.
Do vậy, việc có cơ chế định hướng quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang có mặt hiện nay, dù cho phép chính thức hay thí điểm cũng là điều kiện để đánh giá tính chất quản lý, bản lề cho việc quản lý các sản phẩm mới trong tương lai.
Xem thêm: mth.18695755090111202-oan-eht-yl-nauq-nac-iom-eh-eht-al-couht/nv.ertiout