vĐồng tin tức tài chính 365

Khơi thông nguồn lực phục hồi kinh tế (*): Cải cách để phát triển bền vững

2021-11-09 09:39

Có rất nhiều nguồn lực tưởng cũ nhưng có thể tháo gỡ tắc nghẽn để tạo động lực mới giúp nền kinh tế có khả năng cạnh tranh bền vững trong tương lai mà không cần huy động ngân sách nhà nước. Chẳng hạn, nguồn lực từ thị trường nhân tố sản xuất, thị trường đất đai, lao động, công nghệ, cải cách thủ tục hành chính...

Thử nghiệm cải cách đột phá

TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - cho hay ông quan tâm đến những giải pháp đột phá về mặt thể chế để khơi dậy tiềm năng phát triển lâu dài hơn các gói giải pháp tiền tệ, tài khóa ngắn hạn. Theo đó, cấp thiết phải có gói giải pháp phi tài chính, cụ thể là gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù. "Quốc hội đang bàn và quyết định cơ chế đặc thù cho các địa phương. Chính phủ dự kiến áp dụng các thủ tục hành chính rút gọn để đẩy mạnh đầu tư công trong 2 năm phục hồi nền kinh tế trước mắt. Cụ thể, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, hạn chế thanh - kiểm tra; thực hiện tối đa các thủ tục trên nền tảng trực tuyến. Việc áp dụng cơ chế đặc thù, rút gọn trong 2 năm này sẽ là bước thử nghiệm cần thiết cho những cải cách thể chế đột phá được kỳ vọng trong những năm tiếp theo" - TS Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Khơi thông nguồn lực phục hồi kinh tế (*): Cải cách để phát triển bền vững - Ảnh 1.

Cần hướng tới xây dựng các “siêu đô thị” hiện đại, thông minh, đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa với nền kinh tế. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh việc đẩy mạnh cải cách về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có thể giúp phát huy được sức mạnh toàn dân, không để nền kinh tế Việt Nam lỡ nhịp so với tiến trình phục hồi của thế giới. "Chính niềm tin và những cải cách thể chế mạnh mẽ, thực chất chứ không phải các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế nước nhà" - ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), một trong 5 trụ cột quan trọng để hồi phục kinh tế là cải cách thể chế và thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Ông bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành chương trình cải cách hành chính tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết tranh chấp đầu tư, thương mại... "Cần sự đồng thuận chính trị trước thách thức chưa từng có mà đất nước đang trải qua để thực hiện thành công chương trình phục hồi kinh tế" - TS Nguyễn Đình Cung nói.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói đối với doanh nghiệp (DN), cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa quan trọng không kém gói hỗ trợ về tài chính, thậm chí còn có ý nghĩa lớn hơn trong dài hạn. "Nếu qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các cơ quan nhà nước có thể rút kinh nghiệm để nâng cao năng lực thiết kế chính sách cũng như chất lượng của chính sách để tăng tính minh bạch, đồng bộ, nhất quán và tiên liệu được thì sẽ rất tốt cho DN. Ngoài ra, chính sách tốt còn cần đi đôi với năng lực thực thi cao, trách nhiệm giải trình và sự giám sát, phản biện của xã hội để đạt hiệu quả cao nhất" - bà Chi Lan gợi ý.

Khai thác những động lực cũ mà mới

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM, nhìn nhận đây là thời điểm để nhìn lại "cách phát triển" của đất nước. Ông cho rằng bắt buộc phải "tư duy lại", "thiết kế lại" và "xây dựng lại" toàn bộ nền kinh tế. Theo chuyên gia này, Việt Nam hiện đã có đầy đủ chiến lược về cải cách tổng thể nền kinh tế, gồm cải cách thể chế, cấu trúc kinh tế, đổi mới sáng tạo, tận dụng hội nhập, dịch chuyển chuỗi cung ứng... Thế nhưng, hầu như các chính sách vẫn còn nằm trên bàn giấy. Nhiệm vụ cấp bách là cần đi sâu vào từng chiến lược để tìm ra được những động lực mới.

"Cần tập trung xây dựng khung khổ pháp lý cho thị trường nhân tố sản xuất, thị trường đất đai, lao động, công nghệ... Đây chính là những nguồn lực truyền thống song cần khung pháp lý mới để khai thác được nguồn lực đó. Chúng ta cũng cần những thể chế đột phá và vượt trội như phát triển kinh tế gắn với những đề án lớn, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính. Đặc biệt, vấn đề dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng cần được quan tâm đúng mức để giảm bớt tình trạng chảy máu chất xám vốn là vấn đề tồn tại rất nhiều năm nay" - TS Võ Trí Thành chỉ rõ.

Về chương trình tái cấu trúc, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh trung tâm của chương trình là phát triển DN với nhiệm vụ cải tổ tập đoàn nhà nước và thúc đẩy phát triển tập đoàn tư nhân, DN dân tộc, hộ kinh doanh. Ngoài ra, các chính sách cần hướng tới tận dụng cơ hội từ năng lực hội nhập sâu rộng của quốc gia, đặc biệt là cơ hội từ thương mại, đầu tư nước ngoài, liên kết chuỗi... "Trong chương trình tái thiết ở trung và dài hạn, tôi còn quan tâm đến thể chế bảo vệ cán bộ và tạo động lực cho cán bộ sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Nếu không có thể chế này bên cạnh chương trình phục hồi kinh tế trong 5 năm tới thì khát vọng 10 năm không thực hiện được" - ông Thành bày tỏ.

Nhấn mạnh ngoài tổn thất vật chất, DN còn chịu tổn thương về tinh thần trong đại dịch Covid-19, thể hiện qua niềm tin kinh doanh giảm sút mạnh, bà Phạm Chi Lan cho rằng chính sách quan trọng nhất hiện nay phải hướng đến khôi phục niềm tin cho DN. "DN mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ thiết thực để họ tăng năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới công nghệ; tái cơ cấu DN; nâng tầm trình độ quản trị hoặc đổi mới mô hình kinh doanh, phương thức kinh doanh và đào tạo lao động. Đây là những nhân tố giúp vừa giúp DN phục hồi vừa tạo đà phát triển tốt hơn trong tương lai thay vì chỉ loay hoay tìm cách sống sót hoặc trở lại trạng thái cũ" - bà Lan nói. 

(*): Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-11

Tái cấu trúc không gian kinh tế

Theo TS Vũ Tiến Lộc, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương do đại dịch chính là những gợi ý cho chúng ta về cách tiếp cận mới cho quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.

TS Lộc phân tích: Chúng ta không phủ nhận vai trò của các "siêu đô thị" như TP HCM, Hà Nội và các "đại công trường" ở miền Đông Nam Bộ trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa những năm qua. Nhưng nếu các siêu đô thị vẫn "ôm đồm" các ngành công nghiệp gia công lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động thì sẽ gây quá tải cho không gian đô thị và đời sống người dân; tạo cạnh tranh không cần thiết trong thu hút đầu tư của các địa phương khác. Mô hình này cũng không bảo đảm phát triển bền vững bao trùm và khó có khả năng chống chịu trước những cú sốc liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại...

"Có thể xây dựng thêm nhiều đô thị trung tâm và các chuỗi đô thị vệ tinh tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm các cực tăng trưởng mới. Từ đó, có thể "chia lửa" cho TP HCM, Hà Nội... để những nơi này tập trung hình thành một cơ cấu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ hiện đại, thông minh, có giá trị gia tăng cao, đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa. Đồng thời, đưa công nghiệp tới các khu vực khác để phân bổ lại không gian kinh tế và thị trường lao động theo hướng an toàn và có hiệu quả hơn" - TS Vũ Tiến Lộc khuyến nghị.

Đừng trên bảo, dưới chỉ "nghe một nửa"

Từ góc nhìn DN, ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), phản ánh chính sách chống dịch của các địa phương đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế và không phù hợp với quy định của Chính phủ khiến cho nỗ lực mở cửa nền kinh tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài trở lại chưa thể thực hiện. "Chính phủ trấn an đầu tư nước ngoài nhưng các chuyến bay quốc tế chưa được khôi phục nên nhà đầu tư, chuyên gia, khách du lịch hay thậm chí cả người Việt Nam ở nước ngoài không thể nhập cảnh Việt Nam thì đầu tư khôi phục bằng cách gì trên thực tế? Hàng hóa và con người cũng chưa thể lưu thông liên tỉnh hiệu quả dù lãnh đạo các địa phương tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài" - ông Tuấn bức xúc.

Phó Chủ tịch VAFI đề nghị Chính phủ có cách mở cửa chính sách nhịp nhàng, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, không thể tiếp tục tình trạng "trên bảo dưới chưa nghe" hay chỉ nghe "một nửa". Cần có một "lực lượng đặc nhiệm" chuyên rà soát chính sách và công tác thực thi để kịp thời nhận diện, loại bỏ những hạn chế, giúp tối đa hóa lợi thế kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Xem thêm: mth.25721701280111202-gnuv-neb-neirt-tahp-ed-hcac-iac-et-hnik-ioh-cuhp-cul-nougn-gnoht-iohk/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khơi thông nguồn lực phục hồi kinh tế (*): Cải cách để phát triển bền vững”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools