Nằm trong tổng thể Khu phí thuế quan Phú Quốc (Kiên Giang) do Tập đoàn của ông "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn xây dựng, khu Factory Outlet có quy mô lên tới 14,06ha.
Đầu tháng 11.2021, Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc (UBND tỉnh Kiên Giang) chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng Khu phi thuế quan Phú Quốc cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPPG) của ông "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn.
Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 6.830 tỉ đồng được xây dựng trên diện tích 101ha tại ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, thành phố đảo Phú Quốc.
Dự kiến sau khi đi vào hoạt động trong năm 2028, dự án sẽ hình thành nên một khu phi thuế quan, khu thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và sinh hoạt đáp ứng nhu cầu về thương mại dịch vụ, giải trí của người dân.
Thông tin được dư luận quan tâm là trong tổng thể dự án sẽ này sẽ có một trung tâm bán hàng giảm giá (Factory Outlet) quy mô lớn đầu tiên tại Phú Quốc cũng như tại Việt Nam.
Đây sẽ là nơi tập trung các cửa hàng bán lẻ trực tiếp những sản phẩm do chính công ty sản xuất mà không qua bất kì cửa hàng trung gian nào để đến tay người tiêu dùng. Factory Outlet thường là những chuỗi cửa hàng tầm trung chuyên bán các loại đồ hàng hiệu được chắt lọc từ các trung tâm mua sắm với mức giá giảm từ 30 - 80%.
Theo đồ án được IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn xây dựng, Factory Outlet này sẽ được xây dựng trên diện tích 14,06ha được đặt gần sân bay Phú Quốc.
Trong đó sẽ có khu vực chính có quy mô lớn là khu vực tập trung chuỗi cửa hàng cao cấp (Premium Outlet) và khu vực bán hàng miễn thuế (Duty Free).
Đáng chú ý trong khu vực Premium Outlet, chuỗi cửa hàng bán đồ cao cấp và bậc trung được bố trí ở tầng 1 và tầng 2 có quy mô lên tới gần 32.000m2, được bố trí ngay sát cạnh khu vực ăn uống và phòng chờ khách VIP.
Còn tại khu vực bán hàng miễn thuế Duty Free, Factory Outlet của ông "vua hàng hiệu" sẽ dành diện tích lên tới 10.000m2 cho chuỗi cửa hàng siêu thị đồ miễn thuế.
Factory Outlet của IPPG được đánh giá là khu bán hàng Outlet quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng cũng mở các cửa hàng Outlet tại Việt Nam như Adidas Outlet, Converse Outlet…
Tuy nhiên đây là các cửa hàng do chính hãng thành lập và chủ yếu bán các sản phẩm chính hãng tồn kho, hàng lỗi mốt được bán với giá rẻ hơn giá niêm yết. Đây là hàng mới 100% và được bảo hành khi mua.
Chia sẻ với báo chí trước đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ mô hình Factory Outlet có nghĩa cực kỳ quan trọng bởi sẽ tạo sức hút cho ngành du lịch Việt Nam.
Một nguyên nhân khác là ví dụ lượng hàng hiệu mà IPPG nhập về 100 triệu USD nhưng có thể chỉ bán được 50 triệu USD. Phần còn lại 50 triệu USD hàng hóa sẽ phải tái xuất về cho các nhà cung cấp tại Anh, Pháp, Đức hay Ý.
Với nguồn mặt hàng tái xuất này, các thương hiệu sẽ mở các Factory Outlet để hút khách quốc tế từ Trung Quốc, Việt Nam, hay các quốc gia Đông Nam Á khác qua mua.
"Tại sao chúng ta không để hàng đó tại Việt Nam mà bán cho khách du lịch tại các khu phi thuế quan" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói về động lực thúc đẩy IPPG đầu tư khu Factory Outlet quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam trong Khu phi thuế quan Phú Quốc.
Trước đó theo ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, dự án Khu phi thuế quan Phú Quốc được tỉnh xác định là dự án trọng điểm của Phú Quốc, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đây là dự án có quy mô lớn, kỳ vọng góp phần tạo nên sản phẩm độc đáo cho Việt Nam và thế giới.
Xem thêm: odl.311279-ig-gnuhn-oc-ueih-gnah-auv-gno-auc-man-teiv-tahn-nol-teltuo-yrotcaf/et-hnik/nv.gnodoal