Học sinh sau giờ thi môn toán tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Giáo viên, học sinh mong kế hoạch thi tốt nghiệp THPT 2022 sớm được công bố chi tiết - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thầy Lâm Vũ Công Chính (giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM):
Sớm công bố kế hoạch thi tốt nghiệp THPT
Thời điểm này, học sinh khối 12 ở TP.HCM đã học trực tuyến được nửa học kỳ và các em đang tỏ ra rất sốt ruột với những thông tin chung chung về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT hãy quan tâm đến vấn đề này, công bố sớm những vấn đề liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 để giáo viên và học sinh yên tâm dạy và học.
Ở kỳ thi có một số vấn đề cần làm rõ: Thứ nhất, với tình hình học sinh học trực tuyến quá lâu như hiện nay thì chương trình giảng dạy cũng như nội dung đề thi có tinh gọn và giảm bớt độ khó hay không? Nếu có thì cụ thể như thế nào? Thứ hai, phương án tuyển sinh vào ĐH năm 2022 sẽ thực hiện ra sao? Với những địa phương có tình dịch dịch bệnh phức tạp thì Bộ GD-ĐT có tính đến phương án dự phòng hay không?
Thêm nữa, tôi đề xuất Bộ GD-ĐT hãy sâu sát hơn với việc học trực tuyến của học sinh tiểu học. Các cháu còn nhỏ nên mọi thứ đều phải thực hiện theo kiểu "cầm tay chỉ việc". Cô giáo không dạy trực tiếp được nên tất cả trông chờ vào phụ huynh. Đã vậy, việc giao bài tập quá nhiều cho học sinh tiểu học cũng khiến áp lực tăng lên không chỉ với học sinh mà cả phụ huynh.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh (hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội):
Xác định chân dung các năng lực cốt lõi trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Điều tôi thấy cần kíp nhất, phải làm ngay là xây dựng bộ tiêu chí đánh giá các năng lực cốt lõi và hệ thống chỉ báo cụ thể của các tiêu chí đó.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được phê duyệt vào năm 2018. Trước đó đã bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2013 theo định hướng "Phát triển năng lực, phẩm chất người học" thay thế cho quan điểm giáo dục cũ chủ yếu truyền thụ kiến thức.
Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đã thuộc lòng khái niệm "phát triển năng lực, phẩm chất người học" nhưng chân dung năng lực ấy như thế nào thì đến bây giờ vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Khi năng lực tự chủ và tự học, năng lực giải quyết vấn đề… được mô tả bằng các tiêu chí, chỉ báo cụ thể, tường minh thì giáo viên sẽ dễ dàng đánh giá được năng lực của học trò và xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển năng lực đó cho từng học sinh của mình.
Các tiêu chí, chỉ báo đó không chỉ dùng như là bộ công cụ để giáo viên đánh giá năng lực của học sinh mà còn là công cụ để họ tự đánh giá chính mình. Chỉ khi giáo viên có các năng lực, phẩm chất theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì họ mới có thể đào tạo được các thế hệ học sinh có đủ các phẩm chất, năng lực đó.
Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên "đặt hàng" các nhà khoa học xây dựng bộ tiêu chí để cụ thể hóa chân dung các năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc này cần làm ngay vì hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai sang năm học thứ 2 ở cấp Tiểu học, THCS và năm học tới sẽ thực hiện tiếp ở cấp THPT.
Thầy Đào Chí Mạnh (hiệu trưởng Trường tiểu học Hội Hợp B, Vĩnh Phúc):
Tạo động lực cho giáo viên thay đổi
Giáo dục đang đi trên một lộ trình đổi mới theo hướng phát triển năng lực phẩm chất học sinh, nhưng nhiều cán bộ quản lý và giáo viên lại chưa trang bị cho mình những năng lực cốt lõi như tự chủ, tự học; giao tiếp, hợp tác; giải quyết vấn đề...
Bên cạnh đó là tình trạng hiểu chưa đầy đủ, chưa đúng về chương trình mới dẫn tới việc lúng túng. Nếu kéo dài việc này sẽ khiến cho việc thực hiện trở nên hình thức, đối phó và nhận lại một sản phẩm kém hiệu quả, không thực chất.
Vì thế điều tôi mong nhất là có một môi trường để khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên thay đổi bản thân. Chỉ khi bản thân giáo viên thay đổi tích cực thì mới mong thay đổi được học sinh. Muốn vậy, rất cần có sự đồng thuận từ các cấp quản lý giáo dục, giữa nhà trường - phụ huynh học sinh và xã hội.
Làm sao để có thể kịp thời ghi nhận những nỗ lực, thành quả thực chất của giáo viên, tăng sự thấu cảm và giảm bớt sự phán xét, nhất là những phán xét vội vã và thiếu kiểm chứng gây áp lực cho giáo viên. Bản thân các thầy cô giáo được tạo điều kiện để tự học và tự bồi dưỡng, được ở trong các môi trường sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ về chuyên môn, khích lệ sự sáng tạo.
Học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) trong giờ học tại trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cô Nguyễn Thị Nhiếp (hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội):
"Vừa chạy vừa xếp hàng"
Chương trình giáo dục phổ thông mới năm học tới sẽ triển khai ở bậc THPT nhưng hiện tại nhiều vấn đề chưa được hướng dẫn, tập huấn kỹ và hiệu quả. Theo đó, bậc THPT sẽ có các nhóm môn học tự chọn. Việc tổ chức dạy học tự chọn như thế nào để đúng với yêu cầu chương trình, đúng với nhu cầu lựa chọn của học sinh nhưng cũng phù hợp với điều kiện (cơ sở vật chất, giáo viên) của mỗi trường.
Vì có thể khi áp dụng các phương án tự chọn, giáo viên sẽ bị thừa hoặc thiếu, phải xử lý vấn đề này như thế nào là một bài toán lớn. Hiệu trưởng nào lo xa sẽ tự tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm về cách làm. Nhưng những hiệu trưởng thụ động, chờ "cầm tay chỉ việc" sẽ rất dễ bị lúng túng khi triển khai vào năm học sau.
Nhìn lại việc triển khai chương trình mới, tình trạng "vừa chạy vừa xếp hàng" vẫn diễn ra khiến cho các trường gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ví dụ như vấn đề xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường được thực hiện thí điểm từ lâu, hiện trở thành yếu tố quan trọng khi triển khai chương trình mới.
Nhưng việc tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên bị chậm dẫn tới việc nhiều trường hiện nay không hiểu đúng về xây dựng kế hoạch nhà trường, xây dựng kế hoạch bài giảng theo định hướng mới. Việc thiếu quan tâm đúng mức vấn đề chuyên môn của các cấp quản lý giáo dục khiến cho nhiều chủ trương, quyết định hay không đi được vào đời sống giáo dục.
Bà Nguyễn Thu Thủy (phụ huynh có con học lớp 5 và lớp 11 ở TP Thủ Đức, TP.HCM):
Khảo sát về dạy học trực tuyến
Bộ GD-ĐT có nghiên cứu hoặc khảo sát về tình hình dạy học trực tuyến hiện nay hay chưa? Cả hai con của tôi đều tăng độ cận thị vì sử dụng điện thoại quá lâu để học trực tuyến. Bác sĩ nhãn khoa đã giải thích rằng màn hình điện thoại quá nhỏ, trẻ sử dụng lâu rất hại mắt. Tôi đã cố gắng chạy vạy để mua máy tính cho con học, nhưng bác sĩ nhãn khoa cảnh báo là không được cho trẻ ngồi máy tính quá lâu.
Thế nhưng, ngoài việc học trực tuyến thì các học sinh vẫn phải mở máy để làm bài tập, học bài trên trang học liệu, phải xem các clip và làm bài của những môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục... Học trực tuyến mà chương trình nặng nề như thế thì làm sao học sinh không mỏi mắt và tăng độ cận thị?
Tôi ủng hộ chủ trương cho trẻ học trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhưng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải có nghiên cứu một cách bài bản để chỉ đạo các trường về những vấn đề như: trẻ học tối đa bao nhiêu tiếng/ngày để không bị mỏi mắt, mỏi lưng, mỏi vai? Những loại máy móc nào được xem là đạt chuẩn để cho học sinh học trực tuyến? Tôi được biết hiện nay rất nhiều phụ huynh chọn điện thoại làm phương tiện học tập cho con vì nó nhỏ, gọn, vừa túi tiền chứ không quá mắc như máy tính xách tay.
Nguyễn Hoàng Vũ (học sinh lớp 12 ở quận Gò Vấp, TP.HCM):
Hai điều mong mỏi
Hiện nay, học sinh lớp 12 chờ đợi và lo lắng vì không biết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ diễn ra như thế nào, cấu trúc đề thi ra sao, học sinh cần chuẩn bị gì để đáp ứng tốt với đề thi... TP.HCM có số học sinh lớp 12 cao nhất nhì cả nước, vậy nếu đến ngày thi tốt nghiệp THPT như Bộ GD-ĐT ấn định mà dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng và phức tạp thì Bộ GD-ĐT có lùi ngày thi hay không?
Học trực tuyến không hiệu quả mà lại rất mỏi mệt và áp lực, do đó học sinh mong được đến trường học trực tiếp. Điều mong ước thứ hai là Bộ GD-ĐT nên công bố sớm những thông tin cụ thể về kỳ thi tốt nghiệp THPT để học sinh nắm được và chuẩn bị tinh thần, kiến thức đáp ứng cho kỳ thi.
TTO - Ngày 6-10, ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và đào tạo, giải thích thêm về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trong đó nhấn mạnh bộ vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi.