Mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ, thì sao?
Phan Minh Ngọc
(TBKTSG) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ của Kho bạc Nhà nước (KBNN) từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi. Theo đó, KBNN sử dụng ngân quỹ này để mua và nhận quyền sở hữu trái phiếu chính phủ từ bên bán - là các ngân hàng thương mại đáp ứng được các điều kiện như quy định trong dự thảo thông tư, đồng thời cam kết sẽ bán lại và chuyển quyền sở hữu khối lượng trái phiếu đó cho bên bán sau một thời gian xác định với một mức giá xác định.
Thiết thực, có ý nghĩa nhưng mất bốn năm mới đưa ra được bản dự thảo
Về sự cần thiết ban hành thông tư này, Bộ Tài chính chỉ giải thích rất ngắn gọn là để có cơ sở thực hiện nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP) chưa được triển khai. Trong khi đó, những nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi khác được quy định trong Nghị định số 24/2016/NĐ-CP đã được triển khai từ năm 2017. Lý do chậm triển khai này, cũng theo Bộ Tài chính, là do đây là nghiệp vụ mới, khá phức tạp.
Do nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP có ý nghĩa thiết thực, như nói thêm ở dưới đây, việc Bộ Tài chính mất đến bốn năm mới đưa ra được bản dự thảo thông tư là khó hiểu, khó chấp nhận. Lưu ý thêm là từ dự thảo đến khi thông tư được ban hành còn cần thêm một khoảng thời gian đáng kể nữa.
Viện lý do nghiệp vụ này là “mới, khá phức tạp” nên chậm triển khai cũng là khó chấp nhận, bởi cũng chính Bộ Tài chính là nơi xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 24/2016 quy định về các nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi. Nên có “mới, khá phức tạp” thì là với ai đó, có lẽ là người dân thường, chứ không phải là Bộ Tài chính.
Về mục đích và ý nghĩa của việc mua lại có kỳ hạn TPCP, Bộ Tài chính chỉ đề cập một cách gián tiếp thông qua giải thích vắn tắt về sự cần thiết của thông tư trên, gồm “giúp quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả và hỗ trợ phát triển thị trường TPCP”.
Có thể hiểu nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP chủ yếu là để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của (ngân quỹ) nhà nước. Điều này là trái ngược với luồng ý kiến hiện nay cho rằng nghiệp vụ này là một kênh bơm vốn từ ngân quỹ nhà nước cho các ngân hàng thương mại, ngoài nghiệp vụ bơm vốn trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước. |
Như vậy, có thể hiểu nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP chủ yếu là để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của (ngân quỹ) nhà nước. Điều này là trái ngược với luồng ý kiến hiện nay cho rằng nghiệp vụ này là một kênh bơm vốn từ ngân quỹ nhà nước cho các ngân hàng thương mại (NHTM), ngoài nghiệp vụ bơm vốn trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Lợi cho ngân quỹ nhà nước là chủ yếu
Xem xét kỹ hơn về bản chất của nghiệp vụ mua lại này thì cũng sẽ thấy nó phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của Nhà nước (Bộ Tài chính, KBNN).
Thứ nhất, KBNN có mua lại TPCP hay không, nói cách khác, có bơm vốn cho NHTM hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào việc ngân quỹ nhà nước có tạm thời nhàn rỗi hay không, có còn hạn mức để mua lại TPCP hay không. Điều này không phụ thuộc vào ý chí và nhu cầu của NHTM. Nói cách khác, NHTM có bí, khát thanh khoản đến đâu thì cũng không thể trông chờ, hy vọng vào Bộ Tài chính (KBNN) để bơm vốn như cách mà NHTM trông chờ vào NHNN như người cho vay cuối cùng (và thường thì sẽ cho vay).
Thứ hai, KBNN có mua lại TPCP thì cũng không có nghĩa là NHTM có nhu cầu về thanh khoản sẽ tiếp cận được với nguồn vốn mà KBNN tung ra thị trường này. Bởi NHTM còn phải đấu thầu với nhau để được KBNN lựa chọn. Điều này cũng khác với việc NHTM khi có nhu cầu thanh khoản chỉ cần cầm cố TPCP là hầu như sẽ vay được tiền từ NHNN với lãi suất quy định trước, hoặc vay trên thị trường.
Thứ ba, KBNN có tung ra một lượng tiền từ ngân quỹ nhà nước để mua lại (có kỳ hạn) TPCP thì điều này không có nghĩa là thị trường/hệ thống ngân hàng được bơm thêm một lượng tiền tương ứng như cách mà NHNN bơm thêm tiền cho hệ thống thông qua các nghiệp vụ của nó. Thực chất thì KBNN chỉ tạm thời bơm trả lại cho thị trường/hệ thống ngân hàng một lượng tiền mà trước đó họ đã gom về cho ngân quỹ nhà nước thông qua việc phát hành TPCP để NHTM mua vào và nắm giữ. Ngay cả lượng tiền mà KBNN gom về ngân quỹ nhà nước từ phát hành TPCP cũng không nằm im đó mà sẽ được Nhà nước trả lại cho thị trường thông qua các hoạt động chi tiêu, đầu tư và gửi vào hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, thanh khoản trên thị trường, trong hệ thống sẽ không thay đổi nếu KBNN phát hành hay mua lại (có kỳ hạn) TPCP. Người quyết định thanh khoản trên thị trường, trong hệ thống ngân hàng luôn và duy nhất chỉ là NHNN chứ không phải là ai khác, kể cả Bộ Tài chính (KBNN).
Thứ tư, và quan trọng nhất, nghiệp vụ mua lại (có kỳ hạn) TPCP từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi, như tên gọi của nó, cũng như trong giải thích của Bộ Tài chính đính kèm dự thảo thông tư, là để phục vụ lợi ích của chính (ngân quỹ) nhà nước. Cụ thể, sử dụng nguồn tiền được xác định là tạm thời nhàn rỗi, mà nếu để không thì không sinh ra đồng lời lãi nào, KBNN mua lại TPCP từ NHTM. Việc mua này về bản chất cũng tương tự như cho NHTM vay, với TPCP mà NHTM đang nắm giữ là tài sản thế chấp. Nó trên hết sẽ giúp cho ngân sách nhà nước không phải trả lãi (định kỳ) cho TPCP mà NHTM đang nắm giữ (nay tạm thời chuyển giao quyền sở hữu cho KBNN), hoặc trả lãi ít hơn cho cùng TPCP đó về tổng thể. Nói cách khác, nhờ sử dụng/đầu tư nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi không sinh lãi, nghiệp vụ mua lại (có kỳ hạn) TPCP sẽ tiết kiệm chi cho ngân sách ở mức độ tương ứng với quy mô mua lại của KBNN.
Thứ năm, qua việc bán có kỳ hạn TPCP cho KBNN, các NHTM cũng được hưởng lợi nhờ chủ động tính toán, quản lý, kiểm soát được tình trạng thanh khoản và khả năng gia tăng lợi nhuận từ tài sản nắm giữ (là TPCP) của mình. Ví dụ, nếu thấy thanh khoản sẽ thiếu hụt trong kỳ tới trong khi đang nắm giữ TPCP thì NHTM thay vì đem cầm cố để vay trên thị trường hay tại NHNN, có thể cầm cố/bán có kỳ hạn số TPCP này cho KBNN, với chi phí/lãi suất có thể thấp hơn trên thị trường hoặc thấp hơn lãi suất cho vay tái chiết khấu ấn định trước và áp dụng đại trà của NHNN. Như vậy, ở đây có thể nói việc mua lại này của KBNN mang lại lợi ích song phương, nếu được tiến hành thành công.
Tất nhiên, xin nhắc lại là việc vay cầm cố này của NHTM có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu (cho vay) của KBNN từng thời kỳ, cũng như tình hình lãi suất thị trường hiện tại dự đoán cho đầu và cuối kỳ tới được xác định thông qua đấu thầu giữa các NHTM.
Thứ sáu, cũng đúng như Bộ Tài chính giải thích, việc mua lại có kỳ hạn này hỗ trợ phát triển thị trường TPCP. Bởi nó là một kênh bổ sung cho việc sử dụng TPCP, làm cho TPCP trở nên hữu dụng hơn và, do đó, hấp dẫn hơn cho việc nắm giữ, trao đổi, kinh doanh bởi các NHTM và tổ chức tài chính. Rốt cuộc, ngân sách nhà nước sẽ được hưởng lợi khi thị trường tích cực đón nhận hơn các đợt phát hành TPCP mới, với chi phí phát hành cạnh tranh hơn (giảm đi).
Xem thêm: lmth.oas-iht-uhp-hnihc-ueihp-iart-nah-yk-oc-ial-aum/493903/nv.semitnogiaseht.www