Đây là những dự án có "cục máu đông" chẹn mạch lưu thông liên vùng cả chục năm qua như quốc lộ 13, mở rộng quốc lộ 1A, quốc lộ 22... Cơ chế mới được các chuyên gia, nhà đầu tư kỳ vọng thế nào?
Những "nút thắt cổ chai"
Nhắc đến kẹt xe, nhiều người dân ở cửa ngõ đông bắc TP.HCM sẽ nghĩ ngay đến quốc lộ 13 - trục đường huyết mạch nối TP.HCM với tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên... Tại Bình Dương, quốc lộ 13 đã được mở rộng lên tám làn xe, còn đoạn qua TP.HCM chỉ có 4 - 6 làn xe tạo ra "nút thắt cổ chai" cản trở mọi hoạt động.
Trở lại con đường này vào sáng 26-8, chúng tôi đi dọc quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, dù chỉ vài km nhưng phải mất hơn 30 phút. Lượng xe quá đông đúc khiến con đường ách tắc nghiêm trọng.
Chưa kể xe máy, ô tô chen chúc, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Vào giờ cao điểm, đoạn giao quốc lộ 13 - đường Hiệp Bình, dòng xe đông đến mức xe máy phải nhích từng chút.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hành trình triển khai quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TP.HCM khá trầy trật. Từ năm 2002 đến nay, dự án đã trải qua nhiều lần đổi chủ đầu tư nhưng vẫn không xong.
Đến năm 2017, nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu nên dự án đứng bánh đến nay. TP.HCM cũng từng dự kiến sẽ làm đoạn đường này bằng vốn ngân sách với gần 10.000 tỉ đồng nhưng chưa thể cân đối.
Phía tây cũng chẳng khá hơn. Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An) là cửa ngõ thông thương với các tỉnh miền Tây nhưng tắc nghẽn nhiều năm trời. Cánh tài xế xe tải vận chuyển hàng qua đây đều lắc đầu ngán ngẩm vì cảnh xếp hàng chờ đợi, trễ giờ... Trong khi đó, dự án cầu đường Bình Tiên, nối từ quận 6 sang huyện Bình Chánh cũng trầy trật chưa biết khi nào thông.
Theo Sở GTVT TP.HCM, từ sau khi nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017 tạm dừng làm BOT trên đường hiện hữu, hàng loạt dự án nâng cấp, mở rộng đường sá cửa ngõ TP.HCM như quốc lộ 13, quốc lộ 1... khó triển khai. Bởi hầu hết kế hoạch mở rộng đường theo hình thức BOT phải dừng, chuyển sang sử dụng ngân sách. Trong khi đó, TP chưa thể cân đối vốn nên các dự án rơi vào bế tắc.
Nhưng nghị quyết 98 đã tạo một cơ chế đặc biệt cho TP.HCM, chấp thuận áp dụng hợp đồng BOT cho dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng đường hiện hữu. Cơ chế mới này đã tháo gỡ được vướng mắc lớn nhất của các dự án làm đường bế tắc lâu nay.
Đây đều là những dự án giao thông huyết mạch mang tính liên kết vùng, cấp bách cần làm từ năm 2023 - 2030 để giải quyết ùn tắc đường sá và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Huy động 37.000 tỉ đồng làm đường
Ngay sau khi nghị quyết 98 cho phép TP triển khai áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình trên đường trục chính đô thị và đường trên cao, TP đã giao Sở GTVT chủ trì xây dựng danh mục các dự án cấp bách.
Qua đánh giá, Sở GTVT đã lên danh mục ưu tiên 5/107 dự án phù hợp làm BOT là quốc lộ 1, quốc lộ 22, quốc lộ 1A, trục đường Bắc - Nam và cầu đường Bình Tiên.
Danh mục đã được trình UBND TP thông qua làm cơ sở trình HĐND trong tháng 9-2023 với tổng số vốn có thể huy động theo hình thức BOT để hoàn thành các dự án này khoảng 37.000 tỉ đồng. Ngoài ra, cơ quan này cũng đang tiếp tục lọc danh mục và tiếp nhận các đề xuất của nhà đầu tư để triển khai lập danh mục ở các đợt kế tiếp.
Nhiều chuyên gia giao thông nhận định cơ chế cho làm BOT trên đường hiện hữu là một cơ hội lớn để TP.HCM triển khai loạt dự án giao thông đã nằm trên giấy quá lâu.
"TP.HCM cần tận dụng cơ hội này để giải quyết ngay những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của TP. Nhưng để thu hút nhà đầu tư, các đơn vị phải đảm bảo hài hòa được lợi ích đôi bên và quyền lợi khi đầu tư", một chuyên gia nói.
Là một doanh nghiệp từng làm thành công nhiều dự án PPP, ông Lê Quốc Bình - tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - cũng bày tỏ quan tâm với các dự án theo cơ chế mới của nghị quyết 98.
Tuy nhiên, theo ông Bình, TP.HCM cần thêm các tiêu chí để đảm bảo sự yên tâm cho các nhà đầu tư khi tham gia dự án. Chẳng hạn, cần làm rõ tiêu chí đánh giá tính khả thi trong việc hoàn vốn cho doanh nghiệp.
Bởi khi bỏ vốn ra, nhà đầu tư chỉ quan tâm có thu hồi được hay không nên các dự án BOT kêu gọi đầu tư cần phải khả thi. "Thậm chí, TP.HCM hoàn toàn có thể để các nhà đầu tư tự nghiên cứu xây dựng bộ hồ sơ, để nhà đầu tư tự đề xuất. Sau đó, Sở GTVT cùng các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, tính toán có phù hợp hay không, rà soát điều chỉnh cho chuẩn mực nhất", ông Bình nói.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng việc xây dựng, nâng cấp đường hiện hữu từ cơ chế nghị quyết 98 là một cơ hội tốt cho TP, góp phần giúp việc vận chuyển hàng hóa, giao thương được thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, theo ông Quản, các cơ quan chức năng cũng tính toán sao cho phù hợp để tránh tạo thêm áp lực chi phí vận chuyển đối với các doanh nghiệp vận tải.
Tránh dàn trải quá nhiều điểm thu phí
Theo ông Bùi Văn Quản, việc mở rộng đường sá hiện hữu theo phương thức BOT không chỉ giúp Nhà nước giảm gánh nặng vốn đầu tư mà người dân, doanh nghiệp sẽ đi lại thuận tiện hơn, tiết kiệm xăng dầu và thời gian...
Tuy nhiên, theo ông Quản, cần tính toán ưu tiên làm một số đường mang tính cấp bách, tránh việc dàn trải quá nhiều điểm thu phí.
"Các dự án cũng cần ưu tiên vốn nhà nước nhiều hơn để giảm thời gian thu phí xuống. Điều này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn về nguồn vốn, đầu tư, phương tiện và năng lực hoạt động, đặc biệt là sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19", ông Quản đề nghị.
5 tiêu chí lựa chọn dự án
Sở GTVT TP.HCM cho biết đã xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn dự án ưu tiên đầu tư BOT trên đường hiện hữu, gồm năm tiêu chí để TP trình HĐND TP thông qua.
Thứ nhất là căn cứ vai trò kết nối của tuyến đường, chú trọng trục cửa ngõ để kết nối vùng hiệu quả.
Thứ hai là mức độ cải thiện, giải quyết ùn tắc giao thông, mở rộng không gian đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thứ ba là phương án tài chính về khả năng hoàn vốn, phải làm sao chủ đầu tư thấy được sự hấp dẫn và yên tâm.
Tiêu chí thứ tư là khả năng huy động nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư tham gia vào dự án BOT. Cuối cùng là tiêu chí tác động của dự án BOT đến kinh tế - xã hội.
Trước khi đưa vào sử dụng giai đoạn 2, hiện trạng giao thông qua cầu Vĩnh Tuy thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc, đặc biệt tại khu vực nút giao Cổ Linh. Theo kế hoạch, cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ thông xe vào ngày 30-8.