Không phải đứa trẻ nào cũng có thể vào được Đại học Harvard. Sau khi kêu gọi ngừng dạy thêm sau giờ học từ tháng 7, Trung Quốc đang gửi thông điệp này đến các bậc "cha mẹ hổ" luôn kỳ vọng vào con thái quá của nước này.
Trung Quốc đang muốn áp dụng mô hình giáo dục của Đức: thay vì vào học tại các cơ sở giáo dục học thuật, nhiều người trẻ Đức lựa chọn tham gia chương trình dạy nghề "đào tạo kép". Việc học của họ được chia thành học trong trường dạy nghề và được kèm cặp tại chỗ ở công ty. Đây là một cách rất tuyệt vời để những người trẻ tuổi tìm được một công việc tốt. Khoảng 80% các doanh nghiệp lớn của Đức tham gia vào chương trình đào tạo kép.
Ngày 12/10, Quốc vụ viện – cơ quan quản lý tối cao của Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn mới nhằm thúc đẩy một cải cách giáo dục tương tự. Đến năm 2035, chính phủ Trung Quốc tuyên bố, quốc gia này sẽ xây dựng một hệ thống giáo dục nghề nghiệp đẳng cấp quốc tế để phát triển đội ngũ lao động trình độ cao, với ít nhất 10% đầu vào có bằng cử nhân.
Trung Quốc không muốn có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng thiếu kỹ năng thực tiễn – nhóm này dần trở thành những người thất nghiệp và bất mãn xã hội. Năm ngoái, có gần 10 triệu sinh viên ghi danh vào hệ thống giáo dục đại học, tăng 46% so với 10 năm trước. Theo số liệu của HSBC vào tháng 6 năm ngoái khi sinh viên đại học tốt nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp của những người có bằng cấp ở lứa tuổi từ 20 đến 24 tuổi là 19,3%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung chỉ là 5%.
Trên thực tế, Trung Quốc có rất nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất cao cấp. Tuy nhiên, do kỳ vọng của cá nhân và gia đình, rất ít sinh viên mới tốt nghiệp nghĩ đến việc làm việc trong nhà máy chế tạo các bộ phận của xe điện. Thay vào đó, hầu hết trong số họ muốn làm về các dịch vụ tài chính, truyền thông hoặc công nghệ tiêu dùng.
Do đó, "công xưởng lớn nhất thế giới" đang mất dần đi lợi thế. Năm ngoái, giá trị gia tăng của lĩnh vực chế tạo chỉ chiếm 26% GDP của Trung Quốc, giảm 6 điểm phần trăm so với 10 năm trước. Trong khi đó, Đức mất đến 30 năm mới phải gánh chịu mức sụt giảm tương đương.
Xã hội Trung Quốc có thể cực kỳ cứng nhắc. Các trường học phân loại trẻ em một cách không chính thức thành " trẻ vàng", " trẻ bạc" và "trẻ đồng" — thường dựa trên nơi chúng được sinh ra và sự giàu có của cha mẹ chúng. Xã hội Trung Quốc đã có đủ những "đứa trẻ vàng", họ có thể đậu vào Đại học Thanh Hoa và sẽ phát triển chip bán dẫn đẳng cấp thế giới vào một ngày nào đó.
Trung Quốc có rất nhiều những "đứa trẻ đồng", những người này sẽ làm việc ở công trình xây dựng và các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu cấp thấp như quần áo và đồ chơi. Nhưng quốc gia này lại thiếu những "đứa trẻ bạc", đây là lực lượng có thể chế tạo ra những thiết bị công nghệ có giá trị cao mà những "đứa trẻ vàng" thiết kế.
Câu hỏi đặt ra là liệu những bố mẹ hổ Trung Quốc có sẵn sàng cho con mình tham gia học nghề hay không. Ở các thành phố lớn, một số bậc phụ huynh thậm chí còn không đồng ý cho con gái của họ kết hôn với người không có bằng cử nhân. Và nếu cô gái có bằng thạc sĩ, thì chúc may mắn - cô ấy sẽ phải lấy người chồng có bằng Tiến sĩ. Do đó, nhiều khả năng chính quyền Bắc Kinh sẽ phải đưa ra một số biện pháp khuyến khích để các bậc cha mẹ hổ chấp nhận sáng kiến này, chẳng hạn như miễn học phí học nghề và trả phí đào tạo tại chỗ cho sinh viên.
Tham khảo Bloomberg