Đổ 5.000 đô biến đất sỏi đá thành chỗ trồng rau
14 năm sống ở trời Âu, anh Dương Thanh Điền (Tony Duong CZ) và gia đình có đến 13 năm chỉ ăn rau của... Tây. Các loại củ quả của xứ ôn đới như súp lơ, su hào, bông cải xanh... ở Czech rất sẵn, nhưng rau châu Á thì gần như không có. Mùa hè năm 2020, anh bắt tay vào trồng một vườn cây trái Việt của riêng mình, vừa để gia đình có rau ăn, vừa vơi bớt nỗi nhớ quê hương.
Vườn rau thuần Việt anh trồng trên đất Czech phát triển mạnh mẽ dù thời tiết khắc nghiệt (mùa hè rất ngắn, nhiều bão và mưa đá) không chỉ là thành quả của sự quyết tâm, mà còn là bao công sức, tiền bạc đổ vào.
Một góc vườn rau Việt trên đất Czech của anh Thanh Điền.
Điều đặc biệt là, cây trái không chỉ sai trĩu mà còn có kích cỡ khổng lồ. Bầu, mướp dải cả mét, mướp đắng dài cỡ 40cm, mướp táo gần 2kg/quả. Đáng ngạc nhiên hơn là anh Điền trồng hoàn toàn không dùng hóa chất, đất vườn xưa cũng toàn là đất "nghèo" chất dinh dưỡng, trơ trụi sỏi đá.
Cây trái trong vườn nhà anh Điền có size khổng lồ.
Anh tâm sự: "Trước đây, vườn nhà mình là chỗ đỗ xe ô tô, 90% đá sỏi. Mình tự tay cải tạo lại hết, đi mua đất trồng, phân bò về làm đất, mua gạch xây từng khung, quy hoạch từng khu và làm đất theo từng khu để phù hợp với từng loại rau mình trồng.
Tính ra, từ hè 2020 dến nay, mình đổ vào vườn cỡ khoảng 4.000 - 4.500 USD. Số tiền đó thì gia đình mình mua rau ngoài ăn được 5 năm".
Sau giờ làm việc kinh doanh, anh Điền lại lao đi mua... phân bò, làm đất để trồng rau.
Khu vườn thuở sơ khai là bãi đất đậu xe.
Xong việc đất rồi lại đến chuyện giống cây. Anh Điền cho biết, ở Czech, mua giống cây thuần Việt rất khó, anh toàn nhờ mẹ vợ mua gửi sang.
Loại rau đầu tiên anh thử trồng là rau muống gieo hạt, trồng kiểu thủy canh. Anh tự hào khoe, chính rau muống chậu nước làm nên tên tuổi của anh trong cộng đồng người Việt yêu trồng rau tại Czech. Chỉ 1 lần gieo hạt, anh Điền có rau ăn cho cả mùa hè, không cần chăm sóc nhiều. Cứ 2 tuần thu hoạch 1 lần, được 5kg rau muống trong 2m2.
"Thừa thắng xông lên", anh mày mò trồng thêm các loại rau khác. Anh Điền chẳng có tí kinh nghiệm gì, toàn tự nghĩ, tự làm, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó, học hỏi kiến thức trên internet và tự điều chỉnh cho phù hợp. "Cây của mình nó phải tự tử mấy lần vì mình làm theo lời dạy của chị Google rồi" - cười lớn, anh chia sẻ.
Do khác biệt khí hậu, để chọn lựa được loại rau có thể sống tại châu Âu cũng khá "hại não". Mùa hè ở Czech ngắn, anh thường ươm trước hạt giống, ấp ủ trong nhà từ tháng 4. Hàng năm tầm 10 - 15/5 là cho cây ra vườn. Nếu thời tiết đẹp thì thắng lợi, còn sau 15/5 mà trời trở lạnh, có tuyết rơi hoặc mưa đá thì anh phải ươm lại từ đầu.
Những tấm biển "đe dọa" giăng đầy vườn rau
Thách thức lớn không kém với anh Thanh Điền là thu xếp thời gian để chăm vườn. Công việc kinh doanh của anh từ 7h sáng đến 20h tối, anh chỉ còn vài giờ để làm nhiều việc như cải tạo đất, ươm cây, chăm sóc cây, thụ phấn cho hoa... Vợ anh và bà giúp việc thì chỉ giúp được việc làm cỏ và tưới nước.
Chăm cây như chăm con mọn, mỗi loại rau củ lại cần một chế độ khác nhau, nên để có một mảnh vườn hàng chục loại rau Việt từ lặc lè, bàu bí, su su, mướp, rau muống, rau dền, dọc mùng... là cả nỗ lực lớn của chủ vườn.
Những quả non để ăn, những quả già, anh để làm giống cho mùa vụ sau, nên lúc nào cũng nơm nớp lo vợ hoặc khách đến chơi nhà vặt nhầm. Anh Điền hài hước làm hẳn những tấm bảng ghi chú, vừa cảnh báo vừa để "dọa" mọi người.
Cảnh báo rồi vậy mà vẫn bị vặt. Đó là chuyện cười ra nước mắt liên quan đến bà giúp việc. Cả nhà anh Điền chỉ có 1 cây mướp táo, bói được 2 quả, anh để dành làm giống. "Đến bữa, mình nhờ bà Tây giúp việc ra hái bầu vào nấu canh. Bà đã hái bầu mấy lần rồi, mình đinh ninh là bà phân biệt được bầu với mướp táo. Bà cầm dao ra vườn, thấy hình treo tờ giấy có cái dao thì xẻo luôn.
Thế là mất toi quả mướp! Thấy vậy, mình lôi cụ ra chụp tiếp tấm ảnh ở "hiện trường" luôn. Còn 1 quả phải treo biển thông báo tiếp. Quả mướp táo bị vặt nặng 1,7kg, ngon ngọt lắm, có điều vừa ăn vừa xót xa".
Cả vườn nhà anh Điền đầy những biển cảnh báo như thế, vì từ khi có vườn rau, nhà anh tấp nập khách khứa người Việt. Mỗi một lần tiếp bạn đến "tham quan" là vườn chỉ còn lá với rễ cây thôi. Anh không tiếc gì bạn ít rau, nhưng giống cho mùa sau thì nhất định phải giữ.
Biển "cảnh báo" đầy vườn nhà anh Thanh Điền.
Bữa cơm đầu tiên ngày thu hoạch, tôi đã bật khóc
"Với những người trồng rau tự nhiên như mình, để có một vườn rau nhiệt đới là thách thức thật sự. Phần vì bận việc, phải chắt chiu thời gian để chăm cây, phần vì mình trồng rau tự nhiên, không có hóa chất, trồng ngoài trời (không có nhà kính) nên cây chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường.
Mùa hè ngắn lắm nên đôi khi trồng bị muộn là nơm nớp lo. Có những lúc cây vừa ra quả thì đã lạnh rồi. Trồng rau Việt ở châu Âu, mình thấy khác gì nuôi trẻ con đâu, chúng thay đổi từng ngày, từng giờ, nhất là đối với cây con." - anh tâm sự.
Dù khó, anh Thanh Điền vẫn kiên trì nói không với hóa chất, chất kích thích tăng trưởng. Anh nhớ lại, cảm giác bữa cơm đầu tiên sau 13 năm xa quê được ăn rau mình trồng, vô cùng hạnh phúc.
Đặc biệt, việc bọn trẻ được ăn đồ Việt, ăn rau sạch đảm bảo sức khỏe, tuy mất rất nhiều công sức và tiền bạc nhưng anh thấy rất xứng đáng với công sức mình bỏ ra.
Anh Thanh Điền tâm sự, cuộc sống nơi xứ người cũng dạy cho anh cách phải chăm chỉ và nỗ lực. Gia đình anh hiện là chủ một siêu thị mini, đã có nhà riêng, trong đó có mảnh vườn ngập tràn rau trái Việt.
Qua mảnh vườn ấy, anh cũng dạy được bọn trẻ nhiều điều về quê hương, về ý nghĩa của lao động và vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Anh khoe, trong vườn mình đã trồng vài cây chuối non, hy vọng đến Tết sẽ kịp ra vài lá đủ để gói giò, đúng như nguyện vọng của bà xã.
Thiên Yết
Nhịp sống Việt