Tiến sĩ Soumya Swaminathan - trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Ảnh: NDTV
Theo tiến sĩ Swaminathan, những vắc xin thuộc "thế hệ thứ hai" có thể có nhiều lợi thế do chúng dễ phân phối và sử dụng hơn các vắc xin dạng tiêm hiện nay, và thậm chí tự sử dụng.
"Rõ ràng nếu bạn có một loại vắc xin dạng uống hoặc xịt mũi, nó sẽ dễ sử dụng hơn một vắc xin dạng tiêm", bà Swaminathan nói.
Theo Hãng tin AFP, bà Swaminathan cũng giải thích lợi thế của vắc xin dạng xịt mũi, cho biết vắc xin dạng này có thể "chăm sóc" virus ngay tại khoang mũi, ngăn virus xâm nhập vào phổi.
Hiện đã có một số vắc xin cúm dạng xịt mũi tại nhiều nước.
Trưởng nhóm khoa học WHO cho biết có 129 ứng viên vắc xin COVID-19 khác nhau đang được thử nghiệm lâm sàng trên người và 194 loại khác đang được phát triển và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Bà Swaminathan cho biết các ứng viên nói trên được phát triển với tất cả các công nghệ hiện có.
"Chúng vẫn đang trong quá trình phát triển. Tôi chắc là một vài loại sẽ được chứng minh là rất an toàn và hiệu quả, trong khi một số khác có thể không. Cuối cùng, chúng ta sẽ có thể chọn ra những loại tốt nhất", tiến sĩ Swaminathan nói.
Ngoài ra, theo trưởng nhóm khoa học WHO, nếu các ứng viên không dùng cho đại dịch COVID-19, chúng ta có thể ứng dụng những nền tảng phát triển các loại vắc xin này cho các bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai.
Cho tới nay, WHO chỉ mới phê duyệt 8 loại vắc xin COVID-19, bao gồm vắc xin của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Covishield (phiên bản vắc xin AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất), Johnson & Johnson, Sinopharm, Sinovac và mới nhất là Bharat Biotech.
"Không có vắc xin hiệu quả 100%. Không ai dám tuyên bố vắc xin có hiệu quả bảo vệ 100%. Dù vậy, 90% là con số tuyệt vời và đem lại khả năng bảo vệ so với con số 0", tiến sĩ Swaminathan nói.
"Cho tới nay, những loại vắc xin mà chúng tôi đã phê duyệt vẫn chưa có bất cứ tín hiệu nào đáng lo lắng đến mức chúng tôi phải thông báo cần xem xét lại chúng", trưởng nhóm khoa học WHO nhấn mạnh.
Theo AFP, cho đến nay đã có hơn 7,25 tỉ liều vắc xin COVID-19 được tiêm trên toàn cầu.
Trong khi đó, thống kê của trang Our World In Data cho thấy 51,1% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19. Tổng cộng có 7,31 tỉ liều được tiêm trên toàn cầu, và 27,36 triệu liều được tiêm mỗi ngày.
Tuy nhiên, chỉ 4,2% người dân tại các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất 1 liều.
TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-7, nhóm nghiên cứu vắc xin Nano Covax cho biết đang lấy mẫu đánh giá tính an toàn và tính miễn dịch của vắc xin Nano Covax với 1.004 người tiêm ngừa đủ 2 mũi giai đoạn 3a.
Xem thêm: mth.82885018001111202-iah-uht-eh-eht-91-divoc-nix-cav-iod-gnort-ohw-cuhc-nauq/nv.ertiout