Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan
Chia sẻ về việc dùng chữ "tan tác" để nói về hệ thống y tế vừa qua, bà Phong Lan nói thẳng thắn như trên.
Ngành y tế cần phải nhìn lại mình, đừng ảo tưởng nữa. Chúng ta có thể đã làm được những kỹ thuật cao siêu mà khu vực chưa làm được, những ca mổ lịch sử, máy móc hiện đại đủ thứ... nhưng ruốt cuộc không cứu nổi bệnh nhân của mình bởi những biến chứng từ một bệnh cúm.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
* Những hạn chế dẫn đến những hy sinh, mất mát trong cuộc chiến chống dịch vừa qua mà bà nói cần nhìn thẳng là gì?
- Khi y tế dự phòng vỡ trận, bệnh nhân đổ lên khối điều trị hứng hết, lãnh đủ. Có những thời điểm các bệnh viện đóng cửa không thể nhận bệnh. Bệnh nhân và người nhà cầu cứu tứ phương. Bản thân tôi cũng đã phải trực tiếp giải quyết rất nhiều trường hợp theo kiểu "mối quan hệ quen biết" nhưng các bác sĩ cũng nói thẳng là vì nể nang mà chuyển vào chứ không có giường, không có oxy và cuối cùng chứng kiến bệnh nhân chết mà thôi. Lúc này chỉ biết dùng từ tan tác để nói về hệ thống y tế.
Thử hỏi chúng ta đã đầu tư cho y tế lâu nay như thế nào để khi hữu sự có mà sử dụng? Ngân sách cho y tế, đặc biệt y tế dự phòng, đầu tư chưa thỏa đáng. Chúng ta vẫn muốn đầu tư cho những gì dễ thu hồi, dễ thấy mà quên mất khi dự phòng thủng, điều trị cũng tiêu luôn.
* Vậy nền móng của hệ thống y tế lâu nay lại chưa được đầu tư thỏa đáng?
- Đúng vậy, chúng ta chú ý vào tầm cao, bề ngoài nhưng cái cốt lõi, nền cơ bản - y tế cơ sở thì chưa đầu tư xứng đáng. Ba nhánh của y tế gồm điều trị, cung ứng và dự phòng cái nào cũng quan trọng nhưng dự phòng tạo nền móng. Nền móng không vững chắc hệ thống sẽ lung lay, thậm chí sụp đổ. Nhưng lâu nay chúng ta chỉ chú tâm đầu tư điều trị, cung ứng mà chưa đầu tư thỏa đáng cho dự phòng.
Nhìn thành tựu ngành y tế chỉ dựa trên các bệnh viện quy mô mọc lên mà quên bệnh viện chỉ là khâu cuối, việc chăm sóc sức khỏe toàn dân phải nhìn vào dự phòng. Khắc phục sự đầu tư lệch pha đòi hỏi sự can thiệp quyết liệt từ những người làm chính sách làm sao cho y tế dự phòng phát triển theo khả năng và bắt kịp nhu cầu. Như vậy mới "dĩ bất biến ứng vạn biến" được với những tình huống mới.
Đợt dịch vừa qua, người dân an tâm khi được nhân viên y tế phường chăm sóc. Trong ảnh: nhân viên Trạm y tế phường Tân Thới Nhất (Q.12, TP.HCM) đi đón F0 đến các khu cách ly - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Có ý kiến cho rằng chiến lược chống dịch nên bắt đầu từ y tế cơ sở?
- Đúng như thế. Rất nhiều vấn đề đều bắt nguồn từ y tế cơ sở, phải nói từ lúc các em bé ra đời, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chương trình vắc xin, sổ sức khỏe... đều từ y tế dự phòng. Đặc biệt, với một thành phố đông dân như TP.HCM, mô hình "bác sĩ gia đình" phát triển cũng là cách thúc đẩy y tế cơ sở, y tế cộng đồng phát triển.
Nhà nước đã thấy chuyện này rồi nhưng phản ứng quá thụ động, chưa có hiệu quả. Ai cũng hô hào phải đầu tư y tế dự phòng nhưng chỉ có nghị quyết Quốc hội yêu cầu ngân sách các địa phương chi cho y tế ít nhất phải 30% là dành cho y tế dự phòng. Thế nhưng giờ thống kê cũng chưa đến một nửa các địa phương đầu tư đủ cho y tế dự phòng.
* Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ trả lời chất vấn, bà kỳ vọng gì từ phiên chất vấn này?
- Cái tôi muốn không chỉ là nghe mà chứng kiến những cái sau đó bắt tay làm. Những hạn chế vừa qua không thể đổ lỗi hết cho bộ trưởng nhưng ít ra người đứng đầu ngành phải quyết liệt đấu tranh cho ngành. Bộ phải đề xuất mạnh mẽ hơn với Chính phủ để thấy y tế có chỗ đứng trong chính sách. Không phải thấy ngành y tế đang ráng được nên cho ráng miết, trong khi bản thân ngành đang bị bào mòn.
Thực ra, trả lời chất vấn chưa phải là quan trọng. Điều quan trọng sau khi nắm được nội dung chất vấn, những vấn đề đặt ra thì giải quyết như thế nào mà thôi.
Vấn đề y tế cơ sở nói từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác nhưng vẫn thế. Tôi thấy chưa thay đổi và bây giờ không nói nhiều nữa, cần phải tập trung vào để phục hồi phát triển. Đặc biệt đối với cuộc chiến chống dịch này từ vấn đề vắc xin, trang thiết bị y tế đến xét nghiệm... cần phải được người đứng đầu ngành y tế nhìn thẳng vào các hạn chế và thẳng thắn rút kinh nghiệm.
Bộ trưởng cũng cần ghi nhận các chất vấn mang tính chất phản biện, từ đó ghi nhận cái nào ngắn hạn và cái nào dài hạn, đặc biệt đối với phòng chống dịch. Hiện nay chúng ta thấy rằng nguy cơ dịch bệnh quay trở lại rất lớn. Người dân đòi hỏi rất nhiều do đó cần tránh tình trạng dịch bệnh đang chớm bùng phát ở các tỉnh mà vẫn chống theo một kiểu cũ, thì không thể chấp nhận được.
Có những việc được phép sai sót, nhưng bác sĩ để sai sót là "đi luôn". Cho nên cần phải nói, phải làm. Tôi tin bộ trưởng Bộ Y tế sẽ lắng nghe, tiếp thu trước những góp ý chân thành, xây dựng...
TTO - Tại TP.HCM, chiều qua 1-9 cơ quan chức năng đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm. Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ.