Sáng nay (10/11), Quốc hội bước vào nội dung chất vấn các Bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.
Trong phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đều bày tỏ quan tâm đến vấn đề “loạn” giá xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở tư nhân thời gian qua.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn về vấn đề "loạn" giá xét nghiệm
Theo đó, đại biểu Hòa nêu thực trạng, giá xét nghiệm SARS-CoV-2 thời gian qua mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu. Ông đề nghị Bộ trưởng Y tế nêu rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề này.
Thừa nhận đây là một vấn đề mà người dân, dư luận rất quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán không thuộc mặt hàng quản lý giá. Thứ hai, giá cả các mặt hàng này khác nhau là do sản xuất từ mỗi nước, hãng khác nhau… bản thân các mặt hàng này cũng có ít nhiều khác nhau.
Bộ trưởng Y tế cũng dẫn lại việc thời đầu năm 2020, thời điểm đó dịch COVID-19 mới bùng phát, giá khẩu trang, máy thở cũng khác nhau do nhiều quốc gia đặt hàng để mua.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai một số biện pháp như từng bước minh bạch hóa việc cung ứng đối với vật tư, trang thiết bị y tế. Tháng 7/2020, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải công khai, minh bạch giá của các mặt hàng này trên cổng của Bộ Y tế. Đến nay, đã có hơn 69.000 sản phẩm đã niêm yết giá.
Từ đó, các đơn vị đã tham khảo để xây dựng kế hoạch đấu thầu để cung ứng cho địa bàn của mình. Cùng với đó, Bộ đã liên tục yêu cầu các doanh nghiệp tăng nguồn cung đối với cung ứng qua thị trường Việt Nam. Bộ cũng đã 2 lần có văn bản yêu cầu hạ giá thành sản phẩm để chung tay với công tác phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Thanh Long nói thêm, Bộ đã tăng cường cấp phép để tạo canh tranh giữa các đơn vị. Đến thời điểm này, đã có 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán trong đó có test nhanh là 60, PCR là 43 và kháng thể là 28 được cấp phép. Ngoài ra, Bộ Y tế đã tăng cường vận động tài trợ, hỗ trợ của các quốc gia.
Cũng theo Bộ trưởng, để giảm giá thành, Bộ đã yêu cầu gộp mẫu xét nghiệm. Như đợt ở Bắc Giang vừa qua, Bộ đã triển khai gộp 3, 5 mẫu trong test nhanh, PCR sẽ gộp 10 mẫu, có nơi như Đà Nẵng đã gộp đến 20 mẫu. Đồng thời, Bộ đã liên tục có những điều chỉnh chứng nhận xét nghiệm tùy từng thời điểm, tùy từng mức độ trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm.
Do “mải mê” chống dịch
Ông Long cho biết, trước ngày 1/7/2021, việc test nhanh chưa nhiều nhưng sau đó trên thị trường xuất hiện nhiều hơn. Việc chênh lệch giá xét nghiệm là do người dân đến xét nghiệm tại các cơ sở tư nhân có thu phí khác nhau.
“Có một số đơn vị quá bận với công tác phòng chống dịch, đến tháng 9/2021, dù Bộ đã yêu cầu thực hiện đúng thực thanh, thực chi, giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào tức là giá đầu thấu. Nhưng các đơn vị đã nhận lỗi là do mải mê chống dịch nên chưa triển khai. Bộ đã yêu cầu nghiêm túc chấn chỉnh, không để xảy ra hiện tượng này”, ông Long cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, có một số đơn vị quá bận với công tác phòng chống dịch là một trong những lý do cho việc “loạn” giá xét nghiệm thời gian qua
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, Bộ Y tế đã có hai công điện yêu cầu các cơ sở y tế không được thu đối với người bệnh có bảo hiểm y tế hoặc không có bảo hiểm y tế nhưng do nhà nước chỉ trả.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường thúc đẩy sản xuất test nhanh ở trong nước. Đến nay đã có 8 đơn vị đủ điều kiện sản xuất, đảm bảo được số lượng test nhanh để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Đồng thời, nghiên cứu, sản xuất thêm các phương pháp chẩn đoán mới.
Trách nhiệm của Bộ Y tế?
Sau phần trả lời của ông Nguyễn Thanh Long, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ đồng tình với giải thích của Bộ trưởng Y tế trong việc loạn giá xét nghiệm thời gian qua. Tuy nhiên trong phần tranh luận, ông Hoà cho rằng, để xảy ra tình trạng này ngoài nguyên nhân khách quan thì còn có sự thiếu sót trong vai trò quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Sắp tới, Bộ Y tế đã có quy định về giá xét nghiệm mới, đồng nhất trên cả nước. Tuy nhiên, đại biểu Hòa yêu cầu cần kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm để tránh tình trạng mỗi cơ sở mỗi giá. “Đó là giá của Nhà nước công bố, còn giá của tư nhân chúng ta sẽ quản lý sao đây, Bộ trưởng có quản lý được không hay để doanh nghiệp muốn làm sao thì làm như trước đây”, ông Hòa băn khoăn.
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế áp dụng quy định thực thanh, thực chi. Trong khi đó, đối với các đơn vị y tế tư nhân chúng ta không áp dụng quản lý giá, giá xét nghiệm là do các đơn vị này tự chịu trách nhiệm, nhưng phải niêm yết công khai. Về vấn đề này Bộ xin tiếp thu ý kiến của ĐBQH và thời gian tới sẽ cùng với các đơn vị chức năng đưa ra hình thức tăng cường kiểm tra, giám sát giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân.
Bộ Y tế đã nhận thấy trách nhiệm này và đã triển khai quyết liệt trong thời gian qua. Vì vậy, chúng tôi đã chính thức đưa mặt hàng sinh phẩm xét nghiệm vào danh mục các mặt hàng quản lý giá. Bộ Y tế hy vọng, với những giải pháp kịp thời, tình trạng loạn giá xét nghiệm tới đây sẽ được kiểm soát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!