Hôm 9/11, GE tuyên bố sẽ tách mảng chăm sóc y tế vào đầu năm 2023. Mảng năng lượng cũng sẽ ra riêng một năm sau đó. Chỉ mảng hàng không là được giữ lại.
H. Lawrence Culp – CEO được đưa đến để hồi sinh GE ba năm trước gọi đây là "khoảnh khắc bước ngoặt". "GE đã mắc kẹt trong quá khứ. Và giờ việc này sẽ chấm dứt", Scott Davis – CEO hãng phân tích tài chính Melius Research nhận xét.
GE từng là doanh nghiệp được xếp vào hàng tinh hoa của Mỹ, là gã khổng lồ có tham vọng luôn song hành với mục tiêu quốc gia. GE hiện diện trong từng căn nhà tại Mỹ. Họ bán bóng đèn, TV và máy giặt. Động cơ máy bay của hãng đã mở ra hoạt động bay đường dài. Máy phát điện của hãng giúp thắp sáng các căn nhà. Và thiết bị y tế giúp các bệnh nhân được chẩn đoán bệnh.
Giờ đây, GE đang chia tay với quá khứ huy hoàng đó, bằng việc tách làm 3 doanh nghiệp. GE là nạn nhân của tàn dư khủng hoảng tài chính 2008 và một nền kinh tế tăng trưởng nhanh ngày càng kém thân thiện với các doanh nghiệp đa ngành toàn cầu.
GE thành lập cách đây 129 năm, khi Edison Electric Company của Thomas Edison sáp nhập với một doanh nghiệp khác, dưới sự trợ giúp của J. Pierpont Morgan – tài phiệt đã giúp rất nhiều công ty vĩ đại của Mỹ ra đời.
Ở thời kỳ đỉnh cao – cuối thế kỷ 20, GE đầu tư hàng tỷ USD lợi nhuận vào các mảng kinh doanh mới để mở rộng thương hiệu. "Chúng tôi tạo ra những thứ tốt cho cuộc sống" là khẩu hiệu marketing của GE.
Cổ phiếu GE từ lâu cũng được ưa chuộng nhờ sự an toàn và cổ tức ổn định. Quy mô và sự phổ biến của hãng là một trong những điểm hấp dẫn nhà đầu tư. Dưới sự lãnh đạo của Jack Welch – người dẫn dắt GE trong suốt 2 thập kỷ cho đến năm 2001, doanh thu tăng gần gấp 5, lên 130 tỷ USD. Vốn hóa của hãng cũng tăng từ 14 tỷ USD lên hơn 410 tỷ USD.
Tạp chí Fortune gọi Welch là "lãnh đạo của thế kỷ". Năm 2000, Financial Times lần thứ 3 liên tiếp gọi tên GE là "công ty đáng ngưỡng mộ nhất nước".
Dưới sự lãnh đạo của Welch, GE trở thành nơi đào tạo các lãnh đạo tài ba. Họ được luân chuyển từ mảng này sang mảng khác sau mỗi vài năm. Những người trẻ tham vọng đổ xô đến đây. Các cựu lãnh đạo GE được săn đón cho các vị trí hàng đầu tại những công ty khác, như 3M, Home Depot hay Albertsons.
Welch còn gây dựng một mảng tài chính khổng lồ tại GE. Quan niệm khi đó là các lãnh đạo của GE tốt nhất thế giới và kiếm tiền trên Wall Street dễ như trở bàn tay.
Tuy nhiên, tham vọng này bị dập tắt khi khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, khiến GE rơi vào tình trạng thiếu tài chính. CEO khi đó - Jeffrey R. Immelt đã phải giảm quy mô đáng kể mảng tài chính GE Capital.
Dĩ nhiên, khủng hoảng khiến rất nhiều doanh nghiệp khác khó khăn. Một số công ty tài chính thậm chí biến mất. Tuy nhiên, rất ít công ty phi tài chính đến giờ vẫn phải trả giá như GE. Khi họ vội vã bán bớt các tài sản tài chính gặp rắc rối, mảng máy phát điện lại trở thành gánh nặng kéo tụt quá trình này.
Giới phân tích cho rằng mảng này đã bị mở rộng quá đà. Quy mô và sự phức tạp của nó đã phản tác dụng. Sự quan liêu và cồng kềnh rút cạn khả năng linh hoạt của doanh nghiệp.
Năm 2017, John Flannery – một lãnh đạo lâu năm của GE được đưa lên thay thế Immelt. Flannery tuyên bố thời kỳ khổng lồ của GE đã qua, và GE mới sẽ gọn nhẹ, tinh giản hơn.
Immelt muốn GE lọt top 10 hãng phần mềm năm 2020 khi bổ sung phần mềm và cảm biến vào mảng thiết bị công nghiệp. Tuy nhiên, Flannery đã quyết định sẽ giảm chi cho mảng này thêm 400 triệu USD.
Dù vậy, động thái này, cùng hàng loạt sáng kiến khác, không đủ giúp gã khổng lồ GE lật ngược thế cờ. Năm 2018, GE – đại diện đời đầu cuối cùng của chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đã bị loại khỏi chỉ số này. Mùa thu năm đó, Flannery cũng bị sa thải.
Culp – cựu lãnh đạo của Danaher – một công ty quy mô nhỏ hơn – được đưa tới thay thế. Dưới thời Culp, GE đã trả hàng trăm triệu USD cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) vì các cáo buộc định hướng sai cho nhà đầu tư. Những cáo buộc này có trước khi Culp đến đây. Ông cũng tăng tốc cắt giảm chi phí. Từ hơn 300.000 lao động toàn cầu năm 2014, GE giờ chỉ còn 161.000.
GE hiện có vốn hóa 120 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với 600 tỷ USD năm 2000. Khi đó, họ là công ty giá trị nhất nước Mỹ.
Hôm 9/11, Culp cho biết việc công ty này chia tách là phù hợp với thời đại, khi nhiều đại gia công nghiệp khác cũng đang thu hẹp quy mô. Siemens – đối thủ Đức của GE – đã tách riêng mảng chăm sóc y tế và năng lượng. Honeywell International cũng đã bán bớt mảng kinh doanh.
"Kế hoạch chia tách đề cao sự tập trung và trách nhiệm", ông cho biết, "Việc này sẽ có lợi cho tất cả mọi người".
Các nhà đầu tư, trong đó có công ty Trian – vốn từ lâu gây sức ép chia tách công ty – đã hoan nghênh quyết định này hôm qua. "Trian nhiệt liệt ủng hộ bước đi quan trọng nhằm chuyển đổi GE này", người phát ngôn của Trian cho biết.
Cổ phiếu GE hôm qua đã tăng 3%. Ba công ty mới sẽ có quy mô tương đương nhau. Mảng động cơ máy bay năm ngoái đạt doanh thu 22 tỷ USD. Hãng hiện có 36.000 động cơ được sử dụng trong các máy bay thương mại toàn cầu. 26.000 động cơ sử dụng trong máy bay quân sự.
Mảng thiết bị y tế ghi nhận 17 tỷ USD doanh thu năm ngoái. Hãng hiện có khoảng 4 triệu máy móc được sử dụng tại các bệnh viện và phòng khám trên thế giới.
Công ty năng lượng mới sẽ bao gồm mảng turbine và máy phát điện chạy xăng, hiện đóng góp khoảng một phần ba điện cho toàn cầu.
Mỗi mảng này sẽ đối mặt với các thách thức khác nhau. Với mảng hàng không là đại dịch. Mảng năng lượng thì là xu hướng chuyển đổi sang năng lượng bền vững.
Dù vậy, Culp khẳng định các công ty này sẽ là đối thủ mạnh trong thị trường của mình. "Các doanh nghiệp này đơn giản hơn, mạnh hơn và tập trung hơn", ông nói. Lãnh đạo sẽ dễ quản lý hơn và nhà đầu tư cũng sẽ dễ hiểu doanh nghiệp hơn. Đây là thông điệp hoàn toàn khác so với GE của ngày xưa.
Hà Thu (theo WSJ, CNN)