TPHCM- Ngay sau giãn cách xã hội, các chuỗi bán lẻ hàng công nghệ nói chung và điện thoại nói riêng có được mặt hàng iPhone 13 mở bán đúng thời điểm hoạt động kinh doanh được mở trở lại.
“Cứu tinh” đúng thời điểm
Chính vì thế, iPhone 13 bỗng dưng trở thành “cứu tinh” đối với các chuỗi bán lẻ điện thoại tại Việt Nam nói chung và thị trường TPHCM nói riêng. Bởi công bằng mà nói, nhờ iPhone 13 thị trường điện thoại Việt Nam mới được hâm nóng, mới có chút sôi động trở lại trong những ngày qua.
Những con số bán iPhone khiến chính các chuỗi bán lẻ cũng bất ngờ. Như FPT Shop chỉ sau ngày đầu mở bán đã đạt doanh số iPhone 13 lên tới gần 200 tỉ đồng, còn Thế Giới Di Động sau 7 ngày mở bán đã giao hàng khoảng 18.000 chiếc iPhone 13, tương đương giá trị khoảng 500 tỉ đồng.
Với nhiều chuỗi lẻ như Di Động Việt, Minh Tuấn Mobile…, sức mua iPhone mới gia tăng từ 30-50% so với mùa trước.
Việt Nam cho dù vào thời kỳ kinh tế sôi động hay ngay cả thị trường vào thời điểm sau giãn cách trầm lắng, iPhone vẫn luôn là mặt hàng điện thoại thu hút nhiều người mua nhất, có nhiều fan hâm mộ nhất.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đạt – Giám đốc chuỗi Di Động Việt, nhu cầu iPhone chính hãng tăng do thị trường iPhone xách tay bị thu hẹp, nếu không muốn nói là gần như hoàn toàn, vì kênh vận chuyển quốc tế đứt gãy, hàng xách tay không thể về.
Tuy nhiên còn theo một nguyên nhân khác, Apple trong 2 mùa iPhone gần nhất (iPhone 12 và iPhone 13) đã mở rộng mạng lưới đại lý ủy quyền chính thức (Apple Authorized Resellers- AAR) đến nhiều chuỗi nhỏ vốn dĩ những năm trước có doanh số iPhone xách tay rất lớn. Trong rất nhiều cam kết với Apple, các AAR phải tuyệt đối tuân thủ 1 cam kết là không được bán hàng xách tay.
Apple “lấy dây đậu nấu củ đậu”, cách hiệu quả nhất để thu hẹp thị trường iPhone xách tay. Bên cạnh đó, các AAR được tự quyết định giá bán (chính sách Apple không khống chế giá bán sàn iPhone của đại lý chính thức), với mức giá thậm chí còn rẻ hơn cả hàng xách tay, từ đó càng khiến iPhone xách tay dần hết đất sống.
Nhưng các chuỗi bán lẻ chìm sâu vào phụ thuộc
Khẩu hiệu (slogan) khi mở bán iPhone 13 trên khắp thế giới của Apple là “Oh.So.Pro” (Ồ, thật chuyên nghiệp). Một trong những yếu tố chuyên nghiệp đó được Apple chi phối mạnh đến các đại lý, là không được nhận đặt cọc trước khi mở bán, với lý do để tránh những trải nghiệm không tốt của khách hàng khi đã đặt cọc nhưng mãi không được giao hàng.
Tuy nhiên, sau khi iPhone 13 được mở bán tại Việt Nam, lượng hàng về vẫn không đủ đáp ứng ngay trong tháng 10. Trước đó, theo một chuỗi bán lẻ, lượng iPhone về trong tuần đầu mở bán so với mùa iPhone 12 năm 2020 giảm hơn 20%, trong khi nhu cầu iPhone chính hãng năm 2021 lại tăng mạnh so với năm trước.
Lượng hàng tưởng chừng được tháo gỡ trong đầu tháng 11.2021. Tuy nhiên, không ít chuỗi nhận cọc khách hàng sau khi iPhone 13 đã mở bán, lượng hàng thực tế về chỉ đáp ứng được từ 20-40% số lượng khách đã cọc.
“Oh.So.Pro” nhưng vẫn cứ tiếp tục thiếu hàng giao đúng hạn cho khách hàng và tiếp tục khiến người dùng chịu những trải nghiệm không tốt.
Trước tình thế như vậy, với các chuỗi bán lẻ như mọi năm, có thể tìm kiếm nguồn hàng không chính hãng. Tuy nhiên, từ mùa iPhone 12 năm 2020 đến nay các nguồn không chính hãng đã rất hạn chế vì do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thông thương.
Nhưng cho dù các tuyến vận chuyển, thông thương có được nối lại, các AAR cũng không được phép nhập iPhone thế hệ mới từ nguồn không chính hãng để đáp ứng người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.
Xem thêm: odl.606279-couht-uhp-oav-uas-mihc-el-nab-iouhc-cac-gnuhn-gnourt-iht-uuc-31-enohpi/et-hnik/nv.gnodoal