Jeff Carpoff, chủ sở hữu công ty máy phát điện mặt trời DC Solar ở California bị kết án 30 năm tù vì vận hành mô hình lừa đảo kiểu Ponzi. Carpoff đã thu hút những nhà đầu tư tên tuổi lớn, bao gồm cả tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett.
DC Solar là nhà sản xuất mát phát điện năng lượng mặt trời di động cho các sự kiện thể thao và lễ hội âm nhạc. Công ty đánh bóng hình ảnh với nhà đầu tư bằng cách thổi phồng số lượng máy phát điện đã sản xuất.
Tiền đổ vào DC Solar thông qua các hợp đồng tài trợ phức tạp. Berkshire Hathaway cũng rót 340 triệu USD. Những nhà đầu tư khác bao gồm các công ty lớn như Progressive, East West Bancorp, Valley National Bancorp và Sherwin-Williams.
DC Solar tuyên bố khoảng 17.000 thiết bị của công ty đang được khách hàng sử dụng. Nhưng thực chất công ty chỉ sản xuất và cho thuê được số máy ít hơn nhiều lần, các nhà chức trách cho biết. Thay vào đó, công ty sử dụng tiền từ nhà đầu tư mới để trả cho nhà đầu tư cũ.
Quyền công tố viên Phillip Talbert tuyên bố: "Jeff Carpoff đã dàn dựng âm mưu lừa đảo tội phạm lớn nhất trong lịch sử quận Đông California".
Năm ngoái Carpoff đã nhận tội âm mưu thực hiện hành vi lừa đảo qua thiết bị viễn thông (wire fraud) và rửa tiền, theo hồ sơ tòa án. Đồng thời, vợ của ông ta là Paulette Carpoff cũng thừa nhận tội rửa tiền và thông đồng. Dự kiến bà sẽ bị kết án vào tuần tới.
5 người khác có mối quan hệ với DC Solar cũng nhận tội danh liên quan đến vụ án.
Luật sư của Carpoff nói: "Ông Carpoff thành thật hối hận vì đã không đóng cửa công ty khi tình hình trở nên rõ ràng rằng không có đủ thị trường cho thuê máy phát điện mặt trời di động".
"Ông đã công khai xin lỗi vì sai sót của mình và có ý định tiếp tục hỗ trợ tư vấn cho nhà đầu tư trong việc khởi kiện các chuyên gia "đã tìm ra" cách trốn tránh thực tế thị trường"
Chính phủ Mỹ đã thu hồi khoảng 120 triệu USD tài sản thất thoát và dự định sẽ trả lại cho nhà đầu tư.
Carpoff bị tịch thu nhiều tài sản, bao gồm bộ sưu tập xe hơi đắt tiền. Phiên đấu giá những chiếc xe này thu về được khoảng 8,2 triệu USD, văn phòng công tố Mỹ cho biết. Hai vợ chồng Carpoff sử dụng một phần tiền huy động được từ vụ lừa đảo Ponzi để mua một đội bóng chày hạng nhỏ. Họ cũng mua đồ trang sức, đăng ký gói thuê chuyên cơ, mua bất động sản hạng sang ở California, Nevada, vùng Caribe và Mexico, Bloomberg cho biết.
Xem thêm: mth.76383855101111202-dsu-ueirt-043-yawahtah-erihskreb-aul-ihk-uas-ut-man-03-na-hnil/nv.zibmanteiv